MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán đứt Vạn Đức Tiền Giang, Vĩnh Hoàn có thể thu về khoản lãi bất thường 100 tỷ đồng trong quý 2

Vạn Đức Tiền Giang có khả năng chế biến 200 tấn phi lê cá/ngày và diện tích vùng nuôi 125ha, trong khi Vĩnh Hoàn có công suất chế biến 800 tấn phi lê/ngày và diện tích vùng nuôi 600ha.

HĐQT Vĩnh Hoàn (VHC) mới đây đã thông qua việc chuyển nhượng 35% còn lại tại Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, ủy quyền bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT - chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tổ chức phân công và theo dõi thực hiện kế hoạch.

Đầu tháng 2/2018, Vĩnh Hoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35%, thông qua việc phát hành tăng vốn lên 873 tỷ đồng bằng hình thức nhận góp vốn của một cá nhân bằng tiền mặt. Qua đó, đơn vị này trở thành công ty liên kết và không còn hợp nhất kinh doanh vào Vĩnh Hoàn. Điều này đã gây nhiều băn khoăn với cổ đông, tại sao quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại đơn vị từng được cho là đóng góp chính trong kinh doanh.

Hồi đáp, đại diện Vĩnh Hoàn cho biết đây là chiến lược nhằm củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay.

Dự kiến thu hơn 100 tỷ từ chuyển nhượng công ty con

Thực tế, việc giảm tỷ lệ trên có thể đã đóng góp hàng chục tỷ lợi nhuận liên kết cho Vĩnh Hoàn, khi mà từ quý 3/2018, hoạt động liên doanh - liên kết mang về gần 35 tỷ, quý tiếp theo tiếp tục ghi nhận hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận. Đến quý 1/2019, con số tại khoản mục này đạt 13 tỷ đồng.

Trong báo cáo tiếp xúc doanh nghiệp mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự kiến Vĩnh hoàn sẽ thu về khoản lợi nhuận bất thường 107 tỷ đồng nhờ các thương vụ thoái vốn trong quý 2, chủ yếu từ Vạn Đức Tiền Giang.

Bán đứt Vạn Đức Tiền Giang, Vĩnh Hoàn có thể thu về khoản lãi bất thường 100 tỷ đồng trong quý 2 - Ảnh 1.

Vĩnh Hoàn theo kế hoạch trong quý 2 sẽ bán 35% cổ phần còn lại tại Vạn Đức Tiền Giang tại mức P/E 2019 khoảng 8 lần. Bên mua cổ phần sẽ là cổ đông sở hữu cổ phần kiểm soát của Vạn Đức Tiền Giang hiện nay (năm ngoái nhà đầu tư này đã mua 65% Vạn Đức Tiền Giang từ Vĩnh Hoàn). Để bù đắp cho chỗ trống mà Vạn Đức Tiền Giang để lại, Công ty đang mở rộng công suất chế biến phi lê cá tại công ty con Vĩnh Phước (Vĩnh Hoàn sở hữu 100%).

Hiện, Vạn Đức Tiền Giang có khả năng chế biến 200 tấn phi lê cá/ngày và diện tích vùng nuôi 125ha, trong khi Vĩnh Hoàn có công suất chế biến 800 tấn phi lê/ngày và diện tích vùng nuôi 600ha.

Vạn Đức Tiền Giang từng là "con cưng" với đóng góp doanh thu tăng mạnh hàng năm

Nói về Vạn Đức Tiền Giang, được Vĩnh Hoàn mua lại hơn 99% vốn vào tháng 8/2014, vốn điều lệ lúc bấy giờ là 255,4 tỷ đồng; chuyên nuôi trồng, chế biến, bảo quản, mua bán thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Đơn vị này sở hữu nhà máy sản xuất cá tra và nhà máy bột mỡ cá tại Huyện Châu Thành – Tỉnh Tiền Giang, dự sẽ hỗ trợ Vĩnh Hoàn tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Chính thức chi hơn 360 tỷ để sở hữu, Vĩnh Hoàn kỳ vọng rằng thương vụ này sẽ đánh dấu bước tăng trưởng đột phá mới, không chỉ thể hiện qua thu nhập mà còn tạo tiền đề cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Thực tế những năm sau sáp nhập, Vạn Đức Tiền Giang theo đánh giá của lãnh đạo Vĩnh Hoàn đã có bước phát triển rất tốt, giúp công ty mẹ gia tăng năng lực sản xuất, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của ngành nghề cá tra cốt lõi.

Thống kê, năm 2014 sau 5 tháng về một nhà, Vạn Đức Tiền Giang đóng góp 530 tỷ doanh thu cho Vĩnh Hoàn. 1 năm sau, doanh thu thuần năm 2015 của đơn vị này tăng 38% lên 1.553 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 92 tỷ đồng. Liên tục tăng vốn cũng như đầu tư mở rộng Vạn Đức Tiền Giang, đến năm 2016 Vĩnh Hoàn chính thức sở hữu 100% vốn, doanh thu đóng góp tiếp tục tăng 16% lên 1.801 tỷ đồng. Ghi nhận đến cuối năm 2017, Vạn Đức Tiền Giang đạt doanh thu 2.078 tỷ, đóng góp gần 25,5% tổng doanh thu và lãi sau thuế gần 178 tỷ đồng, chiếm hơn 29% tổng lợi nhuận Vĩnh Hoàn.

Bán đứt Vạn Đức Tiền Giang, Vĩnh Hoàn có thể thu về khoản lãi bất thường 100 tỷ đồng trong quý 2 - Ảnh 2.

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi tâm lý POR14, đạt 118 triệu USD

Trở lại với Vĩnh Hoàn, chia sẻ về tình hình kinh doanh hiện tại, ban lãnh đạo dự báo giá trị xuất khẩu đạt 118 triệu USD trong 5 tháng, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mức giảm mạnh 28% trong giá trị xuất khẩu tháng 4 và tháng 5, khi tâm lý khách hàng tại Mỹ "chờ đợi" kết quả công bố chính thức của kỳ đánh giá thuế chống bán phá giá cá tra (đã được công bố vào cuối tháng 4/2019) và các khách hàng gia tăng tích lũy cá rô phi từ Trung Quốc (loại cá thay thế cho cá tra) vào cuối năm 2018 và trong giai đoạn tháng 5/2019 trước khi Mỹ tăng thuế 25% cho hàng hóa thủy hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chưa kể, đơn hàng yếu và giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, Vĩnh Hoàn cũng đã điều chỉnh giảm giá bán trong tháng 4-5 nhằm thúc đẩy doanh số bán. Do kỳ vọng nhu cầu cá phi lê sẽ gia tăng trong phần còn lại trong năm 2019, Vĩnh Hoàn đang tích lũy cá nguyên liệu giá rẻ. Điều này kỳ vọng sẽ giúp cải thiện giá bán trong mùa cao điểm quý cuối năm, tuy nhiên trước mắt đến quý 3/2019 tình trạng giá cá tra thô tiếp tục tạo áp lực lên giá bán trung bình của Vĩnh Hoàn, VCSC nhận định.

Bán đứt Vạn Đức Tiền Giang, Vĩnh Hoàn có thể thu về khoản lãi bất thường 100 tỷ đồng trong quý 2 - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên