MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán khó cho Tổng thống Macron

05-12-2018 - 09:07 AM | Tài chính quốc tế

Làn sóng biểu tình của phong trào "Áo ghi-lê vàng" là thách thức lớn nhất Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt kể từ khi lên nắm quyền 18 tháng trước.

Người biểu tình chỉ trích kế hoạch tăng thuế nhiên liệu là biểu tượng của sự thiếu quan tâm của ông Macron đối với dân thường trong bối cảnh chất lượng sống sụt giảm.

Dù vậy, phần lớn người biểu tình và đa số người Pháp đang ủng hộ phong trào trên đều lên án bạo lực. Nhà chức trách đang tập trung vào những kẻ bạo động chuyên nghiệp trà trộn vào đám đông ôn hòa. Không dễ tách rời 2 thành phần này nhưng đây là chuyện cần làm nếu ông Macron muốn hiện thực hóa những cam kết tham vọng của mình.

Theo báo Irish Times, chương trình cải cách của ông chủ Điện Élysée là toàn diện và có tác động sâu rộng, từ thị trường lao động, thuế, giáo dục, đường sắt, y tế, môi trường cho đến chính sách đối ngoại và châu Âu. Để tiếp tục theo đuổi chiến lược này, ông không thể khuất phục trước những động thái chống thay đổi mang đặc trưng của người Pháp.

Bài toán khó cho Tổng thống Macron - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại cuộc họp ở Điện Elysee hôm 2-12. Ảnh: Reuters

Hồi năm 2010, chính quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy đối mặt làn sóng tổng đình công phản đối kế hoạch cải cách hưu trí. Sau đó 6 năm, nước Pháp chứng kiến bạo động bùng phát liên quan đến dự luật cải cách lao động thời Tổng thống Francois Hollande. Ngay cả chính quyền ông Macron hồi đầu năm nay cũng đương đầu các cuộc đình công phản đối cải cách đường sắt.

Dưới góc nhìn của báo The Guardian (Anh), vượt qua thách thức trên đòi hỏi ở ông Macron không chỉ tài lãnh đạo, quyết tâm mà còn cả sự sẵn sàng lắng nghe những phàn nàn, đòi hỏi của người biểu tình. Ông có thể đưa ra những nhượng bộ về thuế để giảm bất bình đẳng xã hội nhưng nhất định không được thay đổi những nội dung cốt lõi của chiến lược cải cách, trong đó có cam kết đưa nước Pháp dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách đánh thuế nhiên liệu carbon - Irish Times nhấn mạnh.

Còn tạp chí Foreign Policy (Mỹ) cho rằng đằng sau sự bộc phát giận dữ của người biểu tình là tâm trạng thất vọng với nền kinh tế còn trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp vẫn đứng đầu ở mức 9,2%. Vấn đề là người Pháp không chịu chấp nhận những cải cách về thuế và luật lao động đã tỏ ra hiệu quả ở Đức, Đan Mạch và những quốc gia phúc lợi khác tại Bắc Âu.

Trả lời đài CNN gần đây, ông Macron chấp nhận thực tế rằng những biện pháp kinh tế đang thực thi khiến uy tín của ông sụt giảm (chỉ còn 26%) nhưng dự báo nước Pháp sẽ cảm nhận những tác động tích cực trong ít nhất "18-24 tháng tới". Nếu nước Pháp vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, cử tri sẽ có đến 3 năm rưỡi để kiểm chứng xem chiến lược của ông Macron hiệu quả đến đâu.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên