MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán ròng rã, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm

Bán ròng rã, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm

Theo nhận định của FiinTrade, thị trường có thể tốt hơn nếu trạng thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài giảm trong thời gian tới.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 340 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay (24/3). Những cổ phiếu bị bán mạnh nhất gồm KBC (-151 tỷ đồng), POW (-81 tỷ đồng), HPG (-55 tỷ đồng), CTG (-54 tỷ đồng)…

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 364 tỷ đồng.

Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% (tỷ lệ số cổ phiếu). Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay.

Nhà đầu tư nước ngoài bán chủ yếu theo phương thức khớp lệnh; ở chiều ngược lại, họ bổ sung cổ phiếu thông qua mua thỏa thuận.

Bán ròng rã, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm - Ảnh 1.

Ba tháng mà các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh nhất gồm:

- Tháng 5/2018, bán ròng 6.600 tỷ đồng, tập trung vào VIC, VHM, VRE.

- Tháng 3/2020, bán ròng 7.400 tỷ đồng, tập trung vào MSN, HPG, VHM.

- Đỉnh điểm vào tháng 3/2021, bán ròng 10.800 tỷ đồng, tập trung vào VNM, CTG, POW.

Các giao dịch mua thỏa thuận lớn trong vòng 3 năm qua là vào tháng 5/2018 (mua VRE) và tháng 6/2020 (mua VHM). Đây là hai cổ phiếu thuộc họ nhà Vingroup.

Bán ròng rã, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm - Ảnh 2.

Đỡ lực bán của khối ngoại là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Từ đầu năm 2021, họ đã mua ròng khớp lệnh 19.800 tỷ đồng, dòng tiền mua mạnh kể từ sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu (16.300 tỷ đồng).

FiinTrade cho biết, khoảng 60% lượng tiền mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là để đối ứng lượng bán ra top 5 cổ phiếu bị nước ngoài bán (gồm HPG, VNM, CTG, POW, VCB).

Trong top 5 này, nhóm tự doanh không tham gia đáng kể (chỉ mua ròng hơn 81 tỷ đồng), tổ chức trong nước thậm chí còn bán theo khối ngoại (bán ròng 400 tỷ đồng).

Bên cạnh việc cá nhân nội đỡ, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kỳ vọng vào thông tin tích cực, đó là việc "Fubon Vietnam ETF Fund" đã được chấp thuận huy động vốn, trở thành quỹ ETF đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) tập trung vào cổ phiếu trên HOSE.

Fubon Vietnam ETF Fund dự kiến sẽ huy động hơn 200 triệu USD trong đợt IPO, mục tiêu tăng quy mô lên 357 triệu USD trong vòng 6 tháng.

Đại diện quỹ tỏ ra kỳ vọng vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi, cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh xuất sắc...

So sánh các yếu tố cơ bản và vị thế giá cổ phiếu tại các nước Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đối rẻ, được nhiều tổ chức ngân hàng đầu tư quốc tế lớn khuyến nghị mua vào.

Bạch Mộc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên