Bản lĩnh điều hành
Năm 2018, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Những kết quả đã đạt được có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ.
Chính sách thận trọng được lựa chọn
Chiều 16/11/2017 là một ngày đặc biệt với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Khi bị chất vấn ở Quốc hội về kế hoạch đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức rất cao 21%, ông trả lời: "Đây không phải là chỉ đạo của Chính phủ!". Thống đốc giải thích, trong điều hành, ông căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, hai văn bản này chỉ đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18%.
Chính sách tiền tệ là một trong những thành công nhất trong năm 2018.
Đến tháng 10 năm đó, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt gần 14%, trong khi tốc độ tăng trưởng cũng còn rất thấp, có nguy cơ không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và là năm thứ hai GDP có thể không về đích, làm xuất hiện câu hỏi về năng lực điều hành. Trước áp lực đó, trong một phiên họp thường trực Chính phủ vào tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thống đốc có kế hoạch bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22% nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
Thậm chí, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng năm 2018 đã đặt ra giải pháp tăng trưởng tín dụng là 21% để giúp tăng trưởng kinh tế. Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, tỉnh Long An, mục tiêu đó làm rất nhiều người lo ngại. "Tăng trưởng tín dụng (21%) của năm 2017 không chỉ tạo áp lực cho những tháng cuối năm, năm 2018 và những năm tiếp theo", ông Đỉnh chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng. Và Thống đốc đã trả lời một cách đầy bản lĩnh, như đã nêu trên.
Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài lạc quan về khả năng ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2019 giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Cùng với việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo đà cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Câu chuyện trên, dù đã cũ, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Chính sách tiền tệ đi theo hướng nào sẽ lái con thuyền kinh tế theo hướng đó. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng phải đạt mức 21%, rất có thể tiền sẽ lại được bơm ra một cách dễ dãi, kéo theo hệ lụy bong bóng bất động sản hay chứng khoán phình to, như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Rất may, chính sách thận trọng đã được lựa chọn, và là hướng đi suốt năm 2018 vừa qua. Dù tăng trưởng tín dụng 16% là mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, nhưng tăng trưởng của Việt Nam lại đạt mức cao nhất trong vòng hơn thập kỷ qua, kinh tế vĩ mô ổn định. "Tôi cho rằng chính sách tiền tệ là một trong những thành công nhất trong năm 2018. Nếu bơm tiền ra, chúng ta có thể lại kích thích đầu cơ và có thể không giữ được ổn định kinh tế vĩ mô", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đã từng trải qua cảm giác "hồi hộp rồi vỡ òa" khi tăng trưởng năm 2017 về đích mà không phải thúc tín dụng, nhận xét.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bổ sung thêm: "Năm 2018 rất phức tạp, đầy rủi ro, khó lường. FED tăng lãi suất 4 lần, gây áp lực rất lớn lên điều hành và ổn định vĩ mô. Tuy vậy, chúng ta tăng cường được sự chống đỡ của hệ thống ngân hàng, tài chính và tạo ra vùng đệm cho sức chống chọi. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng, tài chính tiếp tục được củng cố hơn".
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, trong 2-3 năm vừa qua, con đường phát triển của Việt Nam dường như rõ ràng hơn với các chính sách hướng đến đảm bảo ổn định kinh tế. "Câu chuyện đặt ra là Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn được nữa không? Vẫn có thể nhanh hơn nữa được!", ông nói.
Thách thức còn nhiều
Đến năm 2018, tức sau hơn ba thập kỷ Đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Tuy nhiên, với ông Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng như vậy là "quá chậm" khi các nước xung quanh đã có thu nhập bình quân đầu người trên 6.000-7.000 USD, Trung Quốc trên 9.000 USD. Ông nói: "Nếu chúng ta không tăng trưởng cao, bền vững thì khoảng cách ngày càng doãng ra, chúng ta sẽ tụt hậu".
Vì lẽ đó, ông cho rằng Việt Nam phải duy trì tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong thời gian dài và phải khơi thông, tận dụng hết mọi tiềm năng, điều kiện của người dân, doanh nghiệp và đất nước cho phát triển.
Khát vọng đó là một thách thức. Trên thực tế, chất lượng tăng trưởng vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, nó quá thấp và chuyển biến quá chậm. Chúng ta đang gặp tình trạng có tăng trưởng mà không có phát triển, mà ví dụ rõ ràng nhất là chuyện 12 dự án công nghiệp đắp chiếu. Vốn đầu tư bỏ ra cho các dự án đó giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng rồi các dự án đó lại "đắp chiếu", không mang lại giá trị phát triển cho đất nước.
Những khoản đầu tư như vậy thể hiện qua chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Hệ số ICOR của năm 2017 là 4,7, thấp hơn mức trung bình 5,2 giai đoạn 2011-2017. Tuy nhiên, hệ số ICOR của Việt Nam còn quá cao.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào.
Vì thế, nếu cứ mãi tập trung vào tốc độ tăng trưởng mà không cải thiện chất lượng tăng trưởng một cách thực chất thì Viêt Nam sẽ ngày càng tụt hậu.
Đó là những rào cản không dễ vượt qua trên con đường phát triển. Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng vẫn giữ vững quan điểm điều hành như lần trả lời trước Quốc hội cách đây hơn một năm, thay vì nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng. Ông đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% năm 2019, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm nay. "Phải giữ được ổn định tỷ giá và giá trị VND", ông nói.
Infonet