5 mẹo nhỏ giúp chúng ta "xanh hoá", đưa thiên nhiên vào không gian sống để chill mỗi ngày
Xã hội ngày càng phát triển, con người lại càng có xu hướng lựa chọn những không gian sống đậm chất thiên nhiên. Bởi điều này không chỉ mang đến một không gian yên bình, thoáng mát mà còn là nơi để detox lại tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống.
- 20-10-2021KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế nhà xanh: Không gian mát mẻ hiếm khi phải dùng điều hoà, hệ vườn khiến mọi nhà phố đều ao ước
- 13-09-2021"Tái sinh rác" để đổi lại rau xanh mướt, cây trĩu quả, bà chủ penthouse biến ngôi nhà thành không gian sống vô cùng ý nghĩa giữa mùa dịch
- 21-08-2021Căn nhà phố 100m2 giữa Sài Gòn cho gia đình nhiều thế hệ: Không gian xanh vừa hoài cổ vừa hiện đại tinh tế, chốn yên bình đoàn viên
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, dịch vụ, các công trình hiện đại… kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính… gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, công việc và cuộc sống của con người.
Do đó, giải pháp cho một cuộc sống thân thiện hơn với môi trường, tốt hơn cho sức khỏe đó là đưa thiên nhiên vào trong chính ngôi nhà của bạn.
Thiết kế Biophilic - Kết nối con người với thiên nhiên
Xu hướng Biophilic - Không gian xanh dành cho thế hệ mới.
Biophilic xuất phát từ thuật ngữ "Biophilia"- từ dùng để chỉ tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Thuật ngữ "biophilia" được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Erich Fromm vào năm 1973. Sau đó được phổ biến bởi nhà sinh vật học Edward O. Wilson vào năm 1984, khi ông phát hiện ra quá trình đô thị hóa khiến con người mất kết nối với thiên nhiên. Mặc dù thuật ngữ này có vẻ tương đối mới nhưng đang trở thành xu hướng trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất.
Thiết kế Biophilic - hiểu đơn giản là thiết kế Xanh, là một ý tưởng sáng tạo mới cho những nơi chúng ta sống, làm việc và học tập gần gũi với thiên nhiên, đi ngược lại xu hướng thiết kế chủ đạo hiện nay ở các đô thị hiện đại với những tòa cao ốc chọc trời, những căn nhà thông minh.
Thiết kế Biophilic hướng tới việc tạo nên môi trường sống lành mạnh và hiệu quả đối với con người hiện đại, nơi thiên nhiên và công nghệ được kết hợp một cách hài hòa.
Biophilic - Kiến tạo lại cuộc sống
Nguyên tắc chính đằng sau Biophilic khá đơn giản: Kết nối con người với thiên nhiên nhằm cải thiện chất lượng sống.
Sau nhiều thập kỷ xây dựng những thành phố bê tông với tòa cao ốc chọc trời, dường như con người đã mất kết nối sâu sắc với trái đất và môi trường xung quanh. Điều này gây ra một số căng thẳng đáng kể về tinh thần và thể chất, đồng thời gia tăng bệnh tật.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc ngồi 8 – 9 giờ mỗi ngày trong văn phòng sẽ có tác động tiêu cực tới cơ thể, bao gồm: Giảm tỷ lệ trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, tăng nguy cơ trầm cảm, đau lưng và cổ.
Chính vì thế, thiết kế Biophilic là giải pháp tối ưu, phá vỡ tác động tiêu cực của môi trường và xã hội, khôi phục mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe như giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và chức năng nhận thức, tăng năng lượng, sáng tạo, tác động tích cực đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm.
Bên cạnh đó, thiết kế Biophilic còn mang lại rất nhiều lợi ích khác về mặt môi trường, kinh tế và xã hội.
5 mẹo mang cả thiên nhiên vào không gian sống
Phòng tắm “xanh” với những chi tiết trang trí hết sức độc đáo
1. Đưa cây xanh vào không gian sống
Đặt nhiều cây xanh trong nhà sẽ mang đến cho bạn thêm nhiều không gian trong lành cũng như cảm giác sống giữa thiên nhiên. Cây xanh không chỉ lọc không khí mà còn tạo cảm giác tươi mát, thông thoáng bởi nguồn năng lượng xanh tích cực và sự yên bình.
Việc bố trí cây xanh cũng khá là đơn giản và linh hoạt, chỉ cần đôi ba chậu cây nhỏ, bạn cũng đã có thể tạo được vài điểm nhấn “xanh” cho không gian của mình. Tuy nhiên, đối với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, có thể sử dụng những mảng tường xanh. Cách này vừa gửi gắn thiên nhiên vào trong nhà, vừa mang tinh thẩm mỹ nhằm tối ưu diện tích.
2. Sử dụng vật liệu tự nhiên
Điều đầu tiên giúp chủ nhân ngôi nhà đưa thiên nhiên vào từng ngóc ngách đó là sự tôn trọng những thứ thuộc về tự nhiên và cũng là điểm nhấn riêng biệt.
Sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như gỗ, tre, sỏi đá, gạch mộc để trang trí cho ngôi nhà của bạn. Những nguyên liệu này đem đến sự mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy sử dụng các vật liệu tự nhiên có thể làm giảm nhịp tim và tăng năng suất.
Bạn có thể sử dụng đá để tạo nên những bức tường độc đáo, hay bức tranh lớn, sang trọng tại phòng khách… Việc sử dụng chất liệu đá tự nhiên trong không gian nội thất với những nét thô sơ tự nhiên nhưng vẫn không kém phần sang trọng, hiện đại.
3. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng nhân tạo có thể là một phần thiết yếu trong nhiều văn phòng hiện đại, nhưng điều đó không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho không gian của bạn. Ánh sáng nhân tạo có thể gây hại cho mắt và đau đầu.
Do đó, không gian sống xanh là không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên thì việc thiết kế các hệ cửa sổ, sử dụng các chi tiết như rèm màu ấm sáng, màu trắng, cửa ra vào thật lớn để đón ánh sáng là phương án được sử dụng khá phổ biến.
Ánh sáng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe và đồng hồ sinh học của chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng vào ban ngày và ngủ ngon vào ban đêm. Có nhiều ánh sáng tự nhiên trong nhà có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta cảm nhận về cuộc sống.
4. Sử dụng những sắc màu nhẹ nhàng
Những màu sắc trung tính thanh tao và nhẹ nhàng, không quá rực rỡ cũng là một trong những yếu tố giúp không gian sống trở nên hài hòa với thiên nhiên hơn. Đó không chỉ đơn thuần là một phong cách thiết kế, nó còn là cảm xúc giúp chủ nhân ngôi nhà có thể cảm nhận được sự tươi mới, thanh tao và đơn giản, khác xa với cuộc sống xô bồ của thành thị.
5. Nước
Bạn đã bao giờ thắc mắc, tại sao trong các băng thiền định luôn có âm thanh của nước? Đó là bởi vì âm thanh của nước chính là âm thanh đặc trưng của thiên nhiên, rất tốt cho việc giảm căng thẳng và có tác dụng phục hồi.
Các khu đô thị ngày càng lớn hơn - thiên nhiên ngày càng nhỏ lại; cuộc sống của con người ngày càng bó hẹp trong không gian bị ngăn cách bởi những khối sắt đá và bê tông. Chính vì thế, không gian sống xanh như một làn gió mát thổi vào tâm hồn mang đến những xúc cảm mạnh mẽ cho con người.
Theo NiclaD.Interiors/ Ảnh: Internet