Bán đất đi mua chung cư, vợ chồng trẻ mất tiền to rồi thêm cay cú với diễn biến bất ngờ
Ở những nơi sốt đất đi qua, những người đổi đời cũng có nhưng cũng không ít người ngậm ngùi, tiếc nuối, ôm hận cả đời.
Thị trường bất động sản vốn khó đoán định. Có những lô đất để cỏ mọc um tùm bao năm không tăng giá. Nhưng chỉ bán đi ít bữa thì thị trường bất ngờ vào chu kỳ sốt, gây tiếc nuối cho chủ sở hữu. Chưa kể, số tiền bán được lại dùng vào mua căn hộ - sản phẩm ít có khả năng tăng giá sau thời gian sử dụng 5 năm.
- 26-08-2021Đơn giá đất mặt tiền đường trung tâm Sài Gòn cao nhất 467 triệu đồng/m2
- 26-08-2021Thị trường mua bán chung cư cũ vẫn nhộn nhịp bất chấp dự án cải tạo, xây dựng lại ì ạch
Sau một thời gian cân nhắc, cuối năm 2020, vợ chồng chị Thu Hải (Hà Nội) quyết định bán lô đất dịch vụ 50m2 ở Hà Đông đi để mua căn hộ chung cư rộng hơn 100m2.
Căn hộ mới của gia đình chị Hải cũng nằm ở Hà Đông nhưng ở khu vực trung tâm, mức giá vào khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi m2, tổng giá trị vào hơn 3 tỷ đồng. Trong khi miếng đất dịch vụ kia bán được khoảng 1,9 tỷ đồng.
"Chúng tôi tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng. Vì muốn ở trong căn hộ rộng rãi nhưng lại sợ vay nợ nên vợ chồng tôi quyết định bán miếng đất đã mua đầu tư từ mấy năm trước đi", chị Hải kể lại.
Chị Hải cũng chia sẻ, đây là một quyết định khá khó khăn bởi miếng đất dự định để dành sau này dự phòng rủi ro. Nhưng nhà 3 thế hệ sống chung, vợ chồng chị Hải cũng muốn sở hữu một căn hộ có không gian sống thoải mái hơn.
"Sau nhiều do dự, chúng tôi quyết định bán đất mua căn hộ. Điều đáng nói, chỉ sau độ nửa tháng nhận tiền miếng đất, thị trường lên ầm ầm, miếng đất tôi bán đi người ta sang nhượng được 2,3 tỷ đồng. Rồi sau đó thời kỳ đỉnh điểm nghe đâu có người trả lên tới 2,5 tỷ đồng, rồi sau đó còn lên nữa... Gần 600 triệu tiền chênh, làm bao giờ cho lại", chị Hải tiếc nuối.
Lúc hay tin chị bán đất mua nhà rồi ngậm ngùi nhìn cơn sốt đất hoành hành, người thương vợ chồng chị Hải "số đen", người nói vợ chồng chị Hải "dại". Đến giờ chị Hải vẫn tiếc nuối nhưng thực tế thị trường vốn khó đoán định, có những người mua "đắp chiếu" cả chục năm không tăng giá nhưng bán xong ít lâu lại tăng vù vù.
Tréo ngoe không kém, anh Minh (35 tuổi, Hà Nội) cũng từng tiếc nuối khi bán đất mặt đường ở quê đi để mua căn hộ chung cư trên thành phố.
Minh kể lại, sau khi lập gia đình và sống cảnh thuê trọ một thời gian dài chán ngán, anh ước ao có một căn hộ rộng rãi cho gia đình. Với mức lương gần 15 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ tiêu chứ không dư dả, Minh quyết định bàn với bố mẹ bán mảnh đất mặt đường liên thôn ở quê đi.
Khi đưa ra ý định này, người thân Minh đều gàn lại. Họ cho rằng, đất đang tăng giá và nếu được đầu tư thêm hạ tầng, chắc chắn còn lên nữa. Nhưng bỏ ngoài tai, Minh vẫn quyết định thay đổi cuộc sống bằng việc bán mảnh đất này đi. Sau đó vài tháng thị trường "sốt" ầm ầm, giá lên vù vù, Minh tiếc nuối một phần lại thêm cả sự trách móc của gia đình khi mất cả tỷ bạc tiền chênh.
Thực tế mỗi lần thị trường trải qua sốt đất, có người thắng lớn thì cũng có nhiều người "ôm" nỗi đau. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng tại nhiều địa phương giá đất tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin.
Lãnh đạo Hội môi giới bất động sản thời điểm đó còn cho biết, thị trường sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Theo tìm hiểu, một số nơi như ở Hoài Đức, Mê Linh... giá bất động sản tăng chóng mặt. Trong khi những nơi này bất động sản từng giậm chận tại chỗ bao năm.
Thị trường bất động sản vốn khó đoán định. Có những lô đất để cỏ mọc um tùm bao năm không tăng giá. Nhưng chỉ bán đi ít bữa thì giá lại lên, gây tiếc nuối cho chủ sở hữu. Chưa kể, số tiền bán được lại dùng vào mua căn hộ - sản phẩm ít có khả năng tăng giá sau thời gian sử dụng 5 năm.
Ở những nơi sốt đất đi qua, những người đổi đời cũng có nhưng cũng không ít người ngậm ngùi, tiếc nuối như những nhân vật kể trên.