MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán phát triển nền nông nghiệp sạch toàn diện trong năm 2017

07-02-2017 - 08:30 AM | Doanh nghiệp

Một nền nông nghiệp sạch không chỉ có nghĩa là tạo ra nông phẩm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn phải bao hàm nội dung tiêu chuẩn an toàn cho người sản xuất và môi trường sống.

Theo nhiều đánh giá chung, thách thức lớn nhất đối với nền nông nghiệp nước ta trong thời gian tới chính là tái cơ cấu lại hệ thống, bởi bên cạnh nhiều thách thức về thị trường, cạnh tranh gay gắt, nông nghiệp nước ta hiện nay đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về thiên tai.

Do vậy, trong thời gian tới, mà trước mắt là trong năm 2017, cần xác định rõ rằng, nông nghiệp không chỉ cần “an toàn” mà còn phải “hiệu quả”. Và để tạo ra những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao cũng như tạo lập được thị trường ổn định, cần giải quyết đồng bộ các bài toán sau:

Một là, ưu tiên vốn vay cho nông nghiệp sạch

Thực tế, muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, điều quan trọng có tính chất ưu tiên hàng đầu là cần có vốn đầu tư, trong đó có dòng vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thời gian qua, vốn tín dụng cho nông nghiệp còn rất nhỏ giọt, thậm chí dù nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy vốn tín dụng vào nông nghiệp nhưng nông dân, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận, và đa số các ngân hàng cũng tìm cách “né” cho vay nông nghiệp vì nhiều lý do.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) dành tối thiểu 50.000 tỉ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch. Đây được coi là một động thái giải tỏa được phần nào cơn “khát vốn” các đối tượng khách hàng vay vốn là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại tham gia các khâu, quy trình trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Tuy nhiên, để phục vụ cho suốt quá trình sản xuất, chu kỳ kinh doanh, những người làm nông nghiệp sạch cần được tạo điều kiện hơn nữa về ưu đãi nguồn vốn vay cũng như lãi suất.

Hai là, khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững thông qua chương trình truyền hình thực tế

Chương trình truyền hình thực tế về nông nghiệp sạch đang đón nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả trên cả nước. Ảnh: Bizmedia.

Để có thể khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng, chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về nông nghiệp mang tên "Nông nghiệp sạch – Cho người Việt Nam, cho Thế giới” (lên sóng từ 1/11/2016 vào lúc 18h20 hàng ngày trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam) cần hoàn thành tốt hơn nữa vai trò giới thiệu, quảng bá tới khán giả truyền hình trong và ngoài nước các loại nông sản Việt, các vùng nông nghiệp nổi tiếng cũng như thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đang dần được hình thành trên toàn quốc. Từ đó giúp làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, dần tạo lập vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, giúp nông dân tiếp cận nhanh công nghệ cao

Thực tế sản xuất thời gian qua tại các vùng miền trên cả nước đã chứng minh, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng, giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống cũ, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Cà chua được trồng theo công nghệ cao tại vùng đồi Cao Răm (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Bizmedia.

Hiện nay, nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do vậy, các địa phương sau khi quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp CNC cần kiên trì tuyên truyền, từng bước tập huấn, giới thiệu, tiến tới hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dựa vào kinh nghiệm mà phải dần chuyển sang nền sản xuất nông  nghiệp công nghệ cao.

Bốn là, gây dựng, lan tỏa văn hóa sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn

Nông dân hiện nay bị coi là "thủ phạm" làm ra thực phẩm bẩn, nhưng họ cũng chính là nạn nhân vì họ phải bán sản phẩm với giá thấp, lợi nhuận không bù đắp được công sức bỏ ra.

Do đó, điều cốt lõi là ngành nông nghiệp cần thay đổi nhận thức và ngay lập tức hành động, từ việc thay đổi phương thức sản xuất, quy trình kỹ thuật đến tăng tính liên kết, khơi mở thị trường cho nền nông nghiệp.

Năm là, sự hỗ trợ tích cực của các cấp về chính sách cho nông nghiệp sạch

Ngoài việc hoàn thiện rà soát các quy định, ban hành bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để siết chặt quản lý chất lượng nông sản, ngành cũng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào chế biến nông sản; tạo ra các nông sản an toàn.

Các cấp chính quyền cần có chủ trương tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực, xây dựng chuỗi liên kết quy mô lớn, mô hình sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xanh, sạch... Quan trọng hơn nữa là người nông dân đã chuyển hẳn từ tư duy sản xuất tự cấp, tự túc sang tư duy sản xuất hàng hoá. Sản xuất nông nghiệp cũng thoát khỏi thế độc canh, chuyển sang đa canh và từng bước sản xuất hàng hoá.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên