MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán nhân sự hậu COVID-19: "Cơn đau đầu" của các doanh nghiệp

10-11-2021 - 17:37 PM | Doanh nghiệp

Chính phủ đã vào cuộc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút và đón người lao động quay lại làm việc.

Chính phủ đã vào cuộc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút và đón người lao động quay lại làm việc.

Mặc dù Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để đưa người lao động trở lại các trung tâm công nghiệp sau khi họ hồi hương do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Theo thông tin từ chính phủ cho biết, hầu hết các nhà máy tại các trung tâm công nghiệp của Việt Nam đã trở lại hoạt động sản xuất, sau những gián đoạn do dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, câu chuyện thu hút người lao động quay trở lại làm việc sau một thời gian gián đoạn, đã và đang là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp tại các trung tâm công nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Gần đây đã có sự vào cuộc của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút và đón người lao động quay lại làm việc, góp phần sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các địa phương triển khai hỗ trợ đoàn viên và người lao động quay trở lại làm việc, với các hình thức hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hỏa, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng vừa yêu cầu các công đoàn phải xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động. Trong đó, quan tâm đặc biệt tới đoàn viên, người lao động phải ở trong các khu cách ly, phong tỏa, mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế; đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…

Thậm chí, một nhà cung cấp của Nike đang làm mọi cách để đưa người lao động trở lại nhà máy, họ còn treo thưởng 100 USD để tuyển mộ công nhân Việt. Nhà sản xuất giày thể thao New Balance hứa hẹn về việc đón tận nơi người lao động từ quê nhà lên thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn miễn phí.

Có thể thấy hiện tại, Việt Nam đang đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, cung cấp mọi thứ từ đồ nội thất của Walmart, giày thể thao Adidas cho đến điện thoại thông minh của Samsung .

Sau Trung Quốc, chúng ta là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai cho Mỹ. Tầm quan trọng của Việt Nam lại càng tăng lên mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nhiều ngành sản xuất chuyển sang để tránh thuế quan.

Nhưng, trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 vừa qua, khiến cho các nhà máy ngừng hoạt động trong thời điểm phong tỏa tại các trung tâm công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã khiến nhiều công ty toàn cầu đặt sản xuất tại Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn.

Các thương hiệu như Nike, gần đây đã cắt giảm dự báo bán hàng phần lớn do thiếu hàng từ Việt Nam. Các nhà máy ở các nước khác đang quá tải đơn đặt hàng, và sẽ mất hàng tháng để đào tạo công nhân và di chuyển máy móc.

Bài toán nhân sự hậu COVID-19: Cơn đau đầu của các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike – Noel Kinder (Ảnh: VGP).

Điều này cũng đã ảnh hưởng đến các công ty công nghệ như Apple, có thể khiến việc phân phối iPhone 13 bị gián đoạn do đóng cửa tại các nhà cung cấp linh kiện. Một đơn vị Samsung Electronics sản xuất đồ điện gia dụng tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu xuất khẩu nếu có thể nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

Với việc nới lỏng các hạn chế vào đầu tháng 10 vừa qua, sản lượng tại một số nhà máy đang tăng lên. Pouyuen Việt Nam, một đơn vị thuộc Tập đoàn Pou Chen của Đài Loan, nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, đã nối lại sản xuất vào ngày 6 tháng 10, mặc dù chỉ với không quá 30% công nhân.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân , Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết: “Các nhà máy giày dép của Việt Nam, nơi sản xuất giày cho các thương hiệu toàn cầu như Adidas và Puma, dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn vào đầu năm sau sau khi các hạn chế nghiêm ngặt về chống vi rút dẫn đến việc đóng cửa nhà máy tạm thời và công nhân trở về các tỉnh”.

Bài toán nhân sự hậu COVID-19: Cơn đau đầu của các doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hầu hết các nhà máy đã có khoảng 70% đến 80% công nhân trở lại làm việc.

Bà Xuân cũng cho biết, các nhà máy ở vành đai công nghiệp phía Nam của Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai và Long An, cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 70% đến 80% công nhân của họ đã trở lại làm việc.

Có thể nói, do ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19, người lao động vẫn đang gặp khó khăn ngay cả khi muốn trở lại các trung tâm công nghiệp để làm việc. Tuy vậy, với sự vào cuộc của Chính phủ cùng nỗ lực của doanh nghiệp, hy vọng “cơn đau đầu” nhân sự của các khu công nghiệp, các nhà máy có thể trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới.


Theo Nguyễn Chuẩn

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên