MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn có hay bật khóc trong những cuộc cãi vã? Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý để hiểu bản thân và làm chủ cảm xúc của mình tốt hơn

12-06-2019 - 21:45 PM | Sống

Nước mắt không chỉ là phương tiện giải toả mà còn là phương tiện giao tiếp khi lời nói không truyền tải hết thông điệp một người muốn nhắn gửi tới đối phương. Đó là phản ứng tự nhiên trước những tình huống căng thẳng cao độ, tuy nhiên nước mắt cũng có thể là yếu tố gây bất lợi khi chủ thể đang ở giữa một cuộc tranh luận mà trong đó đối phương coi đây như biểu tượng của sự yếu đuối.

Như nhiều cô gái, Rose Armitage, 20 tuổi, đến từ Las Vegas, thường xuyên không kìm nén được nước mắt khi cãi nhau với bạn trai.

Dù các lý do cô ấy đưa ra vô cùng hợp lý, tính cách cũng không phải quá tệ nhưng mỗi khi cãi nhau với bạn trai, Armitage đều không thể ngăn mình bật khóc.

“Em không nhớ được bất kỳ lần cãi nhau nào mà mình không khóc. Sáng nay em mới khóc vì không giải được một bài tập khó. Khi em cãi vã với người yêu cũng thế, em khóc vì em quan tâm. Đôi khi vì em cảm thấy mình không được lắng nghe.”

Charles Darwin vốn nổi tiếng với học thuyết tiến hoá từng tuyên bố những giọt nước mắt chảy ra “không có mục đích”, nhưng với trường hợp của Armitage, nước mắt không chỉ là phương tiện giải toả mà còn là phương tiện giao tiếp khi lời nói không truyền tải hết thông điệp một người muốn nhắn gửi tới đối phương. Chúng ta khóc có thể vì đồng cảm với người yêu, sững sờ trước một điều trước nay chúng ta không biết hay giận dữ vì bị buộc tội.

Theo ký giả Mandy Oaklander của Tạp chí Time, “Nước mắt là dấu hiệu mà người khác có thể nhìn thấy”. Đó là phản ứng tự nhiên trước những tình huống căng thẳng cao độ, tuy nhiên nước mắt cũng có thể là yếu tố gây bất lợi khi chủ thể đang ở giữa một cuộc tranh luận mà trong đó đối phương coi đây như biểu tượng của sự yếu đuối.

Theo Carder Stout, một chuyên gia trị liệu tâm lý ở Los Angeles, “Nhiều người cảm thấy bực bội khi đối phương khóc lóc vì họ coi đó là mánh khoé để giành thế chủ động trong cuộc tranh cãi. Người khóc có thể bị đánh giá là không ổn định về cảm xúc: ‘Sao lúc nào em cũng khóc lóc thế? Em tỉnh lại đi!’”

“Khi chúng ta lo lắng, chúng ta có thể sợ rằng mâu thuẫn sẽ gây ra sự chia ly và mất mát. Thay vì bảo vệ chính kiến của mình và nói lên sự thật, bạn lo sợ đối phương sẽ bỏ đi khi mâu thuẫn trở nên gay gắt.” - Stacey Rosenfeld, nhà tâm lý học tại Coral Gables, Florida.

Bạn có hay bật khóc trong những cuộc cãi vã? Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý để hiểu bản thân và làm chủ cảm xúc của mình tốt hơn - Ảnh 1.

Tại sao chúng ta bật khóc?

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc cùng các cặp đôi của chuyên gia tâm lý Carder Stout, bật khóc là phản ứng có nguyên nhân, “Có lẽ họ cảm thấy tổn thương, thậm chí sợ hãi sự đối đầu và nước mắt chính là sản phẩm của nỗi sợ đó. Có lẽ họ cảm thấy tranh cãi sẽ khiến họ bị bỏ rơi, họ không thể chịu đựng ý nghĩ đó và kết quả là họ bộc lộ sự mềm yếu của mình.”

Trong khi một số người cảm thấy xấu hổ vì không kiềm chế được cảm xúc, “những người khác có thể hàn gắn vết thương lòng từ những giọt nước mắt nếu họ được chia sẻ đúng cách”, vị này chia sẻ.

Theo Stacey Rosenfed, một nhà tâm lý học tại Coral Gables, Florida, Mỹ, việc bật khóc có liên quan đến phong cách gắn bó (attachment style) hay thái độ của chúng ta đối với các mối quan hệ thân thiết.

Nếu bạn là kiểu người hay lo lắng, bạn có xu hướng trở nên nhạy cảm với những sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong thái độ, hành vi của người yêu. Bạn có thể coi đó như báo động đỏ về mối quan hệ giữa hai người. Đôi khi bạn để tình cảm lấn át lý trí, vội vàng kết luận ngay giữa cuộc tranh luận.

Rosenfeld chia sẻ, “Khi chúng ta lo lắng, chúng ta có thể sợ rằng mâu thuẫn sẽ gây ra sự chia ly và mất mát. Thay vì bảo vệ chính kiến của mình và nói lên sự thật, bạn lo sợ đối phương sẽ bỏ đi khi mâu thuẫn trở nên gay gắt.” Thế là nước mắt bắt đầu rơi.

Những giọt nước mắt của bạn có thể nhận được sự cảm thông khi đối phương cũng là kiểu người hay lo lắng hay có phong cách gắn bó bền chặt, nhưng mọi chuyện sẽ rắc rối hơn nếu người bạn yêu là kiểu người chạy trốn. Người hay chạy trốn không muốn gì hơn ngoài việc thoát khỏi những tình huống mang tính kịch. Với bản chất của mình, họ không thoải mái khi có quá nhiều sự thân mật trong mối quan hệ; khóc lóc là biện pháp tự vệ đầy tính đeo bám theo quan niệm của kiểu người này.

Mọi chuyện sẽ diễn ra như một vòng tròn luẩn quẩn nếu cặp đôi không biết cách xử lý.

Sự khác nhau giữa hai giới cũng đóng một vai trò nhất định ở đây. Thường thì chúng ta coi phụ nữ là những người yếu đuối và bật khóc trong những cuộc cãi vã. Theo bà Rosenfeld, nguyên nhân của việc này là do phụ nữ thường được dạy bảo phải tránh thể hiện sự tức giận khi còn nhỏ. “Vì thế chúng ta thường thể hiện sự giận dữ của mình một cách yếu ớt hơn và khóc là một cách để giảm cơn giận. Chúng ta có thể sợ hãi vì không biết đối phương sẽ phản ứng lại như thế nào, từ chối, mất mát thậm chí vũ lực có thể xảy ra.”

Bạn có hay bật khóc trong những cuộc cãi vã? Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý để hiểu bản thân và làm chủ cảm xúc của mình tốt hơn - Ảnh 2.

Vậy làm thế nào để rút ngắn khoảng cách về cảm xúc giữa người hay khóc và người không khóc?

Khi mâu thuẫn lên cao trào, bạn đừng ngại lên tiếng để hai bên có chút thời gian riêng tư. Sau đó hãy rời khỏi phòng một lát. Vào nhà tắm lấy lại bình tĩnh hay đi dạo.

Stout chia sẻ, “Tôi thường khuyên bệnh nhân của mình trữ lấy một túi đất và đặt bàn chân lên đất như một cách để giải toả sự lo lắng. 10 phút lấy lại bình tĩnh sẽ trở nên hiệu quả.”

Bạn cũng nên lên kế hoach đối phó với những cuộc cãi vã sau này. Nếu bạn là người hay khóc, hãy tìm ra mục đích của những giọt nước mắt: Cảm xúc đằng sau phản ứng đó là gì? Điều gì làm bạn lo lắng và bạn muốn truyền tải nó tới đối phương?

Theo Rosenfeld, “Hãy nói với người ấy về thói quen của bạn và ý nghĩa của những giọt nước mắt khi hai người làm hoà. Việc này sẽ giúp họ hiểu bạn cũng như bản chất của mối quan hệ.”

Giải pháp không phải để tránh những cuộc cãi vã đầy nước mắt trong suốt quãng đời chung sống còn lại mà là tìm cách đối phó với những cảm xúc của bạn khi không ngăn được những giọt nước mắt.

Trong trường hợp của Armitage, khi cuộc cãi vã lên đến đỉnh điểm, cô ấy và bạn trai luôn cố nhắc cho nhau nhớ rằng họ không chiến đấu với nhau, họ đang chiến đấu với vấn đề đôi bên đang gặp phải.

“Đến lúc này thì người yêu em khá là quen với việc em khóc rồi. Thật sự thì em nghĩ chúng ta không nên sợ việc bản thân bật khóc, nhất là khi chúng ta cảm thấy mâu thuẫn đang gây nên sự tức giận. Như em đã nói từ đầu, chúng ta khóc vì chúng ta quan tâm.”

Theo Phương Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên