MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công!

08-03-2019 - 18:18 PM | Sống

Cuộc đời con người chẳng qua chỉ là một cuộc chạy đua dài, bạn có cố gắng cũng không thể chiến thắng ngay tại vạch đích, chỉ có thể bền bỉ và lâu dài mới có được tác dụng. Đối với nhiều người mà nói, "nghỉ ngơi" và "phấn đấu" là 2 việc hoàn toàn khác nhau, không thể cùng lúc thực hiện.

Bạn đã từng nhìn thấy thư viện đại học Harvard sáng đèn lúc 4 giờ sáng chưa? Bạn đã từng thấy thời gian biểu trong ngày của các tỷ phú?

Trong thời đại hiện nay, nói đến chuyện phấn đấu, ai ai cũng nghĩ rằng phấn đấu phải là làm việc từng giây, từng phút một, chạy đua với thời gian không ngừng nghỉ. Nhưng có đúng thật là như thế không?.

Trước đây tôi từng đọc được số liệu trong một cuốn sách:

1, Chỉ có 1/3 viên chức Mỹ có đủ thời gian để ăn tối một cách hoàn chỉnh, còn lại đều là ăn nhẹ hoặc ăn qua loa ngay tại phòng làm việc.

2, Hơn một nửa trong số họ đều cảm thấy bị quá tải, không thể làm thêm công việc gì khác.

3, 27% có thể làm việc trong vòng từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau, và chỉ 29% có thể làm việc cuối tuần.

4, 53% dân số Mỹ cho rằng công việc quá mệt mỏi, họ bị bế tắc hoàn toàn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thời gian chính là tiền bạc, việc thức khuya để làm việc là quá quen thuộc. Mọi người thường không để ý đến thời gian nghỉ ngơi của chính mình, cũng chưa từng xem xét xem hiệu suất công việc kém dần đi là do khối lượng công việc hay do sức khỏe của bản thân.

Chúng ta nỗ lực phấn đấu là để có tiền bạc và thời gian cho tương lai. Nhưng trớ trêu thay, nhiều người trong chúng ta lại đang bận rộn bòn rút chính tương lai của mình.

Cuộc đời con người chẳng qua chỉ là một cuộc chạy đua dài, bạn có cố gắng cũng không thể chiến thắng ngay tại vạch đích, chỉ có thể bền bỉ và lâu dài mới có được tác dụng. Đối với nhiều người mà nói, "nghỉ ngơi" và "phấn đấu" là 2 việc hoàn toàn khác nhau, không thể cùng lúc thực hiện.

Nhưng thực tế, đây lại là một quan niệm sai lầm. Nghỉ ngơi một cách khoa học, cũng là bước đà để phấn đấu, chúng cần phải tương hỗ cho nhau, mới có thể giúp cho chúng ta có đầy đủ sức lực để có suy nghĩ và hành động tốt nhất.

Chúng ta có thể thấy những học sinh giỏi nhất không bao giờ bắt mình phải học tập ngay sau giờ học ở trường, hay vùi đầu vào ôn bài đến sáng. Ngược lại, họ có thời gian chơi, thời gian ngủ hợp lý.

Những người bị ám ảnh bởi tư tưởng phấn đấu cần phải điều chỉnh lại chính mình về việc bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Điều này sẽ giúp cho bản thân chúng ta có được sự giải tỏa, cũng như làm tăng hiệu suất làm việc.

Những điều dưới đây chắc chắn sẽ phải khiến cho những người đang căng thẳng vì làm việc quá sức phải suy nghĩ lại:

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công! - Ảnh 1.


Không biết cách nghỉ ngơi, sẽ không có được những suy nghĩ tốt nhất

Một nghiên cứu cho thấy, phân tích so sánh kết quả kiểm tra của 2 triệu sinh viên năm 4 tại Đan Mạch, với cùng một câu hỏi, đối với các sinh viên phải làm bài kiểm tra liền mạch trong một tiếng, kết quả thường thấp. Ngược lại, khi phân thành 2 lần kiểm tra, mỗi lần 20 đến 30 phút, có thời gian nghỉ ngơi, điểm kiểm tra lại có xu hướng tăng cao.

Một nghiên cứu khác, sau khi thống kê về các yêu cầu tạm tha của thẩm phán tại 2 ủy ban tư pháp ở Isalen, người ta thấy rằng vào buổi sáng các thẩm phán dễ dàng đưa ra quyết định có lợi cho tù nhân, còn đến lúc gần chiều thì ngược lại.

Hai nghiên cứu trên cho thấy, sau khi được nghỉ ngơi, thì đầu óc phán đoán và khả năng phân tích của con người tốt hơn cả.

Tôi nhớ lại thời gian khi tôi còn học cấp 3, áp lực thi cử đè nặng, ngày nào cũng học tập cực kì miệt mài. Sau khi tan học, tôi chưa rời khỏi lớp ngay mà tiếp tục làm bài thi thử, ngày nào cũng học đến tận 12h khuya mới dám ngủ. Những tháng sau đó, kết quả các bài thi thử của tôi không hề tăng thêm, mà lại còn xuất hiện những lỗi sai rất ngớ ngẩn. Việc này chẳng khác nào cố nắm chặt cát ở trong tay, nắm càng chặt, cát chảy ra càng nhanh. Không biết cách phân bổ thời gian để nghỉ ngơi, bản thân cũng sẽ tự rơi vào stress do áp lực quá lớn.

Một bài báo từng đưa tin về trường hợp một nhân viên của tập đoàn Huawei Trung Quốc, sau cuộc họp với khách hàng anh ta trở về nhà và cảm thấy đầu đau bất thường. Anh nhanh chóng dừng xe lại, cả cơ thể bỗng nhiên bị mất ý thức, may mắn được các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện kịp thời, anh mới sống sót được. Nguyên nhân là do làm việc quá sức, thiếu ngủ, dẫn đến đột quỵ bất thường.

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công! - Ảnh 2.


Tinh thần tốt mới có được kết quả công việc cao

Người làm việc với hiệu suất cao sẽ khác rất nhiều với những người thường, vì họ biết cách tận dụng thời gian làm việc của bản thân. Điều này không chỉ đơn giản là quản lý thời gian của mình, mà họ còn biết cách quản lý cả sức lực, trí óc, để giữ được trạng thái tốt nhất cho bản thân trong lúc làm việc.

Khi tôi còn đi học, thầy giáo của tôi từng kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ai cũng biết rằng loài ngựa chạy nhanh hơn con người, nhưng người xưa đã nhận ra rằng, dù loài ngựa chạy nhanh, nhưng chúng không thể hành quân xa và bền bỉ bằng con người. Cho nên để có thể sử dụng ngựa tốt nhất trong chiến tranh, chúng phải được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi 1 ngày trước đó. Đây chính là cách dùng ngựa tốt nhất, vừa cương vừa nhu, để đảm bảo khi ra trận sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Cũng giống như chúng ta khi luyện tập thể thao, bạn phải kết hợp giữa luyện tập có cường độ và nghỉ ngơi, vậy mới khiến cho việc thể dục có được kết quả tốt nhất, các cơ cũng có thời gian nghỉ ngơi phù hợp.

Nếu như luyện tập với cường độ mạnh và ít nghỉ ngơi, chắc chắn sẽ dẫn đến nhức mỏi, thậm chí là chấn thương. Ngược lại, nếu luyện tập quá ít mà nghỉ ngơi nhiều, thì sẽ chẳng đi đến đâu cả, cơ thể không thể săn chắc.

Mặt khác, việc tập luyện nỗ lực và nghỉ ngơi cần phải được phối hợp điều độ.

Đại não của chúng ta có 2 hình thức tư duy chính: Tập trung tư duy và phát tán tư duy.

Khi chúng ta đang cố gắng làm việc, tức là rơi vào trạng thái tập trung tư duy, cho nên não bộ sẽ tập trung phân tích thông tin. Lúc này, khả năng chú ý và làm việc của não bộ là mạnh mẽ nhất, giúp chúng ta học tập và xử lý tình huống nhanh chóng. Ngược lại khi thư giãn và nghỉ ngơi, chúng ta đi vào quá trình phát tán tư duy, lúc này,các thông tin khác nhau, hấp thụ ở các khu vực khác nhau của não bộ được liên kết lại, giúp cho chúng ta có được sự linh hoạt, giúp thúc đẩy suy nghĩ khi bạn trở lại trạng thái "tập trung tư duy".

Quá trình chuyển hóa từ trạng thái nghỉ ngơi đến trạng thái làm việc sẽ giúp cho đầu óc minh mẫn và linh hoạt hơn.

Vậy nên đừng bắt bản thân phải làm việc liên tục, nó sẽ khiến cho cơ thể không đủ thể trạng tốt để làm việc, tạo ra áp lực cho bản thân và làm hiệu suất công việc bị giảm.

Chúng ta cứ nghĩ rằng nỗ lực không ngừng khiến công việc tốt lên, nhưng về góc độ khoa học mà nói, phải có phương pháp nghỉ ngơi rõ ràng mới giúp công việc diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công! - Ảnh 3.


Nguyên tắc để nghỉ ngơi hợp lý

Nếu việc nghỉ ngơi thực sự quan trọng, thì chúng ta phải nghỉ ngơi như thế nào cho hợp lý? Hãy làm những điều sau đây:

1, Bổ sung dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ.

2, Lên mạng đọc một chút tin tức, lướt newsfeed.

3, Thư giãn hoàn toàn, không làm gì cả, thả lỏng đầu óc.

4, Có thể nói chuyện một chút với bạn bè, đồng nghiệp.

Tôi biết rằng mọi người luôn luôn làm 2 điều đầu tiên, ăn uống và nghịch điện thoại nhưng việc này không những không giúp bạn giải tỏa căng thẳng, nó còn khiến chúng ta mệt mỏi hơn.

Mục đích của việc nghỉ ngơi là để cho đầu óc chúng ta giải tỏa và thả lỏng, và từ đó phục hồi lại sự chú ý và sức bền trong công việc. Nếu bạn cứ chăm chỉ lướt newsfeed hay lên mạng, sự chú ý của bạn sẽ lại được tập trung cao độ, nhưng nó lại làm giảm sức bền khi bạn tiếp tục làm công việc của mình. Cho nên, trong 4 điều trên, quan trọng nhất là bạn đừng nên làm gì cả, hoặc là nói chuyện với người khác. Điều này sẽ làm được cả 2 mục đích, tăng sức chú ý và tính bền bỉ trong công việc.

Trong cuốn "Làm chủ thời gian", Daniel Pink viết: "Hãy xem việc thư giãn là liều thuốc giải độc cho mọi khó khăn và áp lực của bạn." Và để việc nghỉ ngơi thực sự đạt được những kết quả mong muốn, Daniel Pink đưa ra cho bạn những nguyên tắc sau:

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công! - Ảnh 4.

Nghỉ quãng ngắn thay vì nghỉ quãng dài.

Nếu như bạn khát thì mới uống nước, điều đó thể hiện cơ thể bạn thiếu nước đến mức độ trầm trọng, khiến cơ thể cảm thấy khát. Việc nghỉ ngơi cũng như vậy, đừng để đến lúc bạn cảm thấy mệt mỏi rồi mới nghỉ ngơi, phòng tránh luôn luôn là phương pháp được khuyến khích hơn cả.

Mọi người đều rất khó khăn khi phải làm việc với hết công suất trong một quãng thời gian dài, chính vì thế việc tạm nghỉ một quãng ngắn sẽ giúp bạn giữ được phong độ ổn định. Đừng bao giờ cố gắng để làm hết công việc rồi mới nghỉ ngơi, hãy chia thời gian nghỉ cho hợp lý.

Sau khi nghiên cứu và điều tra về hiệu suất công việc của nhân viên tập đoàn DeskTime, họ có sự điều chỉnh về giờ giải lao cho nhân viên, giống như thời gian lên lớp của học sinh, làm việc 50p nghỉ 10p, điều quan trọng là giúp nhân viên có đủ thời gian để lấy lại hứng thú và cảm hứng làm việc.

Vận động luôn luôn tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ.

Theo nghiên cứu, mỗi tiếng đi bộ 5p, có thể giúp cải thiện tinh thần, giảm thiểu sự mệt mỏi, điều này thậm chí còn tốt hơn là đi bộ liên tục 30p.

Cho nên, khi bạn làm việc một khoảng thời gian, hãy đứng dậy, rời bàn làm việc và đi dạo, hít thở không khí, ngắm đường phố, chắc chắn hứng thú làm việc sẽ ngay lập tức trở lại.

Kết nối với mọi người luôn tốt hơn là ngồi một mình.

Con người luôn được đặt trong cộng đồng, vì thế những giao tiếp và kết nối luôn giúp con người có được nhiều vui vẻ và động lực.

Và trong thời gian nghỉ ngơi, chúng ta cùng bạn bè nói chuyện, tất nhiên là những chuyện bên ngoài công việc, so với ngồi ăn vặt và lướt mạng có tác dụng hơn rất nhiều.

Để cho bản thân hoàn toàn nghỉ ngơi và dừng suy nghĩ.

Nhiều người nghĩ rằng nhắn tin qua facebook, hay nói chuyện về công việc cũng là một cách để nghỉ ngơi. Nhưng thực tế là việc nghỉ ngơi chỉ được diễn ra khi bạn hoàn toàn ngừng suy nghĩ.

Chúng ta có thể nghe nhạc hoặc thiền cũng là các cách hiệu quả, phải để cho bộ não thực sự thư thái và không bị đè nặng bởi áp lực.

Cách nghỉ ngơi khoa học là phải nạp lại được sức lực cho bản thân ngay sau đó, nhằm củng cố khả năng phán đoán và phân tích của bạn.Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, dường như việc nghỉ ngơi không còn được xem là cần thiết. Bạn nên biết rằng con người có giỏi tới đâu cũng khó bảo toàn được trạng thái tốt nhất của mình trong thời gian dài. Vì thế, khi làm việc phải làm hết sức, khi nghỉ ngơi phải nghỉ hoàn toàn.

Quay trở lại lịch sử, khi loài người vẫn chưa tiến hóa hoàn toàn, tổ tiên chúng ta phải sinh sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm, hầu hết thời gian là ăn uống, chơi bời, phơi nắng,…Đến khi biết trồng trọt, loài người biết tận dụng đất đai để nuôi sống mình, nhưng lúc này nguồn thực vật vẫn còn cạn kiệt nên họ phải làm việc nhiều hơn.

Từ sau cách mạng công nghiệp Châu Âu đến nay, tài nguyên vật chất đã ngày càng nhiều lên. Nhưng có lẽ trên trái đất, duy chỉ có loài người là loài động vật duy nhất làm việc không ngừng nghỉ.

Dường như chúng ta đã bị đẩy đi quá xa, vội vàng chào hỏi nhau, vội vàng bước đi,vội vàng ăn uống, vội vàng làm việc.

Nhưng, chưa có một phút giây nào loài người dừng lại những bước chân của mình, nghe tiếng nhịp đập con tim, tôn trọng cảm giác của chính mình.

Bạn nỗ lực kiếm tiền nhưng lại vô tình bòn rút tương lai: Không biết cách nghỉ ngơi, đừng vội bàn đến thành công! - Ảnh 5.

Chúng ta nỗ lực phấn đấu là để cho cuộc sống của mình tốt hơn, thoải mái hơn, được trọng vọng, nể nang, nhưng chúng ta không cho bản thân nghỉ ngơi, thế thì chẳng phải là sau những nỗ lực đó, chúng ta vẫn chỉ đang ở vạch xuất phát hay sao? Đừng để những tham vọng biến mình thành cỗ máy vô cảm, đừng vô cảm với chính bản thân mình.

Đường còn dài, đừng miệt mài bước. Tại sao không thử dừng lại để chính bạn được nghỉ ngơi?

Theo Thu Hoài

Trí thức trẻ

Trở lên trên