Bản đồ các đường ống dẫn dầu và khí đốt trên toàn cầu: Gấp 30 lần chu vi trái đất
Trong hơn 50 năm qua, mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của thế giới đã tăng gần gấp 3 lần – từ khoảng gần 63.000 TWh vào năm 1969 lên đến hơn 173.000 TWh vào năm 2019.
- 02-08-2022Những chỉ dấu 'khó tin' này sẽ quyết định kinh tế Mỹ có suy thoái hay không
- 02-08-2022Giữa cao điểm mùa hè, cả nước Đức "sôi sục" nghĩ về mùa đông: Chưa bao giờ việc tiết kiệm từng m3 khí lại quan trọng đến thế
- 02-08-2022Lĩnh vực sản xuất của Mỹ tăng trưởng chậm nhất hai năm
Trong nhiều thế kỷ, than đá là nguồn năng lượng chính của thế giới.
Đến những năm 1960, những tiến bộ nhanh chóng trong việc tìm nguồn cung ứng, vận chuyển, lọc dầu và khí đốt đã khiến những nhiên liệu hoá thạch giàu năng lượng này "vượt mặt" than đá và trở thành nguồn năng lượng chính của thế giới cho đến ngày nay.
Bất chấp những tiến bộ trong năng lượng tái tạo, nhiên liệu hoá thạch bao gồm than, dầu và khí đốt vẫn chiếm hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng chính của thế giới.
Mỗi ngày thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu và 60 triệu thùng khí đốt tự nhiên. Để vận chuyển lượng năng lượng khổng lồ này, các đường ống dẫn - thường được làm bằng thép carbon - được sử dụng rộng rãi.
Dưới đây là bản đồ và các đường ống dẫn dầu và khí đốt hiện tại và được quy hoạch trên thế giới.
Đường ống dẫn toàn cầu – gấp 30 lần chu vi Trái Đất
Theo Global Energy Monitor, có ít nhất 2.381 đường ống dẫn dầu đang hoạt động được phân bổ trên 162 quốc gia tính đến tháng 12/2020. Chiều dài tổng của các đường ống này là hơn 1,18 triệu km, đủ để đi vòng quanh Trái Đất 30 lần.
Các quốc gia có mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt dài nhất bao gồm:
STT | Quốc gia | Dầu | Khí đốt |
1 | Mỹ | 91.067km | 333.366km |
2 | Nga | 38.419km | 92.831km |
3 | Canada | 23.361km | 84.682km |
4 | Trung Quốc | 27.441km | 76.363km |
5 | Úc | 1.636km | 23.002km |
Bản đồ dưới đây cho thấy các mạng lưới đường ống trên toàn cầu, không bao gồm các đường ống ngắn hơn 100km hoặc có công suất dưới 6.000 thùng/ngày.
Các công ty sở hữu hầu hết các đường ống dẫn dầu theo chiều dài bao gồm:
Transneft, Nga: 42.383km, chiếm 15%
Enbridge, Canada: 33.750km, chiếm 12%
PipeChina, Trung Quốc: 15.947km, chiếm 5%
Các công ty sở hữu hầu hết các đường ống dẫn khí đốt tính theo chiều dài bao gồm:
Gazprom, Nga: 103.212km, chiếm 11,2%
TC Energy, Canada: 99.440km, chiếm 10.8%
Kinder Morgan, Mỹ: 82.075km, chiếm 9%
Đường ống theo khu vực
1. Châu Mỹ
Hơn một nửa (51%) tổng số đường ống dẫn dầu và khí đốt trên thế giới tính theo chiều dài nằm ở châu Mỹ.
Một số đường ống đáng chú ý nhất bao gồm:
Đường ống dẫn dầu Keystone
Chiều dài: 3.462km
Công suất: 700.000 thùng/ngày
Năm hoạt động: 2010
Đường ống này chạy từ Alberta ở miền tây Canada đến các nhà máy lọc dầu ở Illinois và Texas ở Mỹ. Năm 2021, việc mở rộng đường ống được gọi là Keystone XL đã bị huỷ bỏ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hồi giấy phép.
Đường ống dẫn khí Rockies Express
Chiều dài: 2.702km
Công suất: 102 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 2009
Hệ thống đường ống này là một trong những đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất từng được xây dựng ở Bắc Mỹ. Nó chạy từ dãy Rocky Mountain ở Colorado đến đông Ohio, băng qua 8 tiểu bang của Mỹ.
Đường ống dẫn khí GASBOL
Chiều dài: 3.150km
Công suất: 30 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 1999
Còn được gọi là đường ống Bolivia – Brazil, GASBOL là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài nhất ở Nam Mỹ.
Đường ống dẫn Colonial
Chiều dài: 8.850km
Công suất: 3 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 1962
Đây là hệ thống đường ống lớn nhất cho các sản phẩm dầu tinh luyện ở Mỹ. Tuy nhiên, các hacker đã tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào công ty làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu và dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên khắp Bờ Đông.
2. Châu Âu
Khoảng một phần tư (27%) tổng chiều dài đường ống trên thế giới là ở châu Âu.
Một số đường ống chính ở Châu Âu:
Đường ống dẫn dầu Druzhba
Chiều dài: 5.100km
Công suất: 1,4 triệu thùng/ngày
Năm hoạt động: 1962
Đây là đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới và là một trong những mạng lưới đường ống dẫn dầu lớn nhất trên thế giới. Nó vận chuyển dầu từ miền đông của Nga đến các điểm ở Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Đức.
Đường ống dẫn khí Yamal - Châu Âu
Chiều dài: 1.660km
Công suất: 90 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 2006
Đường ống này vận chuyển khí đốt từ Bán đảo Yamal của Nga đến người tiêu dùng châu Âu trên khắp Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và các quốc gia khác.
Đường ống khí đốt kết nối Hy Lạp - Ý
Chiều dài: 800km
Năm hoạt động: 2010
Đây là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trên bờ và ngoài khơi chạy từ Hy Lạp đến vùng Apulia ở đông nam nước Ý.
3. Trung Đông và Châu Phi
Khoảng 6% tổng chiều dài đường ống trên thế giới đi qua Trung Đông và Châu Phi.
Một số đường ống chính bao gồm:
Đường ống dẫn khí xuyên Địa Trung Hải
Chiều dài: 2.475km
Công suất: 92 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 1983
Đường ống này bắt đầu ở Algeria, đi qua Tunisia và băng qua Biển Địa Trung Hải để đến Ý và Slovenia.
Đường ống dẫn dầu thô Đông - Tây
Chiều dài: 1.200km
Công suất: 5 triệu thùng/ngày
Năm hoạt động: 1982
Đường ống của Ả Rập Xê-út chạy từ Abqaiq ở phía đông đất nước tới Bến dầu Yanbu trên Biển Đỏ.
Đường ống dẫn dầu Tazama
Chiều dài: 1.710km
Công suất: 22,000 thùng/ngày
Năm hoạt động: 1968
Đường ống này chạy từ cảng Dar es Salaam, Tanzania của Ấn Độ Dương đến Ndola ở trung tâm Zambia.
4. Châu Á - Thái Bình Dương
Khoảng 16% tổng chiều dài đường ống trên thế giới đi qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Một số đường ống chính bao gồm:
Đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương
Chiều dài: 4.857km
Công suất: 1 triệu thùng/ngày
Năm hoạt động: 2009
Nó được sử dụng để xuất khẩu dầu thô của Nga sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đường ống dẫn khí Tây - Đông
Chiều dài: 18.854km
Công suất: 82 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 2005
Bao gồm bốn đường ống chạy giữa Tân Cương ở phía tây của Trung Quốc đến Thượng Hải ở phía đông.
Đường ống dẫn khí từ Moomba đến Sydney
Chiều dài: 2.081km
Công suất: 13 triệu mét khối/ngày
Năm hoạt động: 1976
Đường ống này chạy từ các mỏ khí đốt ở miền nam nước Úc đến các hệ thống phân phối khí đốt ở Sydney, Newcastle, Wollongong và Canberra.
Tham khảo AL JAZEERA