Bán, cầm cố ô tô nở rộ vì dịch
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp thua lỗ, vỡ nợ vì dịch COVID-19 buộc phải bán, cầm cố xe. Các ngân hàng cũng liên tục rao bán ô tô của người vay bị xiết nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
- 13-08-2020Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 7/2020: Honda City biến mất khỏi bảng xếp hạng, VinFast Fadil giữ vững phong độ
- 13-08-2020Bán, ký gửi ô tô tăng mạnh trong dịch COVID-19
- 10-08-2020Dính “hạn” Covid-19 - Thị trường ô tô gặp khó, giá giảm
Gara ô tô dồi dào xe cũ
Mang chiếc ô tô cũ của mình đến định giá tại gara ô tô Hiền Lương trên đường Trần Thái Tông, anh Nguyễn Thanh Bình, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) cho biết, cuối năm 2018 anh vay 500 triệu đồng của một ngân hàng cổ phần để mua xe chạy dịch vụ, mỗi tháng trả góp cả gốc lẫn lãi khoảng 10 triệu đồng. Dịch COVID-19 xuất hiện, khách hàng giảm, kinh doanh dịch vụ khó khăn, xe nằm một chỗ nên anh đành bán xe.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại các tuyến phố có nhiều hiệu cầm đồ như đường Láng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… nhu cầu cho thuê, thanh lý hay cầm cố ô tô tăng khá cao so với thời điểm giữa năm 2019. Bà Lê Thị Tình, chủ cửa hàng cầm đồ số 865 đường Láng cho biết, từ đầu năm đến nay cửa hàng đã đồng ý cầm cố 10 chiếc ô tô cũ. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành kinh doanh vận tải, xe công nghệ bị tác động nặng nề. Nhiều người cần tiền giải quyết việc gấp, vay ngân hàng thủ tục rất khó và lâu nên khách hàng tăng mạnh”, bà Tình nói.
Tại tiệm cầm đồ ở Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhân viên trực ở cửa hàng hai tuần nay tất bật với công việc do lượng khách mang ô tô đến đặt cao hơn ngày thường. Nhân viên tên Thanh cho biết, cửa hàng cầm đồ không chỉ hưởng lãi trên số tiền cho vay mà còn mong khách không đến lấy ô tô đúng hẹn để có thể rao bán, hưởng lợi hơn nhiều.
“Một chiếc BMW 320i, đăng ký cuối năm 2016 có giá thực tế khoảng 1,3 tỷ đồng, nhưng cửa hàng cầm đồ chỉ định giá 800 triệu đồng, cho dù có bán rẻ chắc chắn vẫn lãi đậm”, anh Thanh nói thêm.
Ngân hàng thanh lý hàng loạt xe
Nhiều tháng qua, các thông tin thanh lý xe của các ngân hàng tăng đột biến. Đầu tháng 8, nhiều ngân hàng tiếp tục rao bán thanh lý ô tô cũ, trong đó, không ít xe là tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Đơn cử, Ngân hàng BIDV đang thanh lý ô tô con Ford Everest đời 2009 có 7 chỗ ngồi với giá khởi điểm là 200 triệu đồng. BIDV Long Biên Hà Nội vẫn đang tiếp tục rao bán 8 chiếc ô tô khách giường nằm nhãn hiệu Thaco với giá 508 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/chiếc. Vietcombank chi nhánh Hà Nội đang phát mại 5 ô tô trong đó có 2 chiếc ô tô tải hiệu Toyota Hilux, 2 chiếc ô tô tải hiệu TMT, và 1 chiếc ô tô con hiệu Toyota Camry.
Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa thông báo thanh lý 10 chiếc ô tô con năm chỗ hiệu Kia màu bạc, sản xuất năm 2008-2011, những mẫu xe này giá chỉ 60-70 triệu đồng mỗi chiếc. TPBank ra thông báo bán đấu giá năm ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ. Các mẫu xe được rao bán đợt này có giá khởi điểm từ 207 triệu đến 502 triệu đồng, tùy thương hiệu, năm sản xuất và dòng xe.
Anh Nguyễn Đình Vinh, thợ sửa xe lâu năm tại gara An Thịnh Phát, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) nhận định, người mua xe thanh lý có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn so với mua xe mới nhưng cần phải kiểm tra thật kỹ nếu không sẽ mua phải xe hỏng. “Tốt nhất là người mua nên nhờ những người có chuyên môn kiểm tra. Các loại ô tô được ngân hàng thanh lý thường thấp hơn so với giá trên thị trường để thu hút người mua, xử lý nhanh nợ xấu. Song khi muốn mua xe thanh lý, khách hàng phải có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, kiểm tra, so sánh giá xe trên thị trường”, anh Vinh nói thêm.
Tiền phong