Bán công ty thanh toán cho phía Hàn lãi “1 ăn 7” trước khi đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị phát hiện, 1 thành viên của VNPT bị kiện đòi bồi thường gần 800 tỷ đồng
Đây là nghĩa vụ liên đới có thể phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần tại CTCP Thanh toán Điện tử VNPT (EPAY) giữa VMG và Global Payment Service (GPS), UTC Investment (UTC) năm 2017.
Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 của CTCP Truyền thông VMG (ABC) cho thấy mức lỗ sau thuế gần 178 tỷ đồng, chênh lệch giảm 213 tỷ đồng so với báo cáo tự lập (lãi 35 tỷ đồng).
Theo giải trình của VMG, chênh lệch này chủ yếu đến từ khoản trích lập dự phòng rủi ro phải trả ngắn hạn 210 tỷ đồng trên báo cáo công ty mẹ. Đây là nghĩa vụ liên đới có thể phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần tại CTCP Thanh toán Điện tử VNPT (VNPT EPAY) ngày 16/5/2017 giữa VMG và Global Payment Service (GPS), UTC Investment (UTC).
Ngày 20/1/2021, VMG nhận được thư từ Trọng tài quốc tế, trong đó có sự kiện ảnh hưởng đến xét đoán về rủi ro có thể xảy ra. VMG đã được các công ty luật có liên quan tư vấn để xác định giá trị rủi ro này. VMG nói rằng, do sự kiện phát sinh tại thời điểm công ty chuẩn bị tiến hành công bố báo cáo tài chính, công ty không có đủ thời gian và tư vấn từ chuyên gia để kịp điều chỉnh trong báo cáo tài chính tự lập. Các dự phòng rủi ro đã được công ty kiểm toán xem xét và đồng ý trích lập theo báo cáo tài chính sau kiểm toán.
Năm 2017, VMG đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại EPAY cho GPS và UTC (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC, cả hai có trụ sở tại Hàn Quốc). Tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần, VMG nắm 62,25% cổ phần EPAY.
Năm 2019, GPS và UTC cho rằng VMG đã phản ánh không trung thực và chính xác tình hình tài chính của EPAY khi đưa doanh thu 5.352 tỷ đồng và EBITDA 27 tỷ đồng.
Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 30/11/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ, GPS và UTC cho rằng hoạt động của EPAY bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó, GPS và UTC đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần tại EPAY. Vì lẽ đó, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế và đòi VMG bồi thường 756 tỷ đồng.
Từ năm 2019 đến nay, VMG phát sinh khoản tiền đặt cọc gần 9 tỷ đồng gửi đến Trung tâm Trọng tài quốc tế để thực hiện việc hòa giải liên quan đến vụ kiện.
Hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế đang tiến hành các thủ tục tố tụng và chưa có kết luận cuối cùng.
Cũng theo các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nêu trên, VMG phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khiếu nại thuế nào phát sinh trực tiếp từ bất kỳ sự kiện hoặc vấn đề nào còn tồn tại trước khi hoàn thành hợp đồng và điều khoản bảo hành về tuân thủ pháp luật. Vì vậy, VMG cho biết đã trích lập dự phòng phải trả GPS và UTC đối với nghĩa vụ có thể phát sinh do vi phạm các điều khoản bảo hành trong hợp đồng với số tiền gần 210 tỷ đồng.
Việc trích lập dự phòng này được VMG xem xét và căn cứ vào:
1. Kết luận tại bản án ngày 30/11/2018 của TAND tỉnh Phú Thọ trong đó có nêu:
- EPAY đã thực hiện nâng khống 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị 657 tỷ đồng. Do đó, VMG đã ước tính và trích lập dự phòng phải trả đối với các nghĩa vụ liên đới có thể phát sinh từ các kết luận này. Số tiền dự phòng được ước tính bằng số tiền truy thu, phạt thuế mà EPAY phải nộp theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam nhân với tỷ lệ sở hữu vốn của VMG tại EPAY trước thời điểm chuyển nhượng.
- Buộc EPAY phải nộp 50,5 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách Nhà nước (gồm 46,8 tỷ đồng tiền hưởng lợi từ dịch vụ trung gian thanh toán và 3,8 tỷ đồng tiền hưởng lợi từ dịch vụ đại lý thẻ Vcard).
2. Căn cứ vào kết quả tư vấn của công ty luật Venture North về rủi ro cao của VMG nếu GPS và UTC kiện VMG về vấn đề thu thuế.
3. Căn cứ vào kết quả tư vấn của công ty luật TNHH Hãng luật Bizco về cơ sở tính khoản thiệt hại trực tiếp và thực tế từ việc vi phạm pháp luật của EPAY.