MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán nguyên liệu không thể thiếu cho món ăn ngày Tết, một doanh nghiệp đều đặn "dốc hầu bao" trả cổ tức tiền mặt, chuẩn bị chốt danh sách cổ đông nhận 3.000 đồng/cp

Bán nguyên liệu không thể thiếu cho món ăn ngày Tết, một doanh nghiệp đều đặn "dốc hầu bao" trả cổ tức tiền mặt, chuẩn bị chốt danh sách cổ đông nhận 3.000 đồng/cp

Nhìn lại dữ liệu lịch sử hơn 10 năm nay, doanh nghiệp này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt cao và đều đặn xấp xỉ 30% mỗi năm.

CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco (mã SAF) vừa ra thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 3.000 đồng cổ tức.

Với 12 triệu cổ phiếu SAF được lưu hành, Safoco sẽ phải chi ra khoảng 36 tỷ đồng để trả tạm ứng cổ tức năm 2023. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 1/2/2024. Trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2025-2027 được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, SAF dự kiến tỷ lệ cổ tức hàng năm đạt 30%/năm. Như vậy, với mức cổ tức tạm ứng 2023, SFC đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Nhìn lại dữ liệu lịch sử hơn 10 năm nay, doanh nghiệp này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt cao và đều đặn xấp xỉ 30% mỗi năm. Đặc biệt, Safoco còn được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp "dốc hầu bao" chia hết lợi nhuận thành cổ tức. Trước đó, vào tháng 5/2023, doanh nghiệp cũng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 34% (1 cổ phiếu nhận 3.400 đồng). Với hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Safoco chi khoảng 41 tỷ đồng để trả cổ tức 2022. 

Ảnh chụp Màn hình 2024-01-10 lúc 22.32.15.png

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAF vẫn duy trì đà tăng giá "bền bỉ" kể từ khi niêm yết trên HNX năm 2009 đến nay. Hiện, cổ phiếu SAF đang neo ở vùng giá 51.800 đồng/cp, thấp hơn 18% so với vùng đỉnh lịch sử vừa thiết lập tháng 4/2023. Tuy nhiên, cổ phiếu này thường xuyên trong trạng thái "tắt thanh khoản" phần lớn do cơ cấu cổ đông khá cô đặc.

Công ty mẹ là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Công ty cổ phần nắm giữ gần 4,9 triệu cổ phiếu, tương đương 40,39% vốn điều lệ. Theo sau, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu 16,64% cổ phần và là cổ đông lớn thứ 2. Cổ đông lớn còn lại nắm giữ hơn 14% vốn điều lệ tương đương gần 1,7 triệu cổ phiếu SAF là bà Phạm Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Safaco.

Lợi nhuận tăng trưởng ổn định qua từng năm

Safoco là công ty con của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), có tiền thần là Cửa hàng Lương thực Thực phẩm số 4 được thành lập năm 1995. Công ty chính thức đi vào hoạt động ngày 1/05/2005 với vốn điều lệ 22 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mì, nui, bánh tráng, các loại từ tinh bột, bột mì; mua bán các mặt hàng lương-thực phẩm, công nghệ phẩm,… với thương hiệu Safoco. Trong đó, sản phẩm nổi bật của Safoco là bánh tráng (bánh đa nem), một nguyên liệu quen thuộc để làm nem rán – món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt.

Thực tế, kết quả kinh doanh duy trì mỗi năm là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp sản xuất bánh tráng "dốc hầu bao" trả cổ tức đều đặn mỗi năm. Dù không ghi nhận đà tăng trưởng vũ bão, song lợi nhuận của SAF tăng trưởng ổn định và đều đặn qua từng năm. Giai đoạn 2021-2022, doanh thu của Safoco có phần kém sắc hơn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì mức lợi nhuận tăng trưởng dương.

 Doanh nghiệp bán bánh tráng trên sàn chứng khoán thu về hơn 2 tỷ đồng mỗi ngày, "dốc hầu bao" chia hết lợi nhuận thành cổ tức - Ảnh 1.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Safoco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 611 tỷ đồng (tương ứng thu hơn 2,3 tỷ đồng mỗi ngày), gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại "đi lùi" gần 5% với giá trị đạt hơn 38 tỷ đồng.

Năm 2023, Safoco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 820 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 66 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được hơn 75% kế hoạch doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận.

Mai Chi

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên