Bán xong căn biệt thự, nhà đầu tư hoan hỉ lãi gấp đôi nhưng rồi nhanh chóng ôm hận "bán rẻ" khi giá tăng thêm cả chục tỷ
Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, giá nhà đất biệt thự, liền kề tăng chóng mặt, đặc biệt khu Đông và khu Tây Hà Nội đã khiến nhiều nhà đầu tư dù đã ôm lãi lớn nhưng vẫn tiếc đứt ruột khi tuột khỏi tay cả chục tỷ.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hoa một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở Hà Nội kể lại dù đã lãi cả chục tỷ nhưng chị vẫn bị mất 6 tỷ đầy tiếc nuối. "Cuối tháng 9/2015, chị Hoa mua 2 căn biệt thự tại khu Thảo Nguyên thuộc khu đô thị Ecopark với giá 4,5 tỷ mỗi căn. 2 năm sau đó vào tháng 6/ 2017, khi giá tăng gấp đôi tôi quyết định bán 1 căn với giá 9 tỷ, lãi gấp đôi so với thời điểm mua chỉ sau 2 năm", chị Hoa kể lại.
Căn biệt thự còn lại chị Hoa giữ lại cho thuê và thi thoảng sang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, sau 3 năm giữ lại căn biệt thự số 2 chị Hoa thấy nhu cầu sử dụng ít, tiền cho thuê không lãi lời là bao sau khi đã trừ đi các chi phí. Cho rằng giá biệt thự tại Ecopak đã chạm đến ngưỡng tăng kịch nên khi có khách trả 13 tỷ đúng thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, chị Hoa quyết định bán để lấy tiền đi đầu tư sản phẩm bất động sản khác.
"Tuy nhiên, ngay sau cú tất tay với mức lãi gấp 3 lần thời điểm mua, tôi ngỡ ngàng vì chỉ sau đó vài tháng giá bắt đầu tăng chóng mặt. 6 tháng sau căn biệt thự số này đã được nhà đầu tư khác sang tay với giá 18 tỷ. Mất 5 tỷ chỉ trong 6 tháng. Tôi tiếc đứt ruột gan", chị Hoa kể lại.
Tương tự như chị Hoa, anh T giám đốc một sản BĐS bất động sản lớn tại Hà Nội kể lại câu chuyện bán rẻ biệt thự triệu đô đầy nuối tiếc. Anh T kể lại năm 2019, thấy căn biệt thự hơn 200m tại Vinhomes The Harmony bán với giá chỉ gần 14 tỷ. Thấy giá hợp lý, anh mua với suy nghĩ để ở. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2021, khi có môi giới hỏi mua anh T thấy vui vì nghĩ mình vốn là giám đốc 1 sàn môi giới nay lại được các em môi giới gọi điện chào.
"Tôi buông lời đùa vui - "Em tìm được khách mua với giá 30 tỷ anh bán. Tôi không ngờ chỉ sau 1 tuần em môi giới gọi điện lại báo có khách muốn mua"- Anh T kể lại. Sau đó, thấy lãi gấp đôi anh T liền sang tên căn biệt thự. Tuy nhiên, đến hiện tại anh T cho biết căn biệt thự của anh hiện đang giao dịch với giá gần 50 tỷ, một mức giá có nằm trong mơ anh T cũng không bao giờ nghỉ đến dù đã làm trong nghề môi giới bất động sản suốt 20 năm nay.
Nếu câu chuyện của chị Hoa, anh T mua biệt thự dù bán rẻ vẫn có lãi gấp đôi lên cả chục tỷ thì chị Diệp lại có một kết cục buồn khi vừa sang tay bán căn biệt thự sau một thập kỷ đầu tư thì bị thiệt gần 6 tỷ. Năm 2009, chị Diệp mua căn biệt thự 210m2 tại khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Nam Anh Khánh) với giá 9 tỷ ở đỉnh của cơn sốt đất.
Đến năm 2010, cơn khủng hoảng bất động sản bắt đầu lan rộng, giá giảm sâu bằng 1/3 nhưng bán không có người mua. Chị Diệp giữ suốt 10 năm đến tháng 7/2020 thấy giá tăng lên mức gần 9 ttỷ, chị Diệp nghĩ đến câu chuyện thoát hàng, coi như là thoát khỏi vận đen suốt một thập kỷ.
Quyết định bán và sang tên cho khách, chị Diệp như trút được gánh nặng sau 10 năm nhưng không ngờ quyết định này lại khiến chị ôm hận suốt nhiều tháng trời. Chỉ 4 tháng sau khi chị bán, căn biệt thự của chị đã có giá thị trường lên đến 15 tỷ. "Tiếc đứt ruột gan, tôi giữ suốt 10 năm trời không được một đồng lãi đến khi vừa bán tất tay thì mất đúng 6 tỷ. Quả thực số tôi là số mất tiền" - Chị Diệp ngậm ngùi.
Trong cơn sốt đất biệt thự, liền kề tại Hà Nội vừa qua câu chuyện những nhà đầu tư, chủ biệt thự mất vài tỷ thậm chí cả chục tỷ chỉ sau vài tháng khi chuyển nhượng không phải là chuyện hiếm. Nhìn lại nhiều khu vực tại Hà Nội, giá đất đã cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ sau 1-2 năm và tăng gấp 4-5 lần chỉ trong 3-4 năm qua. Điều này cho thấy, dòng tiền của nhà đầu tư đang ưa chuộng phân khúc thấp tầng, biệt thự. Tuy nhiên, đến hiện tại giá tại nhiều khu vực đã tăng đến mức "giật mình" khiến nhiều người không khỏi nghi ngại về một đợt chững giá sẽ kéo dài trong vài năm tới đối với phân khúc thấp tầng.