MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bàn tròn" bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời?

05-01-2022 - 10:52 AM | Sống

Điểm chung của những nhân vật xuất hiện trong bài viết này: Họ đều là những người đã mang tiền về cho mẹ.

“Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời” - bạn nghĩ gì về quan điểm này?

- Mỗi khoản tiền sẽ có một nhiệm vụ riêng mà mình không thể so sánh được.

- Ở góc độ tình cảm thì tất nhiên mang tiền về là mẹ vui rồi, cơ mà như vậy sẽ làm mất đi cơ hội sinh lời.

- Bản thân mình thấy tiền của mình đưa mẹ là để mẹ tiêu theo ý mẹ, không nên can thiệp. Còn đầu tư là việc của bản thân.

- Đem tiền về cho mẹ, chưa biết sinh lời gì nhưng trước mắt đã đem được giá trị tình cảm yêu thương và gắn kết, nâng cao tính trách nhiệm.

- Tiền đem về cho mẹ là tiền mình tặng, chứ không phải gửi rồi sau này lấy lại.

Đó lần lượt là quan điểm của Sophie, Hoàng Dương, Lê Nguyệt, Kim Anh và Mỹ Linh. Mỗi người họ đang sống ở những thành phố khác nhau, có hoàn cảnh gia đình khác nhau, làm những công việc khác nhau. Điểm chung duy nhất kết nối họ lại với nhau trong "bàn tròn" này có lẽ là tất cả đều đã từng MANG TIỀN VỀ CHO MẸ.

Mỗi người đưa ra một suy nghĩ về topic "Mang tiền về cho mẹ hay mang tiền đi đầu tư" . Tuy nhiên, chung quy lại ai cũng muốn tiền mang về nhà dù ít hay nhiều thì cũng nên là khoản tiền chất lượng. Để khi cầm trên tay số tiền đó, mẹ thêm an tâm và tin tưởng vì con đã có thể kiếm ra tiền để tự lo cho bản thân, có thể sống một mình vững vàng trên đời mà không cần đến sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình. Còn chuyện đầu tư ấy à? Có khối lúc để làm - có khối nơi để thử sức chứ đâu nhất thiết phải thử sức đầu tư bằng cách... gửi tiền đó về cho mẹ và tính toán nó SỐNG hay CHẾT?

"Nếu như ai đó nghĩ đưa tiền về cho mẹ là đầu tư thì cần phải nắm rõ đó là thương vụ gì?"

"Mỗi khoản tiền trên đời đều có một nhiệm vụ riêng nên chuyện quan trọng nhất là biết cách quản lý và lên kế hoạch cho từng khoản tiền của mình" - đó là quan điểm của Sophie Nguyễn .

Cô có thói quen chia tiền của mình ra từng khoản nhỏ: Đầu tư, tiết kiệm, học tập và khoản tiền cho từ thiện hoặc gửi về cho bố mẹ cũng nằm trong số ấy. Tất cả đều cùng "hoạt động" song song với nhau - bền bỉ và chắc chắn cho mục tiêu dài hạn - nên bản thân Sophie không hề phải cân nhắc hay vắt óc sẽ đong đếm xem nên bớt khoản nào để bù vào khoản nào cho... mau giàu.

"Tiền nào ra tiền đó, mình không thể đánh đồng vào việc mang tiền về cho mẹ là kiểu đầu tư không đúng, không sinh lời bởi vì vốn dĩ mục đích của nó không phải để đầu tư", cô nói.

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 2.

Sophie Nguyễn

Đồng ý với quan điểm của Sophie, Lê Kim Anh - chủ Mơ Concept phân định rạch ròi: "Tiền đem về cho mẹ không phải tiền đầu tư, nên mình cũng không mong các giá trị phát sinh. Nhưng gia đình mình êm ấm và hạnh phúc, thì bản thân mới có động lực và nền tảng để phát triển được".

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 3.

Lê Kim Anh - chủ Mơ Concept

Còn Lê Nguyệt, cô đã đặt 1 câu hỏi "vào việc" cho những ai đang còn lăn tăn về mục đích số tiền mang về cho mẹ.

"Nếu như ai đó nghĩ đưa tiền về cho mẹ là đầu tư thì cần phải nắm rõ đó là thương vụ gì, kế hoạch cụ thể ra sao, những ai góp vốn vào, tiềm năng phát triển ở mức nào… Mình cho rằng điều này chắc không phải mục đích khi đưa tiền cho mẹ phải không?".

Nguyệt cũng chốt luôn đáp án của mình: "Một khi đã đưa tiền cho mẹ là để mẹ tiêu theo ý mẹ, không nên can thiệp. Còn đầu tư là việc của bản thân mình, mình học đầu tư sao cho luôn có đủ tiền lo cho cha mẹ khi ốm đau, luôn có đủ tiền lo cho mọi việc khi bố mẹ không còn khả năng kiếm tiền nữa".

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 4.

Mỹ Linh cũng có cùng quan điểm với 3 cô gái phía trên, cô rất rõ ràng: Tiền mang về cho mẹ là tiền tặng mẹ - tiền đầu tư là tiền riêng, không nhập nhằng. Có thể tặng mẹ ít tiền thôi, để dành đầu tư, nhưng nhất định phải có và biếu xong rồi thì không lấy lại.

"Với mình thì đồng tiền đem về cho mẹ là đồng tiền vui vẻ, với mục đích giúp bố mẹ tận hưởng cuộc sống. Mình sẽ không gửi hết cho mẹ toàn bộ thu nhập của mình với mục đích là nhờ bố mẹ tiết kiệm hay đầu tư vì mình có thể tự quản lý tài chính cá nhân. Tiền đem về cho mẹ là tiền mình tặng, chứ không phải gửi rồi sau này lấy lại", Linh cho biết.

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 5.

"Thay vì chỉ gửi tiền thì hãy giúp bố mẹ học cách tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống"

Không hẹn mà gặp, những người con ngồi quanh "bàn tròn" bàn luận về topic này đều đi đến một thống nhất: Thay vì chỉ nghĩ tới số tiền đưa cho mẹ, hãy giúp mẹ học cách tận hưởng cuộc sống. Chung quy lại, tiền cũng chỉ là công cụ để sống hạnh phúc hơn mà thôi!

"Ông bà mình có câu 'Của cho không bằng cách cho', trải nghiệm sống của Sophie nhận thấy câu này rất đúng. Cái quan trọng là việc người khác cảm nhận tình cảm, sự chân thành của mình ở việc mình quý mến họ khi cho quà hoặc trong trường hợp ngày Tết thì là mừng tuổi.

Trong dịp năm mới sắp đến, Sophie sẽ chia khoản tiền Tết cho mẹ làm 2, một khoản sẽ mừng tuổi cho mẹ vào ngày đầu năm, một phần sẽ gửi mẹ trước để mẹ tùy ý sắm sửa trong dịp Tết.

Ngoài ra, Sophie sẽ hỏi mẹ các việc cần chuẩn bị/ chi tiêu cho gia đình trong dịp Tết và Sophie sẽ cân nhắc các khoản nào chi tiêu là cần thiết, khoản nào là không cần thiết, và thường là mình tự quyết định và hỗ trợ mẹ tài chính cho các khoản này. Nhưng mình sẽ cùng mẹ đi sắm tết. Đi mua sắm tết cùng mẹ cũng là cách làm mẹ vui đấy", Sophie chọn cách chia sẻ thời gian cùng mẹ bên cạnh biếu mẹ tiền. Cô nghĩ như vậy sẽ khiến mẹ hạnh phúc hơn gấp bội so với việc chỉ đưa cho mẹ 1 khoản tiền và cất kỹ nó vào góc tủ.

"Có thể chỉ đơn giản là mẹ thích cảm giác sung sướng khi nhìn đàn cháu xếp hàng nhận tiền mừng tuổi, mình biếu thêm để mẹ thoải mái phát cho bất cứ đứa nhóc nào tới thăm ông bà. Đôi khi tiền con cho, mẹ chẳng tiêu gì tới đâu, nhưng đi khắp nơi kể là Tết này được đứa này đem về cho chừng này chừng kia, với ánh mắt tự hào và niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt", Lê Nguyệt nói.

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 6.

Ừ ấy, người lớn, nhất là mẹ - lạ lắm. Đôi khi thể hiện rõ ràng rằng mình rất mê tiền nhưng mê để... cho ngược lại con cháu chứ chẳng giữ riêng mình làm gì cả.

"Mình nghĩ thay vì chỉ gửi tiền thì hãy giúp bố mẹ học cách tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống. Hãy chịu khó tìm hiểu sở thích của bố mẹ và tặng bố mẹ những món quà và trải nghiệm ý nghĩa.

Mình thường mời bố mẹ đi ăn, cà phê, mua sắm và nếu thấy bố mẹ có một nhu cầu nào đó như sửa sang nhà cửa, du lịch... thì mình cũng sẽ gửi tặng. Mình thường nói với bố mẹ là chỉ mong bố mẹ sống thật khỏe mạnh, vui vẻ, trải nghiệm hết mọi điều hằng mong và hãy tiêu hết tiền của bố mẹ luôn chứ mình không muốn bố mẹ để lại chút tài sản thừa kế nào cả.

Ngoài ra mình cũng chứng minh cho bố mẹ thấy là mình đã tự lập và có thể lo cho bố mẹ hơn để bố mẹ yên tâm đón nhận. Điều làm bố mẹ thật sự hạnh phúc không phải là bản thân số tiền, mà là được thấy con cái trưởng thành, tự lập, có lòng hiếu thảo và sẵn lòng chăm lo cho bố mẹ", Thuỳ Linh chia sẻ cách làm bố mẹ vui của mình, ngoài việc biếu tặng tiền bạc.

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 7.

"Điều làm bố mẹ thật sự hạnh phúc không phải là bản thân số tiền, mà là được thấy con cái trưởng thành, tự lập"

Kết lại câu chuyện, không quá nghiêng về việc mang tiền về cho mẹ hay mang tiền đi đầu tư, Nguyễn Hoàng Dương - Chuyên viên tư vấn đầu tư, chủ kênh TikTok Dương Lớ chứng khoán, chỉ đưa ra vài lời khuyên cho bạn trẻ còn đang lăn tăn là nên dùng tiền để đầu tư hay mang tiền về cho mẹ.

"Dòng tiền xoay vòng là dòng tiền sinh ra lợi nhuận tuy nhiên cũng sẽ phải xem xét chúng ta dùng dòng tiền đó đầu tư vào đâu, không phải lúc nào cũng có lãi như mọi người nghĩ.

Ví dụ khi chúng ta đầu tư cũng có rất nhiều loại hình và không phải loại hình nào cũng mang lại lãi suất giống nhau, có nhiều loại hình thậm chí còn lỗ. Ví dụ cầm tiền đi đầu tư vào chứng khoán mà không có kiến thức thì tỷ lệ lỗ rất cao.

Bàn tròn bàn chuyện: Tiền đem về cho mẹ là tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng không sinh lời? - Ảnh 8.

Nguyễn Hoàng Dương

Tóm lại, làm gì vẫn phải có kiến thức. Những hình thức đầu tư an toàn hơn bây giờ cũng có nhưng biên lợi nhuận thấp thế nên là cũng phải xét xem chúng ta có đủ tự tin và kiến thức khi cầm tiền đi đầu tư hay không".

Ảnh: NVCC

https://cafebiz.vn/ban-tron-ban-chuyen-tien-dem-ve-cho-me-la-tien-chet-no-khong-mat-di-nhung-cung-khong-sinh-loi-20220105084043155.chn

Theo ĐS

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên