Bạn có biết, chứng khoán Việt Nam từng có vụ lừa đảo như của "siêu lừa" Madoff?
Với danh nghĩa là đầu tư chứng khoán, Huyền Như đi vay tiền từ nhiều cá nhân, với lời hứa trả lãi cao. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đi xuống, Huyền Như không thể kiếm lời và chỉ còn cách lấy tiền lãi của người sau trả cho người trước
Vụ lừa đảo Ponzi lớn nhất Việt Nam - Huỳnh Thị Huyền Như
Vụ án lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như diễn ra 5 năm trước được coi là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử hệ thống tài chính Việt Nam với số tiền chiếm đoạt lên tới 4.900 tỷ đồng.
Trong vụ lừa đảo của Huyền Như , một mặt, Huyền Như làm giả các con dấu, đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng để tạo ra các hợp đồng giả, huy động tiền từ ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán. Đồng thời, với sự am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng, Huyền Như lập các chứng từ giả để rút và chiếm đoạt tiền từ ngân hàng.
Vụ án của Huyền Như đã khiến VietinBank gánh chịu hậu quả nặng nề, đồng thời khiến toàn bộ hệ thống ngân hàng phải đề cao cảnh giác. Sau vụ Huyền Như, các ngân hàng đều phải thắt chặt quy trình hoạt động của mình, nhằm giảm thiểu các "tai nạn" có thể xảy ra.
Bên cạnh lừa đảo bằng nghiệp vụ ngân hàng, Huyền như tạo nên vụ lừa đảo theo mô hình ponzi điển hình trên sàn chứng khoán, giống như Ponzi hay "siêu lừa" Madoff từng thực hiện trên thế giới. Đây là phương thức mà những kẻ lừa đảo mượn danh nghĩa đầu tư để đi vay tiền với lãi suất cao, nhưng thực tế chỉ là lấy tiền của người sau để trả lãi cho người đến trước. Hệ thống Ponzi sẽ sụp đổ khi có người muốn rút khoản tiền gốc. Vụ án của Madoff đã gây chấn động toàn cầu khi tổng số tiền lên tới 65 tỷ USD.
Quay lại vụ Ponzi của Huyền Như, với danh nghĩa là đầu tư chứng khoán, Huyền Như đi vay tiền từ nhiều cá nhân, với lời hứa trả lãi cao. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường chứng khoán đi xuống, Huyền Như không thể kiếm lời và chỉ còn cách lấy tiền lãi của người sau trả cho người trước. Dần dần, số tiền cần có để trả lãi ngày càng cao và hệ thống của Huyền Như sụp đổ.
Đối với trường hợp lừa đảo này, rất khó để nhà đầu tư có thể né tránh sau khi nghe những thông tin từ Huyền Như, cho dù là những người tỉnh táo. Với địa vị của Huyền Như lúc bấy giờ: Sở hữu số tiền khổng lồ, là khách hàng VIP của hàng loạt công ty chứng khoán, mối quan hệ rộng lớn, nhân viên "cứng" của ngân hàng VietinBank..., uy tín và thương hiệu của Huyền Như là rất lớn.
Cùng với đó, bằng số tiền của mình, Huyền Như chắc chắn trả lãi đúng hẹn cho những chủ nợ đầu tiên, nên uy tín lại càng tăng. Tiếng lành đồn xa, các nhà đầu tư đến sau được hứa hẹn lãi suất cho vay cao sẽ rất khó cầm lòng. Chính vì vậy, mô hình lừa đảo Ponzi được đánh giá là khó đề phòng hơn so với mô hình "kim tự tháp" của kinh doanh đa cấp.
Các ngân hàng có thể đã từng làm Ponzi
Không chỉ có Huyền Như, nhiều thông tin cho rằng, các ngân hàng trong khoảng thời gian xảy ra vụ lừa đảo cũng hoạt động theo dáng dấp Ponzi. Thời điểm đó, các ngân hàng sa lầy vào các dự án dài hạn phát sinh nợ xấu, như các dự án bất động sản, nên không còn đủ tiền để hoàn trả các khoản tiền gửi đến hạn. Khi đó, ngân hàng buộc phải thực hiện việc huy động tiền của người ngày để trả cho người kia, bằng cách huy động với lãi suất cao.
Động thái này đẩy lãi suất trên thị trường liên tục tăng cao, làm cho thị trường liên ngân hàng trở thành nơi kinh doanh béo bở cho một số ngân hàng lớn, trong khi các ngân hàng nhỏ lại không hề lo sợ vì được bảo đảm rằng sẽ không có ngân hàng nào phá sản. Mặt bằng lãi suất có lúc đã lên tới 25-30%, lãi suất huy động 18-20%, doanh nghiệp phá sản tới 70%... Doanh nghiệp và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Điểm nguy hiểm 'chết người' của mô hình Ponzi so với mô hình "kim tự tháp" núp bóng kinh doanh đa cấp đó là càng nắm giữ nhiều thông tin, nhà đầu tư càng dễ bị lừa.
Lấy vụ Huyền Như làm ví dụ, trước khi bị bắt, Như thực sự có một hồ sơ hoàn hảo, từ vị thế cho đến tiếng tăm, trả lãi đàng hoàng khi đến kỳ (cho tới trước khi sụp đổ). Tương tự, Ponzi hay Madoff cũng vậy.
Trong trường hợp này, hầu hết đều bị hoa mắt bởi những món hời không tưởng để rồi rơi vào cảnh tay trắng.
Vậy làm sao để không bị lừa? Có lẽ chỉ có nhà đầu tư luôn đặt cho mình câu hỏi làm gì mà đầu tư một lời ba nhanh như vậy, kèm theo rất nhiều ... may mắn mới có thể tránh được.
Trí thức trẻ/CafeBiz