Bán hàng trên livestream TikTok: Cơ hội chốt nghìn đơn nhưng ngập tràn khó khăn phía sau
Liệu có một ngày chúng ta lướt TikTok không phải để giải trí nữa mà là để vung tiền?
- 15-05-20223 điều cực quan trọng cần cân nhắc trước khi nói với sếp: "Tôi không hài lòng về công việc"
- 14-05-2022Điều chỉnh chi tiêu và tiết kiệm tốt hơn bằng cách chọn sử dụng tiền mặt
- 14-05-2022Người giàu luôn bí mật tuân thủ 5 điều này để ngày một giàu hơn: Đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được để thoát nghèo
Sự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo ra vô vàn cơ hội kiếm tiền kiểu mới. Người thì đăng ảnh sản phẩm lên "phây" để bán hàng, người thì làm idol TikTok rồi hợp tác quảng cáo cho các thương hiệu, người thì bán hàng qua livestream rồi chốt đơn lia lịa,...
Vì sự sáng tạo của người dùng mạng xã hội là vô hạn, nên những cơ hội kiếm tiền thông qua MXH cũng liên tục sinh sôi nảy nở. Gần đây nhất là 1 hình thức kiếm tiền cũ nhưng với hình thức mới, vẫn thu hút khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng - đó là livestream bán hàng trên TikTok .
Nhàn Nguyễn, một nhà kinh doanh thời trang, livestreamer với hơn 6 năm kinh nghiệm, đã dễ dàng chốt gần 2.000 đơn chỉ sau 2 tiếng livestream ngắn ngủi trên TikTok. Theo sau Nhàn Nguyễn, hàng chục nhà bán online cũng đua nhau khoe thành tích nghìn đơn, kiếm cả trăm triệu trong 1 phiên livestream. Cách kiếm tiền này nghe qua đã thấy vô cùng hấp dẫn nhưng không biết thực hư ra sao, dễ hay khó, có bí quyết gì không?...Tất cả thắc mắc của bạn sẽ được bật mí trong bài viết này!
Mở shop và bán được nghìn đơn trên TikTok khó hay dễ?
Nhiều người tưởng rằng, muốn livestream bán hàng trên TikTok phải có tài khoản hàng nghìn lượt theo dõi, hay sở hữu nhiều clip "viral" hàng triệu lượt xem. Nhưng hóa ra cách bắt đầu lại dễ không tưởng: chỉ cần đăng ký mở shop và bán!
Điều kiện để đăng ký thành công là doanh nghiệp của bạn cần sở hữu pháp nhân ở Việt Nam, cũng như sản phẩm đăng ký bán thuộc ngành hàng được cho phép mở bán trên TikTok. Sau khi hoàn thành các bước xác minh, bạn đã có thể đăng thương hiệu, mặt hàng, liên kết ngân hàng thanh toán và livestream bán hàng.
Giờ thì đến bước "khó nhằn" tiếp theo: Làm thế nào để có người xem? Làm thế nào để bán được hàng? Đây là khó khăn chung của tất cả mọi người khi mới bắt đầu livestream. Để đi tìm lời giải cho vấn đề này, "cô gái nghìn đơn" Nhàn Nguyễn giải đáp:
"Muốn bán hàng, điều quan trọng đầu tiên là phải vượt qua rào cản tâm lý của chính bản thân mình trước. Nhiều người nói muốn làm, muốn livestream nhưng lại kêu sợ camera, sợ người ta phán xét, sợ nói sai,... Nỗi sợ chỉ ở đó khi chúng ta chưa bắt tay vào làm mà thôi! Để tự tin hơn, bạn phải luyện tập: đứng trước gương tập nói 1 mình, rèn ngữ điệu, biểu cảm; xem livestream của người khác để học hỏi cái hay từ họ.
Bên cạnh đó, giai đoạn mới livestream thường rất dễ nản vì không có đơn và cũng không có ai xem, tuy nhiên bạn phải vượt qua cảm xúc này thì mới có khách hàng đầu tiên, khách hàng thứ hai, rồi có 100 khách và tiến tới 1,000 khách hàng".
Nhà kinh doanh thời trang, livestreamer Nhàn Nguyễn
Ngoài ra, Nhàn còn cho rằng người livestream không chỉ bán hàng, mà phải bán cả cá tính của mình. Đừng chỉ giới thiệu về sản phẩm, hãy thể hiện phong cách và cá tính cuốn hút của bản thân. Nhắc đến Nhàn Nguyễn, người ta sẽ nghĩ ngay đến một cô gái tràn đầy năng lượng.
"Mình thể hiện nguồn năng lượng đó thông qua ngữ điệu. Thay vì nói chuyện bằng giọng đều đều: Các chị ơi mua cái áo này đi…, mình hào hứng nói: Các chị ơi mau mua cái áo này đi! Em Nhàn đánh giá cái áo này rất rẻ và đẹp! Không phải em nói thế vì em đang bán hàng đâu, mà em thực sự muốn các chị mua được hàng đẹp nhất!
"Và cuối cùng, tuyệt chiêu thôi miên khách hàng", Nhàn hào hứng chia sẻ, "Đó là đừng bao giờ cho người xem được dùng lý trí!". Livestream là mua bán thông qua cảm xúc, người nào tạo ra nhiều cảm xúc cho khách hàng là người ấy thắng.
Để làm được điều này, bên cạnh năng lượng của người livestream chính, cần có những người bên cạnh hỗ trợ tạo hiệu ứng đám đông. Ví dụ, sau khi người live chính nói: "Áo này được giảm chỉ còn có 39k thôi các chị ơi!", ngay lập tức, đội ngũ "seeding" sẽ nói chêm vào luôn: "Ôi rẻ thế này không mua thì phí quá!", "Nhàn vui là Nhàn hay tặng quà lắm các chị ơi!", "Có 39k thôi á? Rẻ gì mà rẻ quá vậy!". Những tiếng nói nhỏ của người xung quanh sẽ át đi lý trí của khách hàng, len lỏi vào tiềm thức của khách, khiến khách hàng ấn vào nút mua lúc nào cũng không hay.
Hãy cẩn trọng hiệu ứng FOMO
Nghe hấp dẫn là vậy, nhưng liệu kênh kiếm tiền này có thực sự dễ dàng không, hay chỉ là tiềm năng le lói đang bị thổi phồng 1 cách thái quá? Một số nhà bán cẩn trọng vẫn đang chọn đứng ngoài làn sóng này, điển hình như Vũ Minh Trà (nhà bán đầu ngành được biết đến khắp cộng đồng thương mại điện tử với biệt danh Trà Bô).
Nhà bán đầu ngành TMĐT Vũ Minh Trà
Trà cho rằng livestream bán hàng trên TikTok có tiềm năng nhưng cần thêm thời gian mới nhìn thấy triển vọng thành công của nó. Đúng là dạo gần đây có rất nhiều nhà bán hàng online khoe doanh thu nghìn đơn sau mỗi phiên livestream, tuy nhiên, điều mà họ chưa nói cho chúng ta biết đó là tỉ lệ hoàn đơn cao hơn nhiều so với bán trên các sàn thương mại điện tử (khách hàng không nhận hàng và không thanh toán sau khi đã đặt mua online). Do bản chất của hình thức mua bán trên livestream là mua bán theo cảm xúc. Hết cảm xúc, hết hứng thú thì hết nhận hàng. Nhất là ở Việt Nam hiện nay, hầu hết người mua hàng trên livestream TikTok đều thanh toán sau khi nhận hàng (COD) nên khả năng người bán bị "bom hàng" còn cao hơn nữa.
Cũng theo anh, các trường hợp ghi nhận nghìn đơn ở thời điểm hiện tại đều là bán hàng giá trị thấp, ví dụ như quần áo giá rẻ 50k-100k, đồ ăn vặt 10k-50k,…hơn nữa còn được TikTok trợ giá sản phẩm và miễn phí tiền vận chuyển rất nhiều. Do vậy, tiềm năng bán hàng qua TikTok chỉ thực sự được chứng minh sau khi TikTok giảm dần những hỗ trợ này cho nhà bán hàng. Liệu rằng khi nhà bán không còn được trợ giá để bán rẻ cũng như người mua không còn được miễn phí tiền vận chuyển nữa, những khách hàng đầu tiên – người trải nghiệm mua những đơn hàng đầu tiên trên TikTok có còn quay lại mua tiếp nữa không?
Còn với Nhàn Nguyễn, cô cũng thừa nhận rằng việc livestream ra nghìn đơn trên TikTok không phải là việc tất cả mọi người làm được một sớm một chiều. Riêng Nhàn đã phải mất hơn 6 năm xây dựng thương hiệu cá nhân thì khách hàng mới nhớ mặt, nhớ tên, cảm thấy đủ uy tín để chi tiền ngay lập tức. Nếu người livestream là 1 gương mặt hoàn toàn mới, lại không phải người nổi tiếng thì việc chốt được nghìn đơn sẽ khá thử thách.
Tạm kết
Có thể nói livestream trên TikTok là 1 kênh bán hàng đầy tiềm năng, mang đến cơ hội rất lớn cho người bán vì tệp người dùng TikTok vô cùng đông đảo. Tuy nhiên, nhà bán cần nghiên cứu kỹ nền tảng, chuẩn bị nguồn hàng có giá thành thực sự tốt cũng như biết cách để lại dấu ấn riêng của mình thì mới thành công trên lĩnh vực livestream TikTok được.
Ảnh: NVCC
Nhịp sống Việt