Bán ròng hơn 28 triệu cổ phiếu trong chưa đầy 1 tháng, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của KBC
Động thái bán ròng của quỹ ngoại diễn ra ngay trước khi KBC công bố phương án tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung đáng chú ý liên quan đến cổ tức, cổ phiếu quỹ và kế hoạch năm 2023.
Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã bán ra tổng cộng hơn 2 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) vào ngày 4/11. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã giảm từ 5,03% xuống còn 4,76% và không còn là cổ đông lớn của KBC từ ngày 8/11.
Ước tính theo thị giá KBC đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (4/11), số tiền Dragon Capital có thể thu về vào khoảng 34 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, nhóm quỹ ngoại liên tục có động thái giảm sở hữu tại KBC sau khi gom hơn 5,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 64,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,43%) vào ngày 12/10. Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Dragon Capital đã bán ròng tổng cộng 28,2 triệu cổ phiếu KBC, tương đương 3,67% vốn.
Động thái bán mạnh tay của quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KBC tiếp tục lao dốc kể từ nửa sau của tháng 10. Cổ phiếu này hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2020 với 15.250 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 67% so với đỉnh đạt được cuối năm ngoái. Vốn hóa thị trường theo đó bị thổi bay 24.000 tỷ đồng (~1 tỷ USD), chỉ còn 11.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KBC vừa công bố kế hoạch tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần 02 hoặc năm 2023 lần 01 tùy thuộc vào điều kiện hoàn thiện thủ tục tổ chức Đại hội với các mốc thời hạn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo KBC, việc triệu tập ĐHĐCĐ để trình Đại hội kế hoạch cho năm tài chính mới sớm nhất là cần thiết trên cơ sở công ty vừa ký được các hợp đồng và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn.
Các nội dung dự kiến được thảo luận tại ĐHĐCĐ bất thường bao gồm:
(1) Xin ý kiến cổ đông thực hiện chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt hại cho cổ đông thì việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi Công ty có dòng tiền tốt.
(2) Xin ý kiến ĐHĐCĐ về kế hoạch kinh doanh năm 2023 và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ để HĐQT và Ban Tổng giám đốc chủ động triển khai ngay từ đầu năm 2023 thay vì chờ đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 mới phê duyệt kế hoạch thì khá muộn.
Về tình hình kinh doanh quý 3, KBC đạt 203 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 37% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, KBC bất ngờ khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng. Đây là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý 2/2022. Tuy nhiên, lúc này do tính chuyên môn cao, phức tạp cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý 3/2022. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế thu về đột biến 1.936 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, KBC ghi nhận doanh thu 1.288,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với con số cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ lãi lớn quý 3 vừa qua, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm lại tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 2.135 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường