"Bạn có khỏe không?" và câu chuyện vượt nguy tìm cơ của y tế tư nhân
"Bạn có khỏe không?". Cách đây 2 năm, tôi sẽ bật cười nếu ai đó hỏi mình câu này, bởi nghe có vẻ sáo rỗng, "ngoại giao" hơn là một lời quan tâm tự đáy lòng. Nhưng giờ, đó lại là câu mà tôi và những người xung quanh mình thường xuyên thốt ra trong những cuộc gặp gỡ, sau 2 năm dịch Covid-19 và 1 năm bình thường mới.
Bài học từ đại dịch
Tôi có một người bạn, chúng tôi hay hò nhau "bữa nào rảnh đi cafe nhé". Và cái "bữa nào rảnh" ấy của chúng tôi là thời điểm đại dịch bắt đầu nhe nanh giơ vuốt, cũng vào những ngày giáp Tết như bây giờ. Bạn kể, bạn vừa phát hiện K gan. 2 tháng sau, tôi chưa kịp hỏi lại "Bạn có khỏe không?" thì hay tin bạn mất. Lúc đó là cao điểm dịch, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, việc đến nhìn bạn và chia tay lần cuối là không thể.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân thời điểm covid-19
Không chỉ bạn tôi, nhiều người khác nằm xuống trong đại dịch đã không được tiễn đưa theo một cách long trọng thường lệ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 5/5/2022 công bố, ước tính, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14,9 triệu người, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại dịch. Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang trên đường trở thành bệnh đặc hữu nhưng những di chứng mà nó để lại vẫn còn dai dẳng. Qua cơn dịch, hàng vạn gia đình mất đi người thân. Những căn nhà vãn hẳn bóng người, những đứa trẻ ngẩn ngơ ra vào tìm hơi cha mẹ... Và rất nhiều người đã mất đi cơ hội để hỏi nhau "dạo này khỏe không?".
Sau gần một năm "bình thường mới", dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, nhưng những hệ lụy mà nó mang lại dường như chưa dừng lại. Hiện vẫn chưa thể thống kê đầy đủ những di chứng hậu Covid, nhưng nhiều di chứng thể chất và tinh thần tương tự nhau của những người bị "bão Covid-19" cho thấy, dư âm của nó vẫn hiện hữu. Sau Covid-19, những bệnh cơ hội, bệnh dịch theo mùa cũng dễ dàng tấn công chúng ta hơn.
Nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối rơi vào tình trạng quá tải, "ba tiếng chờ đợi mười phút khám". Nhìn một cách tích cực thì nỗi sợ hãi bệnh tật đã khiến người ta dành sự quan tâm lớn hơn với sức khỏe của mình và người thân, đã bớt chủ quan hơn. Và câu hỏi "Bạn có khỏe không?", đã thực sự trở thành lời yêu thương "trúng hồng tâm" cũng vì thế.
Hiệu ứng "domino" ngành y tế, sự chảy máu chất xám hay cơ hội chuyển mình?
Sau 2 năm chiến đấu, đại dịch vừa tạm lắng thì ngành y tế lại đối mặt với một vấn đề mới, tạm gọi là "domino hậu Covid-19". Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, riêng năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022 có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, tập trung nhiều ở các tỉnh thành lớn.
Có nhiều câu trả lời để lý giải cho hiện tượng này: Áp lực từ cường độ công việc; thu nhập thấp; môi trường làm việc hạn chế sức sáng tạo... Ở đâu đó cũng có sự "hờn trách" các nhân viên y tế, cho rằng họ nhảy việc vì sức hút kinh tế của khối tư nhân, cho rằng đó là sự thất thoát, "chảy máu chất xám" của ngành y.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lý giải về "cơn bão" nghỉ việc, chuyển việc trong ngành y: "Ở một số nơi, bác sĩ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, thuốc men, áp lực làm việc căng thẳng... trên diện rộng. Cơn khủng hoảng đó chỉ là nhất thời, nhưng nó cảnh báo các nhà quản lý trong khu vực y tế công cần sát sao hơn.
Các nhân viên y tế rời chỗ này thì sẽ đến chỗ kia, vì họ muốn tiếp tục làm nghề, chứ đừng nói là do sức hút của hệ thống y tế tư nhân. Thực ra, người làm ngành y đều là người hướng thiện, thích giúp đỡ người khác. Không hướng thiện thì dù giỏi mấy cũng không trụ được với nghề. Làm ở viện công hay viện tư cũng là để hiện thực hóa sự hướng thiện đó mà thôi".
Nhìn từ góc độ của một nhà sáng lập, người quản lý bệnh viện tư nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bệnh viện Hồng Ngọc cho rằng dùng từ "chảy máu chất xám" trong trường hợp này là chưa chính đáng vì: "Trong nghề y, khoảng cách của người giỏi nhất với người kế tiếp không là quá xa, chỉ là một chín, một mười, nên về cơ bản, các bệnh viện Nhà nước vẫn không ảnh hưởng quá nhiều.
Nói làn sóng nhảy việc của nhân viên y tế là cơ hội để các viện tư "đón lõng" nhân sự cũng có một phần đúng, nhưng chưa đủ. Bản thân các bệnh viện tư nhân phải tự chứng minh mình có đủ điều kiện "sân bãi" để đón người tài."
Là một bác sĩ có hơn 40 năm làm việc và quản lý tại bệnh viện công, đến khi về hưu mới gia nhập môi trường tư nhân, Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS Lê Văn Thạch – Nguyên giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hồng Ngọc cũng từng bỡ ngỡ khi gia nhập môi trường tại đây.
Bác sĩ phân tích: "Viện tư đòi hỏi trách nhiệm của nhân viên y tế rất cao, bệnh nhân cũng đòi hỏi hơn. Đầu tư của bệnh viện tư dễ dàng hơn bệnh viện công, nhà đầu tư thường ra quyết sách rất nhanh để có được những trang thiết bị cần thiết.
Đương nhiên, những đề xuất của chúng tôi cũng phải mang tính thời sự và đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh. Chúng tôi phấn khởi vì mình có thể áp dụng những công nghệ tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để khám chữa cho bệnh nhân của mình. Thêm nữa là điều kiện làm việc tốt, môi trường thoải mái, không bị quá tải."
Viện công - viện tư, không phải cạnh tranh mà song hành để phát triển
Trong hình dung của nhiều người, các bệnh nhân đến với bệnh viện tư là để tận hưởng dịch vụ tốt, được chăm sóc chuyên nghiệp nhưng chuyên môn lại "kém" hơn, ít bác sĩ "xịn" hơn viện công. Khi có biến động lớn về sức khỏe, nhiều người vẫn ưu tiên đến các bệnh viện tuyến đầu, dù biết rõ tình trạng quá tải.
BS Thạch cho rằng, đây là một định kiến mà bản thân các hệ thống bệnh viện tư nhân cũng đang nỗ lực để thay đổi. "Phần lớn bệnh viện tư bây giờ đều quan tâm đến việc phát triển kỹ thuật, nhân sự chất lượng cao ngang tầm các bệnh viện công. Như bệnh viện chúng tôi chẳng hạn, dù là viện tư nhưng nhiều kỹ thuật khó, hiện đại như kỹ thuật thay khớp háng hay phẫu thuật nội soi ở trong tất cả các khoa cấp cứu, khoa sản, khoa ngoại đều rất ổn. Tôi cho rằng hai hệ thống đang mất dần sự chênh lệch và trong tương lai sẽ tiến đến xu hướng hợp tác để phục vụ bệnh nhân tốt nhất."
Bác sĩ Hùng phân tích thêm, những lợi thế rõ ràng nhìn thấy được của bệnh viện công, đặc biệt là viện tuyến trung ương như cơ sở vật chất, thương hiệu, nguồn bệnh nhân lớn… đều là di sản hàng trăm năm. Cộng thêm sự bảo trợ của Nhà nước về hành lang pháp lý, cung ứng vật tư, thiết bị y tế… không có gì khó hiểu khi các bệnh viện Nhà nước có sức hút lớn với cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Nhưng ông cũng nhận định, chính sự hạn chế của bệnh viện tư nhân lại chính là động lực để họ phát triển. "Tôi không nghĩ bệnh viện công - tư là đối trọng mà đó là hai hệ thống song hành. Kể cả ở châu Âu, Mỹ và các nước phát triển cũng vậy. Chẳng có gì là cạnh tranh cả vì nhu cầu về y tế của người dân là có thật, diễn ra hàng ngày ở các mức độ khác nhau. Người ta sẽ lựa chọn theo khả năng kinh tế, vị trí địa lý và mức độ chuyên sâu. Nếu có thì nên là cạnh tranh để phát triển khoa học chứ không phải về tìm kiếm khách hàng."
Các bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc đang thực hiện một ca mổ
Không chỉ bệnh nhân, ngay cả các bác sĩ trẻ khi "nhảy việc" đến các bệnh viện tư nhân cũng có chút lo ngại rằng mình không đủ các ca lâm sàng khó để thực hành nâng cao tay nghề. Giải đáp cho câu chuyện này, Chủ tịch tập đoàn Hồng Ngọc chia sẻ: "Nghề nào cũng vậy, đặc biệt là nghề y, việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ cực kỳ quan trọng. Những bác sĩ có kinh nghiệm không chỉ là kho tri thức quý báu trong việc xử lý các ca bệnh khó mà còn là người thầy dìu dắt các bác sĩ trẻ.
Bệnh viện chúng tôi chủ trương để các bác sĩ trẻ học từ chính tiền bối và cũng tạo điều kiện tu nghiệp ở những nước tiên tiến, cập nhật những công nghệ y khoa mới nhất. Song song với đó, các bác sĩ trẻ cũng được gửi đến làm việc và học tập ở các viện chuyên khoa tuyến đầu trong nước.
Nhờ vậy, chúng tôi có một lứa bác sĩ trẻ rất tiềm năng có thể tiếp bước đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm; phấn đấu đạt chuẩn bệnh viện đa khoa hàng đầu, trong đó tất cả các khoa đều có những chuyên gia có thể điều trị những ca khó."
Có thể thấy, việc các viện tư nhân phát triển và chú trọng nâng cao chất lượng nhân sự, kỹ thuật và trang thiết bị đã góp phần thay đổi cách làm y tế truyền thống. Từ đây, người bệnh có điều kiện sẽ tiếp cận dịch vụ y tế nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến đầu lại được giảm tải thời gian chờ đợi. Sự phát triển của khối bệnh viện tư nhân cũng thôi thúc các bệnh viện công nỗ lực hơn để cải thiện chất lượng dịch vụ. Những bác sĩ gạo cội có cơ hội để tiếp cận công nghệ cao, kỹ thuật mới, bác sĩ trẻ cũng có nhiều cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực.
Với tâm huyết của mình, khối bệnh viện tư nhân nói chung và Bệnh viện Hồng Ngọc nói riêng sẽ là một hậu phương cần thiết của ngành y tế 2023, cùng "chia lửa" với các viện tuyến đầu trong hành trình cứu người. Để rồi, thay vì lo lắng cho sức khỏe và hỏi nhau "Bạn có khỏe không", người Việt sẽ dần tìm được cảm giác yên tâm, và an ủi nhau "Rồi sẽ ổn thôi", vì ai cũng có cơ hội để sống khỏe mạnh và được chăm sóc toàn diện.
Tổ Quốc