Bạn có biết tại sao bạn vẫn chưa giàu không? Không có "số nghèo", chỉ có "bệnh nghèo"
Người ta hay bảo giàu nghèo có số, nhưng nếu bạn không nỗ lực, bạn cũng sẽ không biết "cái số" của bạn nó nằm ở đâu. Thực ra với hầu hết mọi người, nghèo là cái bệnh chứ không phải cái số. Không thể đổ cho số mệnh được, là bệnh, thì ắt có cách chữa.
Ngoài dũng khí, bạn còn cần trí tuệ
Michael Tien, một người giàu nổi tiếng ở Hồng Kông, khi tham gia một show giải trí, đã trải qua thử thách làm nhân viên vệ sinh trong một thời gian ngắn.
Trước khi bước vào thử thách, ông ấy rất tự tin nói rằng: "Kẻ yếu sẽ bị thị trường đào thải. Chỉ cần bạn có ý chí chiến đấu, bạn có thể trở thành kẻ mạnh."
Nhưng đến khi thực sự trải nghiệm, ông ấy mới phát hiện ra rằng, cuộc sống dưới đáy xã hội còn tàn khốc hơn ông tưởng nhiều.
Khi đó ông ấy mới biết thế nào là sống ở khu ổ chuột, thế nào là thu nhập thấp đến mức không đủ để sử dụng phương tiện công cộng, mới biết cái ông gọi là "ý chí chiến đấu" sẽ bị hiện thực tàn khốc nghiền nát ra sao.
"Rất kỳ lạ, mấy ngày đó tôi chỉ nghĩ đến việc ăn, hoàn toàn không có kỳ vọng vào bất kỳ điều gì. Tôi không nghĩ gì trong đầu cả, cố gắng làm việc cũng chỉ để được ăn một bữa tử tế mà thôi."
Khi rời khỏi chương trình, ông ấy cũng thành thật thừa nhận, mình kiên trì được từng đó thời gian là vì biết cuộc sống đó chỉ kéo dài có vài ngày.
Sống trên đời cần có trí tuệ, muốn thay đổi hiện trạng mà chỉ dựa vào dũng khí và ý chí chiến đấu là không đủ.
Đặc biệt là trong cái xã hội biến đổi với tốc độ chóng mặt này, bạn chỉ có cách không ngừng học tập, không ngừng rèn luyện, không ngừng tiếp nạp cái mới. Nếu không, sớm muộn gì cũng sẽ bị "đạp" xuống đáy xã hội.
Khi một ai đó đã chìm xuống dưới đáy xã hội, thì cái họ nỗ lực kiếm về mỗi ngày không phải là tiền nữa, mà chính là mạng sống.
Phải sống có kỷ luật hơn
Bạn có thể có nhiều cách đẻ lý giải về thành công, nhưng "nghèo rớt mùng tơi" thì có nói kiểu gì cũng khó mà coi là sống thành công được.
Người có thành tựu trong cuộc sống và sự nghiệp, kiểu gì cũng là người sống kỷ luật.
Tác gia người Mỹ Thomas C.Corley rất hiếu kỳ về chuyện này. Ông ấy đã dành ra 5 năm phỏng vấn 233 người thành công lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và 128 người nghèo, quan sát cuộc sống thường ngày của họ, và so sánh cách sống giữa họ.
Ông ấy phát hiện ra rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo chính là "thói quen làm giàu".
Cuộc điều tra cho thấy, một ngày có 1440 phút thì hầu hết mọi người mất đến 1200 phút cho việc ngủ nghỉ, công việc, ăn uống, đi lại, còn lại 240 phút ngắn ngủi còn lại chính là khoảng thời gian tạo ra khoảng cách giàu nghèo.
Thói quen sử dụng 240 phút này, tạo nên những vận mệnh hoàn toàn khác biệt.
Đây thực ra là một loại tư duy, đồng thời rất giống với thói quen sống. Giống như thói quen sống tốt thì sẽ khiến người ta khỏe mạnh, thậm chí kéo dài tuổi thọ, còn các thói quen xấu sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, có được "thói quen làm giàu" tốt sẽ tăng nhanh quá trình tích lũy tiền bạc của bạn, ngược lại sở hữu những "thói quen nghèo khó" thì khó mà giàu lên được, cho dù có nỗ lực đi nữa.
Chuyện này cũng tương tự như là, ngày nay rất nhiều người đang cố giảm cân, nhưng số người dáng đẹp trên thực tế vẫn là số ít.
Nguyên nhân rất đơn giản, là do không dừng được miệng, không nhấc được chân.
Chuyện làm giàu cũng vậy, bạn phải giữ đúng nguyên tắc và kiên trì mới được.
Suy nghĩ xem phải làm thế nào để ra tiền
Gần đây tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ rất căng thẳng. Trong khi số lượng người mắc mệnh cứ mãi không hạ xuống, tổng thống Mỹ Donald Trump lại cứ sốt ruột muốn khôi phục hoạt động kinh tế.
Nhiều người dân Mỹ cũng xuống đường biểu tình chống lại yêu cầu ở nhà tránh dịch.
Tại sao vậy?
Có người cho rằng, ngoài thói quen sống tự do của dân Mỹ từ trước đến giờ, việc người dân ít có thói quen tằn tiện tích cóp cũng gây ra sự khủng hoảng khi phải ở nhà. Không có tiền, làm sao họ yên ổn ở nhà được?
So ra thì, mặc dù theo dòng chảy thời đại, thói quen tiết kiệm tiền cũng đã mai một đi phần nào, nhưng truyền thống tiết kiệm tốt đẹp cũng đã giúp nhiều hộ gia đình ở Việt Nam có khả năng chống chọi qua thời gian cách ly.
Tuy vào thời điểm đặc biệt như thế này, thói quen tích cóp phòng trừ đã phát huy tác dụng rất tuyệt vời, nhưng bình thường thì đây không phải một cách hay. Vì tiền bạn cất đi sẽ không sinh thêm ra tiền, chúng ta còn có thể lựa chọn dùng số tiền đã có để đầu tư kiếm về lợi nhuận.
Kể cả khi bạn không muốn dùng tiền để đầu tư, thì cũng nên nghĩ cách kiếm thêm tiền, chứ đừng chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập. Vì như vậy có gom góp cả đời cũng khó mà giàu được, và khi gặp phải thời kỳ đặc biệt như hiện nay, cũng sẽ rất bất lợi cho bạn.
Tóm lại, không có "số nghèo", chỉ có "bệnh nghèo". Bạn đã sẵn sàng để "chữa" chưa?
Báo Dân sinh