MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn khi "bảo bối" cắt điện, nước không còn

25-07-2016 - 10:57 AM | Bất động sản

Luật Xây dựng 2003 và Nghị định 180/2007/NĐ-CP áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị (TTXDĐT). Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) không còn quy định trên.

Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng mới, cuối tháng 5-2016, Bộ Công Thương có Công văn 4608/BCT-ĐTĐL, yêu cầu các đơn vị điện lực không thực hiện ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm TTXDĐT. Câu chuyện này ít nhiều đang gây ra những tranh luận, băn khoăn cho lực lượng quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở cơ sở...

Ông Nguyễn Thao Hùng - Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (Đống Đa): Thành lập Tổ công tác quản lý trật tự xây dựng phường để kiểm tra, giám sát

Việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm TTXDĐT tạo điều kiện cho công tác quản lý, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao. Trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm đối với chủ đầu tư (CĐT) kèm luôn điều khoản đề nghị các bên điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ. Đây là hai “nguồn năng lượng” cần thiết trong việc thi công xây dựng, bị cắt tức là không tạo điều kiện để CĐT vi phạm. Khi bị cắt nguồn, CĐT phải chấp hành quyết định đình chỉ hoặc khắc phục sai phạm nếu muốn được cấp điện, nước trở lại. Nay bỏ quy định này, có thể nhiều CĐT sẽ nghĩ rằng việc thi công xây dựng dễ dàng hơn.

Tại quận Đống Đa, sau khi có công văn của cấp trên, quận đã ban hành Quyết định 03/2016/QĐ-UBND về công tác quản lý hoạt động xây dựng, xử lý các vi phạm TTXDĐT trên địa bàn, yêu cầu mỗi phường thành lập một tổ công tác quản lý TTXDĐT có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phường nắm rõ và thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang bảo đảm TTXDĐT, đề xuất, hoàn thiện hồ sơ xử lý các vi phạm về TTXDĐT.

Phường Trung Liệt hiện đã thành lập tổ công tác này. Các cán bộ sẽ tuyên truyền CĐT nắm quy định mới, chốt trực tại chân công trình áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm vận chuyển dụng cụ, nguyên vật liệu, công nhân vào thi công công trình vi phạm, đình chỉ toàn diện công trình, không để phát sinh thêm vi phạm. Thực hiện nghiêm các biện pháp này, dù có điện, nước, CĐT cũng khó tiếp tục vi phạm...

Ông Trần Hậu - Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình: Công tác quản lý xây dựng sẽ khó khăn hơn

Có thể nói, lâu nay việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm TTXDĐT đang là hai trong số các công cụ hữu hiệu nhất của lực lượng Thanh tra xây dựng quản lý địa bàn. Bởi trên thực tế, khi CĐT vi phạm, bị cắt điện sẽ không thể vận chuyển, đưa vật liệu lên công trình; cắt nước sẽ không có nước để đánh vữa, trộn vật liệu…

Việc thi công sẽ khó có thể tiếp tục nếu CĐT chưa khắc phục vi phạm để được đóng điện, nước trở lại. Sau văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương Hà Nội, chúng tôi chấp hành. Có điều, thú thật nếu như chế tài xử lý vi phạm TTXDĐT trước đây có 10, giờ bị “chặt” đi chỉ còn 2-3 nên phải khẳng định rằng, công tác quản lý xây dựng nói chung sẽ cực kỳ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

Trong quyết định đình chỉ công trình xây dựng vi phạm trước đây thường yêu cầu 3 đơn vị phối hợp gồm: Điện, nước và công an; nay chỉ còn trông chờ vào lực lượng công an vào kiểm tra, ngăn không cho vận chuyển VLXD, giãn thợ… song lực lượng này cũng mỏng, khó có thể quản hết được. Nếu vẫn có điện, nước, họ lại tranh thủ xây ngày xây đêm, vì cơ quan chức năng không thể túc trực canh giữ 24/24 giờ. Tới khi công trình được hoàn thiện thì càng phức tạp hơn trong khâu xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Minh Phương (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng): Có mất kiểm soát trật tự xây dựng đô thị?

Với việc bãi bỏ quy định này, tôi cho rằng chẳng khác nào “chặt tay”, “chặt chân” hay có thể gọi là “bảo bối” của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các công trình vi phạm bị đình chỉ xây dựng. Trên thực tế, cán bộ có thể có ngày nghỉ, giờ nghỉ nhưng rất nhiều các công trình sai phạm, CĐT thường cố tình cho thi công vào ngày nghỉ, lễ, Tết, làm ban đêm... Do vậy, nếu vẫn được cung cấp điện, nước chắc hẳn sẽ có nhiều CĐT vẫn tiếp tục cố tình vi phạm.

Lâu nay, khi xảy ra các vi phạm, chúng ta ra các chế tài để quản, để xử lý với tính chất răn đe để người vi phạm chấp hành đúng luật. Nay bỏ quy định này, thử hỏi chỉ bằng tuyên truyền, vận động liệu người vi phạm có chịu nghe? Liệu có xảy ra tình trạng mất kiểm soát TTXDĐT? Do đó, vấn đề đặt ra khi bỏ biện pháp cắt điện, nước thì cơ quan quản lý sẽ áp dụng biện pháp gì, cơ chế cụ thể ra sao để ngăn chặn và xử lý hữu hiệu trường hợp cố tình không chấp hành quyết định đình chỉ thi công?

Chị Thúy Tâm (quận Hoàn Kiếm): Cần biện pháp mạnh hơn là ngừng cung cấp điện, nước

Trong khi nhiều người đánh giá cao biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm TTXDĐT, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và chính quyền địa phương xử lý vi phạm có hiệu quả thì tôi lại thấy có những công trình bị cắt điện, nước vẫn tiếp tục vi phạm xây dựng. CĐT dễ dàng câu nối điện từ nhà khác sang, mua nước bằng xe stéc, thậm chí đào trộm giếng khoan để lấy nước dùng…

Những việc này hoàn toàn gây khó cho lực lượng xử lý và các công trình vi phạm vẫn mọc lên như thách thức. Bên cạnh đó còn kể đến sự thiếu trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm triệt để của cán bộ chức năng, thậm chí còn dung túng, "bật đèn xanh" cho CĐT. Khi biện pháp cắt điện, nước vẫn còn kẽ hở để lách thì nên chăng cần các biện pháp nghiêm ngặt hơn, và phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng xử lý vi phạm. Để xảy ra vi phạm, từng người có trách nhiệm liên quan phải bị kiểm điểm, kỷ luật.

Theo Ngân - Khánh

Báo Hà Nội mới

Trở lên trên