Ban lãnh đạo doanh nghiệp và câu hỏi muôn thủa “các anh có bắt tay cùng đội lái không?”
Việc ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bắt tay với đội lái để làm giá cổ phiếu, dưới góc độ của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, là chuyện không hiếm. Chỉ là trước nay, chưa từng ai thừa nhận điều này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của một doanh nghiệp niêm yết gần đây, một cổ đông đã trực tiếp chất vấn ban lãnh đạo về biến động giá cổ phiếu. Mà đằng sau đó, theo vị cổ đông này là có sự tham gia của những người đứng đầu doanh nghiệp.
“Trên thị trường đang có tin đồn rằng đội lái của một công ty chứng khoán có liên hệ với Chủ tịch HĐQT của công ty mình để có những giao dịch nhằm bơm thổi giá cổ phiếu. Ông có bác bỏ tin đồn này không?”, cổ đông đặt câu hỏi trực tiếp cho Chủ tịch hội đồng quản trị công ty.
Không giấu được sự khó xử trước câu hỏi trên, nhưng câu trả lời được vị chủ tịch này đưa ra không khác gì “sách giáo khoa” và không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư dự họp: “Tin đồn tôi tham gia làm giá cổ phiếu là không có căn cứ, mọi giao dịch của tôi đều được thông tin rõ ràng, không có gì khuất tất".
Đội lái – ban lãnh đạo
Việc ban lãnh đạo doanh nghiệp bắt tay với các đội lái cổ phiếu, vốn được nhiều nhà đầu tư đánh giá không phải chuyện hiếm trên thị trường chứng khoán, nhưng đây lại là chuyện không mấy ai dám thừa nhận. Thường sẽ có ba việc mà một đội lái phải chuẩn bị trước khi “tham gia” vào một cổ phiếu: Chuẩn bị “hàng” và tài chính, thứ hai là gặp ban lãnh đạo doanh nghiệp và cuối cùng là gặp người giữ sổ cổ đông để biết ai đang là cổ đông lớn. Lý do cũng không quá khó hiểu - tránh bị “úp” trong quá trình đẩy giá.
Riêng với hai việc cuối cùng, nhiều trường hợp người mà những đội lái này gặp chỉ là một bởi những người đứng đầu doanh nghiệp thường cũng là những người nắm nhiều cổ phiếu, hay ít ra là người đại diện cho các cổ đông lớn khác.
Với một số doanh nghiệp mà người đứng đầu vừa không nắm cổ phiếu, vừa không có nhóm cổ đông nào đứng sau thì thông thường chỉ có hai trường hợp – hoặc cơ cấu cổ đông doanh nghiệp đó quá phân tán và không có nhóm cổ đông nào đủ điều kiện để đưa người vào HĐQT, hoặc những vị cổ đông lớn không muốn ra mặt và ngầm thỏa thuận trước để HĐQT đưa ra một danh sách cơ cấu quản lý tự đề cử.
Một môi giới Vip làm việc cho một CTCK lớn tại Hà Nội cũng từng chia sẻ, bản thân những đội lái hiện giờ cũng không “làm giá” một cách đơn giản như trước. Việc tìm gặp ban lãnh đạo, bên cạnh những thỏa thuận ngầm để “cùng đi” đến cuối con đường, những đội lái còn cần lắm rõ hoạt động của công ty để khi đẩy giá cổ phiếu, họ sẽ đưa ra được lý do hợp lý cho việc đó.
“Thị trường chứng khoán giờ rất lạ, để có thể dụ nhà đầu tư tham gia, một là phải làm sao cho thấy cổ phiếu được ‘lái’ một cách rõ ràng như trường hợp doanh nghiệp càng tiêu cực, càng báo lỗ thì cổ phiếu càng tăng mạnh. Trường hợp này nhà đầu tư đã xác định trước tinh thần, thường là những người ưa mạo hiểm và sẵn sàng đánh cuộc với rủi ro. Hoặc phải tìm ra một lý do hợp lý để chứng minh cổ phiếu tăng giá là có cơ sở”, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chia sẻ.
Và với ban lãnh đạo doanh nghiệp, khi đã có được những thỏa thuận chắc chắn, họ chỉ việc đợi cổ phiếu biến động và giải trình như “sách giáo khoa”.
Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của doanh nghiệp nói trên, sau khi nhận được câu trả lời như vậy của ban lãnh đạo, cổ đông tiếp tục chất vấn rằng: “Chủ tịch HĐQT giải thích ra sao về diễn biến thị giá cổ phiếu bất thường, khi giữa năm 2015 giá cổ phiếu chỉ trên 10.000 đồng thì đến năm 2016 đã tăng mạnh lên gần 40.000 đồng rồi rời về ngưỡng trên dưới 20.000 đồng/CP”.
Khi lãnh đạo công ty đưa ra câu trả lời rằng, diễn biến này xuất phát từ những tin đồn thất thiệt trên thị trường và kỳ vọng riêng với mỗi nhà đầu tư, thì vị cổ đông này tiếp tục chất vấn: “Nếu chỉ là tin đồn thất thiệt, tại sao Công ty không gửi công văn lên UBCK đề nghị xác minh, làm rõ trắng đen để bảo vệ lợi ích cho cổ đông, cũng như hình ảnh và uy tín của Công ty và Ban lãnh đạo Công ty?”.
Người đứng đầu doanh nghiệp chỉ có thể phân bua rằng, giả thiết tin đồn là ý kiến chủ quan của ban lãnh đạo, vẫn chưa tìm được căn cứ nên công ty không thể gửi công văn lên UBCK nhờ theo dõi và xác minh. Tuy nhiên, câu trả lời mang tính “hình thức” này vẫn chưa thể thỏa mãn được nhà đầu tư.
Người bị thiệt không chỉ là nhà đầu tư nhỏ lẻ
Nhiều người chấp nhận đánh đu theo đội lái, nhiều người đã là cổ đông từ trước, nhưng nếu không kịp thoái vốn, điểm chung của họ đều giống nhau – nếu đội lái đã “lái xong”, cổ phiều này sẽ rất khó trở lại thời hoàng kim như trước. Và tài sản của những nhà đầu tư này chắc chắn sẽ khó có thể quay trở về mức ban đầu.
Chưa kể, cổ phiếu của những doanh nghiệp từng bị làm giá cũng sẽ rơi vào “black list” của không ít nhà đầu tư và CTCK trên thị trường. Cho dù sau này có thực sự tăng giá nhờ nội lực thì sự nghi ngại vẫn sẽ xuất hiện đối với những người có ý định bỏ tiền vào cổ phiếu.
Câu chuyện về một cổ phiếu doanh nghiệp nhựa từng rơi vào tình cảnh này, đến khi ban lãnh đạo quay lại “tu chí làm ăn” nhưng vẫn bị không ít nhà đầu tư trên thị trường nghi ngờ, là một ví dụ.
Năm 2012, thị trường rộ lên tin đồn cổ phiếu doanh nghiệp này đang được một “đội lái” có máu mặt để ý. Chỉ trong vào chưa tới 1 tháng, thị giá cổ phiếu tăng từ mức hơn gấp đôi lên gần 100.000 đồng mỗi cổ phiếu dù không có tin tức nào hỗ trợ. Nhưng chỉ mất hơn chục phiên giảm liên tiếp sau đó, với quá nửa là giảm sàn – mất thanh khoản, cổ phiếu này giảm xuống thấp hơn cả mức thị giá trước khi tăng.
Thời điểm đó, vẫn những phong cách “giải trình” kinh điển, cho biết doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và đổ lỗi cho thị trường khiến cổ phiếu “điên loạn”, doanh nghiệp này đã gần như mất đi niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Để 4 năm sau đó khi cổ phiếu này bắt đầu rục rịch tăng trở lại, cho dù hoạt động kinh doanh thông báo tốt thế nào, vẫn không ít người vẫn tỏ ra nghi ngại với quá khứ trước đây.