MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán startup: Nên hay không?

13-03-2018 - 08:47 AM | Doanh nghiệp

Mua và bán startup không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam...

Bán lại toàn bộ hay bán một phần startup là quyết định được đưa ra sau những cuộc thương lượng không dễ dàng, tùy thuộc hoàn cảnh của từng startup và mục tiêu của nhà sáng lập khi xây dựng doanh nghiệp của mình.

Chia sẻ cảm nhận về việc bán startup, ông Lê Hoàng Nhật, CEO của Ami nói: "Theo mình hiểu thì bán startup thì là quá bán (51%) cổ phần. Đây là lựa chọn rất khó khăn vì bạn đánh đổi rất nhiều quyền quyết định cho startup của mình.

Tuỳ vào định hướng của cả đội sáng lập cho tương lai của startup. Nếu khoản đầu tư này giúp startup phát triển tiếp tầm nhìn và cộng hưởng trong hệ sinh thái của bên đầu tư và startup đang trong giai đoạn cần vốn lớn thì nên bán".

Liên tiếp các vụ mua lại

Ngay những tháng đầu năm 2018, cộng đồng khởi nghiệp đã đón nhận thông tin chính thức từ hai vụ mua lại startup của các ông chủ người Việt. Mới đây nhất, ngày 8/3, Appota - công ty trong lĩnh vực xây dựng các nền tảng công nghệ cho mobile thông báo đã hoàn tất thương vụ mua lại WiFi Chùa.

WiFi Chùa là ứng dụng tại Việt Nam trong việc cung cấp tiện ích truy cập các điểm wifi công cộng một cách dễ dàng thông qua việc chia sẻ mật khẩu.

Tính tới thời điểm hiện tại, sau 5 năm ra mắt, WiFi Chùa có 18 triệu người sử dụng với 2,4 triệu điểm truy cập trên cả nước.

Ông Đỗ Tuấn Anh, CEO Appota, cho biết: "Tại Việt Nam, việc truy cập các hệ thống wifi công cộng rất phổ biến. Song hành với xu thế này là tiềm năng to lớn trong việc phát triển các hệ sinh thái tiện ích liên kết với wifi để phục vụ người dùng.

Khi sáp nhập vào Appota, nhân sự của WiFi Chùa sẽ làm việc tại Appota. Họ đều là những nhà phát triển ứng dụng rất sáng tạo và tư duy sắc sảo. Chúng tôi tự tin có thể tạo ra nhiều tiện ích đột phá trong thời gian tới, đem lại nhiều giá trị cho người sử dụng Internet".

Trước đó một tháng, Nami - một startup ứng dụng công nghệ blockchain cho ngành tài chính - cũng đã chính thức công bố: Nami đã tiến hành bước cuối cùng trong thương vụ mua lại thương hiệu DropDeck và sẽ tiếp tục phát triển dự án DropDeck - phiên bản tập trung vào nền tảng đầu tư cho các startup trong hệ sinh thái của Nami.

"Về câu chuyện Nami và Dropdeck, thực sự là họ đã có lúc sở hữu lượng vốn hơn 4 triệu USD với gần 2.000 nhà đầu tư trên thế giới và Việt Nam. Nhưng do vấn đề tài chính và công nghệ họ đã bị mất nhân lực, niềm tin của nhà đầu tư đi xuống và gần như tất cả nhà đầu tư lúc đó đứng trước nguy cơ mất tiền", Giáp Văn Đại, CEO của Nami chia sẻ.

"Nami lúc đó đánh giá tầm ảnh hưởng của Dropdeck tại quốc tế là rất lớn, đặc biệt trong hình ảnh Dropdeck là một startup Việt nam đã từng nằm trong top các startup tiềm năng trong cộng đồng blockchain trên thế giới.

Vì vậy lúc đó Nami đã chủ động làm việc với Dropdeck để bàn việc mua lại Dropdeck để giúp nhà đầu tư của Dropdeck được phép chuyển lượng tài sản của họ sang Nami, giúp nhà đầu tư không bị mất tiền. Founder của Dropdeck về Nami làm việc".

Tùy thuộc mục tiêu và hoàn cảnh

Trước các vụ mua bán startup, có người thấy buồn và thất vọng song cũng có ý kiến cho rằng đó là bước đi đúng đắn để tối ưu hoá lợi ích hoặc tạo cơ hội cho "đứa con" của các nhà sáng lập được phát triển mạnh mẽ hơn.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Hải, CEO của Airlala nêu một số lựa chọn thông thường của các nhà sáng lập.

Trường hợp thứ nhất, các nhà sáng lập không bán và họ muốn tập trung xây dựng startup đấy thành một đế chế công nghệ, một tên tuổi lừng danh thế giới.

Họ sẽ cố gắng gọi vốn thông qua các quỹ đầu tư, để tìm đến đường IPO. Ví dụ ở đây sẽ là: Uber, Grab, SEA...

Thứ hai, cũng sẽ có trường hợp đam mê của founder sẽ khác biệt so với ngày đầu khởi nghiệp.

Ví dụ tiêu biểu là Jack Dorsey, một doanh nhân thành công ở Silicon Valley. Sau khi đồng sáng lập Twitter và phát triển startup này trong một thời gian dài, ông đã nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn khác là fintech. Jack hiện là sáng lập viên và là CEO của Square - một startup đã IPO thành công.

Thứ ba, startup sẽ được bán và founder sẽ tham gia vào công ty mua lại để phụ trách lại chính đứa con tinh thần của mình. Đây là một kiểu đứng trên vai người khổng lồ, và được góp phần chứng kiến "đưa đứa con tinh thần" của mình phát triển theo tầm vóc toàn cầu.

Sau khi thu lại được khoản tiền thoái vốn rất lớn, founder có thể sẽ không còn nhiều cổ phần. Những trường hợp tiêu biểu là: Tumblr bán lại cho Yahoo và đội ngũ sáng lập vẫn ở lại để phát triển Tumblr, Whatsapp bán lại cho Facebook.

Thứ tư, startup chấp nhận bán đội ngũ (acqui-hiring). Khởi nghiệp công nghệ chịu nhiều rủi ro từ nhiều yếu tố. Sẽ có nhiều trường hợp startup vẫn có thể "rút" (exit) toàn bộ đội ngũ dù sản phẩm hay dịch vụ thất bại. Giá trị chủ yếu lúc này nằm ở đội ngũ nhân lực hiện tại của startup.

Năm 2010, tại sự kiện Startup School ở Stanford, Mark Zuckerbeg từng chia sẻ: "Chúng tôi chưa một lần mua lại một công ty nào vì (toàn bộ tài sản) công ty đó. Chúng tôi mua công ty khác vì họ sở hữu những tài năng xuất chúng".

Ở Việt Nam, chúng ta cũng không ít lần chứng kiến một số thương vụ theo hình thức này. Hình thức này giúp các thành viên trong startup có ngay việc làm và các lời đề nghị hấp dẫn ở các tập đoàn có tên tuổi ngay khi startup phải đóng cửa.

Từ góc độ nhà sáng lập và cũng đã từng đi mua startup, ông Giáp Văn Đại, CEO của Nami nêu những điểm cần lưu ý khi quyết định bán startup.

"Cần rõ ràng mục đích mình bán startup với mục đích gì? Nếu là để có thêm nguồn vốn lớn hơn thì hãy tính toán số tiền tối thiểu mình cần và mức cổ phần tối thiểu mình sẵn sàng bán ra.

Nhưng cũng không nên bị mắc vào "bẫy sở hữu", muốn cầm càng nhiều cổ phần càng tốt, vì thực sự là giá trị của mỗi cổ phần bạn nắm giữ quan trọng hơn số lượng cổ phần bạn đang có", ông Đại nói.

"Còn nếu bán cổ phần để tìm cổ đông chiến lược hay nhân lực giỏi thì nên đánh giá chính xác năng lực của đối tác, có mức cam kết hiệu quả công việc rõ ràng, vì cổ phần rất khó để lấy về. Nhưng cũng không nên quá "hà tiện" số lượng cổ phần sẵn sàng cung cấp cho cofounder hay đối tác của mình vì nếu quá ít có thể không đủ để tăng động lực của họ".

Theo Lê Hường

Vneconomy

Trở lên trên