Bán 60% dự án Vĩnh Hảo 6 cho đối tác, FECON dự kiến lợi nhuận quý 2 tăng đột biến
Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 là dự án đầu tiên trong chiến lược đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng của FECON trong 5 năm tới (2018 – 2023). 60% cổ phần dự án này đã được chuyển nhượng cho đối tác là ACWA.
Thông tin này vừa được lãnh đạo của Công ty CP FECON (FCN) cho biết trong buổi hội nghị về "triển vọng FECON 2019" với các quỹ đầu tư vào sáng nay 6/6. Hoạt động SXKD Công ty 03 năm gần có xu hướng dịch chuyển từ năng lực lõi thi công cọc – nền sang hạ tầng, xây dựng đô thị - công nghiệp. Bên cạnh gia tăng doanh thu, thị phần thì biên lợi nhuận gộp có xu hướng về mức ổn định 14% - 15% do việc giảm giá cạnh tranh thị phần để có năng lực và tích lũy kinh nghiệm.
Mảng hoạt động truyền thống của FECON là thi công cọc và xử lý nền móng hiện đang đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của FECON (chiếm trên 70% doanh thu); còn lại là lĩnh vực công trình ngầm, hạ tầng và xây dựng dân dụng& công nghiệp.
Doanh thu hợp nhất 2018 toàn Tập đoàn đạt 2.846 tỷ, tăng 22,6% so với năm 2017 (2.320 tỷ). Lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỷ, tăng 39% so với năm 2017 (178 tỷ).
Năm 2019, FECON đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu và 356 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của quý 1/2019 chưa đạt kỳ vọng ghi nhận 490,64 tỷ doanh thu, tăng trưởng 15,3% so với Quý 1/2018 (425 tỷ). Lợi nhuận sau thuế đạt 28,05 tỷ, tăng trưởng 17,4% so với Quý 1/2018 (23,9 tỷ).
Theo lý giải của đại diện đơn vị này thì do đặc thù của ngành xây dựng nên quý 1 thường rơi vào ngày nghỉ Tết dài ngày. Tuy nhiên, Quý 2/2019 FECON ước ghi nhận 715,5 tỷ doanh thu, tăng trưởng 29,9% so với Quý 2/2018 (550,4 tỷ). Doanh thu lũy kế 2 quý hoàn thành 28,7% kế hoạch năm 2019 là (4.200 tỷ).
Lợi nhuận sau thuế quý 2 ước đạt 121 tỷ, tăng trưởng 176,2% so với Quý 2/2018 (43,8 tỷ). Lợi nhuận lũy kế 2 quý dự kiến đạt 42,2% kế hoạch năm (356 tỷ).
Khoản lợi nhuận tăng trưởng đột biến này là do công ty chuyển nhượng 60% của dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác, thu được khoảng 45 tỷ. Dự án có quy mô hơn 200ha đất, giai đoạn 1 FECON cùng với đối tác phát triển 60ha, hiện đã hoàn thiện, đang trong giai đoạn phát điện thử nghiệm và dự kiến bắt đầu thu tiền từ khoảng 12-15/6 tới. Sau khi bán 60% dự án thì FECON vẫn còn đang nắm giữ 40% dự án này. Đối với giai đoạn 2 quy mô 156ha, FECON dự tính sẽ đầu tư điện mặt trời hoặc điện gió. Nếu giá điện vẫn được giữ như cũ thì công ty sẽ làm điện mặt trời.
Trong 2 quý 2019: Hợp đồng chuyển tiếp 1.200 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng ký mới 1.300 tỷ đồng. Đến nay, tập đoàn FECON đã có tổng giá trị hợp đồng đạt 2.500 tỷ đồng để ghi nhận doanh thu cho năm 2019.
Các dự án thi công xây dựng lớn như đường nối từ Từ Sơn đến TP Bắc Ninh, dự án Metro số 3 (Hà Nội), dự án Long Sơn, dự án căn hộ Senturia An Phú, dự án thi công cọc Lotte Mall, dự án thi công cọc bệnh viện quốc tế Xuân Phương, thi công đường KĐT sinh thái Long Thành, thi công nền đường đua F1, thi cọc CEO Vân Đồn,…
Ngoài ra, cũng theo chia sẻ của Tổng Giám đốc FECON thì còn nhiều dự án lớn khác từ nay đến 2021 dự kiến có thể ký kết được với tổng giá trị hợp đồng vào khoảng trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó, 2019 vào khoảng trên 4.600 tỷ, phần còn lại rơi vào 2 năm tiếp theo.
Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Khoa, chủ tịch HĐQT FECON thì định hướng trong những năm tới là công ty sẽ đầu tư vào khoảng 5-6 dự án năng lượng, trong đó tham gia khoảng 30-50% dự án tùy vào đối tác với điều kiện là FECON phải là nhà thầu thi công, và mua lại một dự án. Mục tiêu 3 năm tới ít nhất là mỗi năm đầu tư 1 dự án và xong 2 dự án đến 2021. Đồng thời có thể nhận thêm 3 dự án để thi công và lợi nhuận chiếm 20-25%. Mục tiêu trong dài hạn là mảng đầu tư có thể chiếm 50% lợi nhuận toàn hệ thống, trong đó riêng mảng năng lượng chiếm khoảng 60% còn lại là lĩnh vực khác.
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu 25 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược với giá không dưới 22.000 đồng/cổ phần theo Nghị quyết ĐHĐCĐ của công ty này hiện nay chưa thực hiện được. FECON dự kiến phát hành cho đối tác từ Nhật, tuy nhiên, tại buổi Hội nghị, lãnh đạo FECON chia sẻ đã không đàm phán thành công với đối tác này do giá cổ phiếu trên thị trường xuống quá thấp, đàm phán khó khăn. Hiện tại FECON đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược khác, và đã tiếp cận với một số đối tác từ Hàn Quốc, Singapore.
Tài chính Plus