Bán hàng online vào nền nếp
Người kinh doanh qua mạng đã có nhận thức đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, nếu không sẽ bị truy thu thuế, xử phạt rất nặng, có thể không còn lợi nhuận hoặc thua lỗ
- 02-08-2024Phát hiện kho mỹ phẩm nước ngoài nhập lậu chuẩn bị được tung bán online
- 01-08-2024Bí mật bất ngờ bên trong kho hàng online do người phụ nữ 42 tuổi làm chủ ở Bắc Giang
- 14-07-2024Người Việt chi 156.000 tỷ đồng mua hàng online qua 5 chợ thương mại điện tử
Đầu năm 2022, khi bắt đầu kinh doanh trên sàn Shopee và TikTok Shop nhưng bà H.A (ngụ TP HCM) gần như không quan tâm đến nghĩa vụ thuế. Gần đây, khi chủ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) yêu cầu cập nhật mã số thuế, bà H.A mới thực hiện đăng ký kinh doanh và kê khai thuế. Tuy nhiên, khi kê khai, bà H.A mới tá hỏa khi bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt khá nặng do chưa kê khai thuế và chậm nộp thuế.
Tá hỏa vì bị phạt thuế
"Cán bộ thuế đưa ra bằng chứng rằng tổng doanh thu bán hàng của tôi trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2024 là 300 triệu đồng. Căn cứ vào đó, cơ quan thuế yêu cầu tôi nộp số thuế 4,5 triệu đồng, lệ phí môn bài 300.000 đồng/năm, cộng với tiền phạt hơn 15 triệu đồng" - bà H.A tiết lộ.
Tương tự, ông M.P (ngụ Hà Nội), chủ shop đồ gia dụng trên sàn TMĐT, cho hay khi đến cơ quan thuế để kê khai thông tin, ông mới biết được doanh thu bán hàng từ tháng 5-2023 đến nay là gần 500 triệu đồng và cục thuế truy thu 13 triệu đồng, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, tiền phạt chậm kê khai thuế và nộp chậm. "Các quy định liên quan đến thuế tôi gần như mù mờ nhưng khi được các cán bộ thuế giải thích tôi cảm thấy thoải mái vì đã kinh doanh có doanh thu, lợi nhuận là phải nộp thuế" - ông M.P nói.
Trong khi đó, bà K.T (ngụ TP HCM) vừa mở một gian hàng trên sàn TMĐT thì nghe cơ quan thuế đang rà soát và xử phạt những người kinh doanh online nhưng chưa nộp thuế. Ngay lập tức, bà K.T đi đăng ký kinh doanh và kê khai thuế. Tại cơ quan thuế, bà được hướng dẫn nộp thuế môn bài 300.000 đồng/năm, thuế khoán 1,8 triệu đồng/tháng và nếu doanh thu vượt quá 120 triệu đồng/tháng, sẽ tính thuế suất 1,5% đối với số tiền phát sinh thêm.
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, nhiều người kinh doanh đã chủ động đăng ký, kê khai nộp thuế để tránh trường hợp bị truy thu, phạt tiền chậm nộp. "Hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/tháng trở lên cần chủ động kê khai và nộp thuế để tránh bị xử phạt nặng do cơ quan thuế đang làm rất gắt hoạt động này" - bà B.N, người quản lý của một gian hàng mỹ phẩm online, cho biết.
Quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế VI-FATAX, cho biết hiện nay, có khá nhiều cá nhân, hộ kinh doanh online liên hệ với công ty bà để được tư vấn, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, kê khai thuế. Phần lớn những người này từng bị truy thu, xử phạt về thuế. Một số người khác thì nhận được thông báo của cơ quan thuế về doanh thu kinh doanh TMĐT nhưng chưa biết kê khai, nộp thuế ra sao.
Theo bà Hồng, nếu người bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế, cơ quan thuế vẫn có cách để truy tìm doanh thu từ nhiều năm trước để truy thu, xử phạt. Khi đó, số thuế phải nộp sẽ được tính bằng doanh thu nhân với thuế suất cao nhất của Luật Thuế thu nhập cá nhân là 35%, đồng thời bị xử phạt 0,03%/ngày trên doanh thu. Kết quả là người kinh doanh qua mạng không còn lợi nhuận hoặc thua lỗ.
"Ai đang bán hàng online cần nắm bắt các quy định về thuế, chủ động kê khai và nộp ngân sách nhà nước. Nếu không cơ quan thuế sẽ truy thu, xử phạt với số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh" - bà Cẩm Hồng khuyến nghị.
Lãnh đạo một chi cục thuế ở TP HCM cho hay để đưa hoạt động kinh doanh online vào lề lối, tạo sự công bằng với những người nộp thuế khác, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành thuế đã tăng cường rà soát và cập nhật dữ liệu về TMĐT được xây dựng từ cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và các bộ, ngành liên quan.
Đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ các chủ sàn TMĐT cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn; tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, lĩnh vực truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, cá nhân bán hàng "livestream'' trên các nền tảng mạng xã hội...
Theo đó, Cục Thuế TP HCM đã rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, qua đó đôn đốc, hỗ trợ kê khai, nộp thuế được 1.298 tỉ đồng; xử lý truy thu, xử phạt 1.318 trường hợp với tổng số tiền hơn 72 tỉ đồng...
Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết thêm sắp tới đây, cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác dữ liệu về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT toàn quốc tại ứng dụng kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành thuế "Data Warehouse'' và phân công đến các đơn vị quản lý để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế.
Mặt khác, ngành thuế TP HCM sẽ ban hành kế hoạch tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; hỗ trợ và đôn đốc các chủ sàn thương mại điện tử trên địa bàn cung cấp đầy đủ thông tin của các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế.
"Ngoài ra, cơ quan thuế cũng rà soát, xác định người có hoạt động kinh doanh TMĐT còn nợ thuế; quyết liệt áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định, bao gồm cả việc đề nghị tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với đối tượng bán hàng online chưa nộp thuế" - ông Bình cho biết thêm.
Một cá nhân bị truy thu và xử phạt hơn 2,2 tỉ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP HCM đã truy tìm và yêu cầu 7 cá nhân (1 bán hàng "livestream'' trên các nền tảng xã hội, 2 cá nhân kinh doanh dịch vụ thần số học và 4 cá nhân có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội) giải trình doanh thu mà cơ quan thuế đã thu thập được. Kết quả, 1 cá nhân đồng ý quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022, với tổng số thuế truy thu và phạt chậm nộp là 2,2 tỉ đồng; kê khai thu nhập đến từ các mạng xã hội với tổng số thuế truy thu và tiền chậm nộp 36,5 triệu đồng.
Người Lao Động