MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bản quyền truyền hình World Cup 2022: Căng thẳng tới phút cuối?

04-10-2022 - 14:26 PM | Thị trường

Chỉ còn hơn một tháng nữa, World Cup 2022 sẽ chính thức khởi tranh tại Qatar nhưng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa chắc sở hữu bản quyền truyền hình giải đấu. Giới hâm mộ sốt ruột, trong khi nhà đài cũng trong cuộc đua đàm phán rất khốc liệt với đối tác nước ngoài.

Infront Sports&Media (ISM), đối tác của FIFA sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở 26 quốc gia khu vực châu Á, đã đưa ra mức giá lên tới 15 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng). Con số kỷ lục trên gây choáng váng với nhiều người, tăng hơn 3 triệu USD so với World Cup 2018, và gấp 15 lần nếu so với thời điểm cách đây 20 năm. Tại World Cup 2002, số tiền Việt Nam bỏ ra để mua bản quyền truyền hình chỉ 1 triệu USD.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, đại diện một đơn vị kinh doanh bản quyền truyền hình bóng đá cho biết, mức giá ISM đưa ra đã khiến nhiều nhà đài phải chùn tay. Bởi doanh thu khó bù đắp chi phí. Theo một số nguồn tin, nhiều khả năng sẽ có 2 đơn vị tại Việt Nam bắt tay nhau để mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 nhằm phục vụ người hâm mộ. Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn là đơn vị được chờ đợi nhiều nhất nhờ tiềm lực tài chính cũng như khả năng khai thác.

Mặc dù vậy, trả lời phóng viên Tiền Phong, một đại diện VTV khẳng định, đến thời điểm hiện tại, VTV chưa thể xác nhận về vấn đề trên. Vị này cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn thu từ quảng cáo bị ảnh hưởng thì việc tiền bản quyền truyền hình tăng cao rất khó cân đối.

“Chúng tôi cho rằng, với tình hình hiện tại thì việc bỏ ra số tiền rất lớn như vậy, đơn vị nào cũng sẽ phải cân nhắc”, vị này nói.

Bản quyền truyền hình World Cup 2022: Căng thẳng tới phút cuối? - Ảnh 1.

Người hâm mộ Việt Nam vẫn ngóng chờ được xem World Cup 2022

Trong khu vực Đông Nam Á, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ một số quốc gia sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022. Khá ngạc nhiên trong số này gồm cả Philippines, Campuchia, Malaysia, Brunei, Indonesia nhưng lại chưa có Việt Nam và Thái Lan, hai thị trường lớn và được đánh giá có lượng người hâm mộ đông đảo, đam mê bóng đá.

Ngoài ra, ở châu Á, danh sách của FIFA còn nhiều nước khác, người dân có thể yên tâm được theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh như Pakistan, Sri Lanka, Nepal, Mông Cổ, Maldives…

Trở lại với Việt Nam, thực tế có những mùa giải, quá trình đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup chỉ được “chốt hạ” vào phút cuối. Đơn cử như World Cup 2018 (Nga), VTV chỉ công bố gói bản quyền ngày 8/6, tức chỉ một tuần trước khi giải đấu chính thức khởi tranh (ngày 14/6). Nhiều người hy vọng, các đài Việt Nam có thể mua giá rẻ như kiểu “mua hoa Tết chiều 30”. Đây là lý do các đài Việt Nam cố gắng tỏ ra không quá sốt sắng.

Thực tế quá trình đàm phán phức tạp hơn rất nhiều và cũng vô cùng cam go, theo một chuyên gia lâu năm về bản quyền truyền hình. Việt Nam trước đây từng thành lập nhóm đàm phán mua bản quyền truyền hình từ đối tác nước ngoài, đặt ra mức giá trần nhưng không thành công.

Cụ thể, năm 2016, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đứng ra đại diện mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh, nhưng rốt cuộc K+ là đơn vị độc lập giành phần. Đối tác có vẻ như luôn nắm đằng chuôi, nắm bắt được tâm lý của phía Việt Nam.

Lãnh đạo một kênh truyền hình trả tiền hôm qua cho rằng, cơ hội để người hâm mộ Việt Nam được theo dõi World Cup 2022 vẫn khá cao. Vị này nói: “Về cơ bản, người bán muốn bán được hàng, và người mua cũng muốn mua. Vấn đề là thống nhất được mức giá hợp lý, đôi bên đều có thể chấp nhận được. Kinh nghiệm đàm phán mua bản quyền của Việt Nam hiện nay đã có nhiều, không dễ để đối tác ép giá . Tôi nghĩ rằng sớm muộn người hâm mộ cũng sẽ được xem World Cup”.

Thep V.P

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên