Ban đầu huy động 300 nhân công, sau phải nâng lên 500 người, liên danh Đèo Cả chính thức đào thông nhánh hầm dài hơn 1km thuộc tuyến cao tốc 10.700 tỷ đồng
Ngày 29/12, nhánh trái hầm Tuy An dài 1.020m thuộc dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong chính thức được đào thông, đảm bảo kế hoạch được đề ra.
- 24-12-2024Huyện nhỏ nhất Hà Nội dự kiến 'cất cánh' lên quận
- 25-12-2024Chỉ 1 tuần nữa, Việt Nam chính thức đón “thành phố trong thành phố” thứ hai
- 26-12-2024TP. Hồ Chí Minh báo tin vui: Một lĩnh vực tăng trưởng 19%, thu 190.000 tỷ đồng
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngày 29/12, nhánh trái hầm Tuy An dài 1.020m chính thức được đào thông, đáp ứng kế hoạch đề ra, đánh dấu cột mốc quan trọng tại gói thầu XL01 tại dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.
Dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài hơn 48km; đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố: Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Dự án được khởi công vào tháng 1/2023, với tổng mức đầu tư của dự án là 10.733 tỷ đồng.
Gói thầu XL01 dự án thành phần đoạn Chí Thạnh – Vân Phong thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2. Gói thầu có chiều dài 24km (tổng chiều dài dự án là 48km), với tổng giá trị gói thầu là 4.300 tỷ đồng.
Trong giai đoạn phân kỳ hiện nay, gói thầu được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m. Trên tuyến, ngoài phần đường, hầm Tuy An dài hơn 1km còn có 16 cầu (11 trên tuyến chính và 5 cầu trên tuyến ngang và nút giao). Gói thầu XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu gồm: CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương Mại 68.
Tập đoàn Đèo Cả thông tin, liên danh nhà thầu đã huy động 987 nhân sự, 364 máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công trên toàn tuyến. Tổng sản lượng thực hiện đến nay là 2.930/4.303 tỷ đồng, đạt 60%, đáp ứng tiến độ đề ra.
Riêng đối với phạm vi công việc do Tập đoàn Đèo Cả thi công, hiện nhà thầu đã huy động 341 nhân sự và 103 thiết bị máy móc. Sản lượng hoàn thành đến nay là 1.201/1.874 tỷ đồng, đạt 64%, vượt 8% so với kế hoạch đề ra.
Riêng tại hầm Tuy An, thi công 2 ống hầm trái và hầm phải lần lượt đạt 1.020/1.020m và 990/1.020m. Dự kiến, nhánh phải hầm Tuy An sẽ được đào thông vào cuối tháng 1/2025.'
Ông Trương Công Đạt - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 chia sẻ, hầm Tuy An đối mặt với những thách thức do điều kiện địa chất phức tạp. Theo thiết kế ban đầu, hầm dự kiến xuyên qua lớp đá cứng, nhưng thực tế thi công cho thấy địa chất chủ yếu là đất sét, đá phong hóa, cát và nước ngầm. Sự khác biệt này đã làm tiến độ thi công từ mức 6-8 mét mỗi ngày xuống chỉ còn 0,5-1 mét mỗi ngày.
Để đối phó với tình trạng này, nhà thầu đã thay đổi biện pháp thi công, tăng cường gia cố bằng lưới thép, phun bê tông dày hơn và khoan neo để ổn định kết cấu hầm. Số lượng nhân công cũng được tăng từ 300 lên hơn 500 người để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, chi phí phát sinh do thay đổi biện pháp thi công đã vượt dự toán ban đầu, gây áp lực tài chính lớn cho nhà thầu.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, liên danh nhà thầu đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp thi công linh hoạt. Hiện, các khó khăn đã cơ bản được khắc phục, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo của dự án.
Ông Trương Công Đạt cho biết, Ban Ban Điều hành gói thầu XL01 quyết tâm bám sát tiến độ, phấn đấu hoàn thành hầm Tuy An vào tháng 9/2025, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh là vô cùng quan trọng.
Nhịp sống thị trường