MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn quy định đặc khu được cho thuê đất kéo dài đến 99 năm

10-04-2018 - 10:27 AM | Bất động sản

Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa cho ý kiến vào Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, đây là dự án Luật phức tạp với nhiều chính sách mới, mang tính thử nghiệm, đột phá, khác với pháp luật hiện hành. Dự luật quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Băn khoăn quy định đặc khu được cho thuê đất kéo dài đến 99 năm - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, cần xem xét lại quy định về thời hạn sử dụng đất . Ảnh: Phương Thảo

Điểm mới quan trọng trong Dự luật là xác định chính quyền địa phương của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là cấp chính quyền địa phương có HĐND, UBND. Nhiều đại biểu tán thành quan điểm này, nhưng băn khoăn về quy định đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND vì việc này không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì cho rằng, giữa ý tưởng phát triển, đột phá, năng động thì cái lo trong quản lý, an toàn vẫn mâu thuẫn nhiều trong cách đặt vấn đề, tổ chức bộ máy, cách tiếp cận. "Tôi cho rằng sau khi luật này ra đời, việc chọn Trưởng khu đặc biệt rất khó, đòi hỏi vừa năng động, sáng tạo, chủ động, nhưng lại phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành", ông Sơn nói.

Theo dự thảo, ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách Nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) băn khoăn về quy định này. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách tương đương cấp huyện thì toàn bộ việc giao nhiệm vụ thu chi sẽ do UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định, thế nhưng Dự thảo quy định định mức tiêu chuẩn chi từ chi thường xuyên, đầu tư, khoa học công nghệ … lại do đặc khu quyết định. Theo đại biểu, cần xác định rõ trong luật mối quan hệ giữa ngân sách đặc khu với ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, chứ không thể để "một ông quyết định nguồn, một ông quyết định tiêu" được.

Dự luật cũng nêu rõ, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Dẫn quy định của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị xem xét lại thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm đối với các dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Theo đại biểu, Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Như vậy, Hiến pháp và Luật Đất đai lại không quy định trường hợp đặc biệt có thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm và dự án Luật cũng chưa xác định cụ thể trường hợp nào là đặc biệt. Do vậy, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ quy định này, đồng thời có đánh giá tác động trong trường hợp áp dụng thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm.

Ngày 5-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định thời hạn sử dụng đất như Dự luật là quá dài. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, 3 đặc khu này có vị trí quan trọng, do đó, thời hạn sử dụng đất 50 năm đã là quá dài. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, thời gian thuê đất kéo dài đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải hy sinh nhiều thứ như về lao động, môi trường, đất đai…


Theo Phương Thảo

Pháp luật xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên