MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán lẻ đón sóng chuyển đổi số

10-04-2023 - 10:35 AM | Kinh tế số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành bán lẻ. Nếu như trước đây người tiêu dùng chỉ có thể mua sắm tại kênh bán lẻ truyền thống thì nay, họ có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng đa kênh và trực tuyến. Điều đó cho thấy những tác động rõ rệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngành bán lẻ.

Áp dụng công nghệ để bán hàng

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các thị trường bán lẻ sôi động và hấp dẫn đầu tư.  Báo cáo “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030” của Bộ Công Thương cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá, thị trường bán lẻ của Việt Nam liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử. Ngành bán lẻ đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm) (ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước).

Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP cả nước, là một trong những ngành quan trọng của nước ta. Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Trong số này, chỉ có các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ, còn lại các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn 90% số lượng điểm bán lẻ vẫn phải dùng sổ sách ghi chép lại và sử dụng hình thức truyền thống thủ công để quản lý hàng hóa và hoạt động bán hàng.

Với những dữ liệu nói trên, giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển.

Tuy nhiên, sự chuyển mình của các xu hướng thương mại bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các nhà bán lẻ trong nước cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, vận hội đồng thời có sự chuẩn bị cho các đối sách trước những thách thức mới.

Nói về những khó khăn thách thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, lãnh đạo khi triển khai công nghệ số. Nhiều DN chưa thành thục trong việc ứng dụng những công nghệ này vào tuyển dụng.

Đáng chú ý, truy xuất nguồn gốc là vấn đề quan trọng, tuy nhiên khá nhiều DN đang gặp khó khăn. Theo ông Công, nếu nhà bán lẻ không kịp ứng dụng công nghệ vào bán hàng thì hệ thống bán lẻ rất dễ gây ra những hệ lụy, thậm chí là sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn. “Trước đây nhà bán lẻ bảo lãnh với người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, nhưng hiện nay nhà bán lẻ cần hợp tác với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối. Từ đó, giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ việc xử lý phản ánh về chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng” - ông Công nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Công lưu ý, sự phát triển của công nghệ số, thế giới mạng đã đẩy mạnh các “chiêu” quảng cáo, PR các sản phẩm hàng hóa, mà nếu DN bán lẻ không nâng cấp hoạt động này bằng số hóa thì chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, hoạt động livestream có sức lan tỏa nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng bằng hotline cổ điển. Bởi vậy, nếu DN không phát triển các hình thức quảng cáo theo sự phát triển của công nghệ nguy cơ tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh là rất cao.

Hóa giải thách thức

Với cơ cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt Nam có khả năng học hỏi công nghệ khá tốt và không quá lâu để thay đổi cho trải nghiệm mua sắm của mình. Đây là tập khách hàng rất tiềm năng cho việc mua sắm online, mua sắm qua mạng, tạo cơ hội rất lớn cho việc chuyển đổi số trong ngành bán lẻ.

Các loại hình thanh toán điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp quy trình mua sắm ngày càng trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều. Thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán qua Mobile Banking, thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng séc trực tuyến, thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, thanh toán qua cổng thanh toán điện tử là các hình thức thanh toán được người tiêu dùng sử dụng trong thanh toán khiến cho việc mở ra các hình thức thanh toán này là một cơ hội lớn với các DN bán lẻ Việt Nam.

Giới chuyên gia đánh giá, việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, hiện nay chỉ cần ngồi tại nhà, tại cơ quan, công sở người tiêu dùng vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Vì lẽ đó, không còn cách nào khác, các DN bán lẻ cần phải tiếp cận nhanh chóng công cụ số cho mục tiêu, định hướng phát triển của mình.

Liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, theo luật sư Tiền, cần phải chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để quản lý lực lượng này. Đơn cử như những quy định về ký quỹ, về nguyên tắc giao nhận hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi nhận hàng vận chuyển… Từ đó yếu tố chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử sẽ được đảm bảo.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tập trung ở các "ông lớn" Shopee, Lazada... Thương mại điện tử hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Bởi vậy, tăng cường khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững chính là là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của các nhà bán lẻ nội địa.

Để nắm bắt cơ hội, TS Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng, các DN bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng đã và đang “ngốn” nhiều tài chính của DN.

Nhiều chuyên gia trong ngành có cùng quan điểm: Các nhà bán lẻ nội địa cần phải có sự chuyển mình trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0 để tiếp cận với số hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Khi viêc số hóa được hiện thực hóa, những rào cản, thách thức trong ngành bán lẻ sẽ được hóa giải.

Theo Duy Khang

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên