Bán bánh rán 700 ngàn đồng cho khách Tây: Đâu là văn minh du lịch?
Sức hấp dẫn của du lịch không chỉ là biển đẹp, thức ăn ngon, mà còn ở sự thân thiện, mến khách, là thái độ ứng xử của người làm du lịch.
- 05-06-2017Bà mẹ phá hỏng kỳ nghỉ cả nhà vì ham combo du lịch
- 26-05-2017Du lịch thời thế giới mở cửa đón khách Việt
- 04-05-2017Nhật Bản ra mắt tàu du lịch siêu sang với giá vé lên tới 10.000 USD
Với tiềm năng dồi dào về danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa thế giới, Việt Nam đang được lựa chọn làm điểm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Con số 8 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa trong năm ngoái cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Có một thực trạng đang làm xấu đi phần nào hình ảnh vốn đẹp đẽ của du lịch nước ta trong mắt du khách. Đó là những hành vi thiếu văn minh, phản cảm của hai thanh niên khi chụp ảnh khỏa thân trên đỉnh Pha Luông (Sơn La) hay thói quen xả rác bừa bãi của du khách ở quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt); rồi việc ăn mặc hớ hênh của du khách khi đến các điểm du lịch tâm linh; viết, vẽ bậy lên Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ ( thành phố Huế)... Tại phố cổ Hà Nội, người bán hàng rong đã ép khách Tây mua bánh rán với giá 700 nghìn đồng khiến dư luận bức xúc.
Khách du lịch nước ngoài (Ảnh: Dân trí)
Trước những sự việc này, nhiều địa phương đã tiến hành chấn chỉnh. Thành phố Đà Nẵng phát video về ứng xử văn minh du lịch tại nhiều màn hình công cộng. TP Hồ Chí Minh phát hành 150 nghìn bản quy tắc ứng xử; Nha Trang, Huế triển khai dịch vụ cho khách mượn áo lam, váy quây tại những điểm du lịch tâm linh... Còn tại Hà Nội, tháng 3 năm nay, thành phố đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, định hướng cho các cá nhân, tổ chức những việc “nên làm” và “không nên làm”....
Song song với công tác tuyên truyền, mở các lớp bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử và phục vụ trong hoạt động du lịch tới người dân, các doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi chèo kéo, ép khách ép giá, bắt chẹt du khách.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc công ty du lịch Transviet, Hà Nội cho biết: Công ty liên tục tổ chức các khóa tập huấn về thực hiện văn minh du lịch, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam. Ở các khóa tập huấn ngoài việc yêu cầu tuyên truyền cho khách thì có những buổi thảo luận giữa các hướng dẫn viên và công ty để làm sao cách tuyên truyền hiệu quả, nhẹ nhàng khéo léo.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT travel cũng cho rằng: nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ ứng xử văn minh lịch sự là một cách tốt để làm hài lòng du khách.
"Trước kia chúng ta hay đổ tại ngành du lịch. Tất cả các tệ nạn chặt chém và dịch vụ yếu kém và sau một quá trình chúng ta đã tuyên truyền việc thực hiện và nghĩa vụ đối với quản lý về chất lượng dịch vụ của các địa phương và các địa phương đã vào cuộc 1 cách rất tốt" - ông Đài nói.
Mùa hè, nhà nhà đi du lịch. Các doanh nghiệp tranh thủ khai thác, giảm giá khuyến mãi để thu hút khách. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ là biển đẹp, thức ăn ngon, mà còn ở sự thân thiện, mến khách, là thái độ ứng xử lịch thiệp, văn minh của đội ngũ làm du lịch.
Vì vậy, không chỉ ở các thành phố lớn, lực lượng chức năng liên ngành của các địa phương có hoạt động du lịch cũng đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức về văn hóa kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng khách sạn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, công khai các dịch vụ cũng như phát hiện để xử phạt nghiêm các trường hợp “chặt chém”, ép giá du khách, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Phan Đinh Tám, chủ một quán hải sản ở Khu du lịch biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh cho rằng: thực hiện văn hóa kinh doanh là việc làm cần thiết để du khách trở lại với mình.
Vấn đề văn hóa, ứng xử văn minh trong du lịch ngày càng quan trọng trong bối cảnh du lịch đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành rộng rãi Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây là quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn.
Tuy nhiên, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn, cần sự quyết tâm cao độ của chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, nhất là ở đội ngũ nhân viên hoạt động trực tiếp trong ngành du lịch và mỗi du khách.
VOV