Bằng cấp lởm khởm, bổ nhiệm thần tốc, sao gọi là nêu gương?
Trong khuôn khổ Hội nghị T.Ư 8, hôm nay các đại biểu cho ý kiến về quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên BCH T.Ư Đảng.
Trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt đối với cán bộ cấp cao là điều rất cần thiết, quan trọng. “Điều mà nhân dân đang mong chờ là những tấm gương thật và thực chất của cán bộ. Cán bộ chức vụ càng cao, tính gương mẫu càng phải cao”, ông Vân nói.
Viện dẫn câu nói quen thuộc, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đại biểu phân tích, nếu nước sơn hào nhoáng mà bên trong mục ruỗng thì đó không phải tấm gương tốt. Ngược lại, người cán bộ dù có thể mộc mạc, chân chất nhưng lại trở thành tấm gương sáng.
“Nói như thế để thấy rằng, chủ trương nêu gương của cán bộ, nhất là với cán bộ cấp cao là rất cần thiết, vì xã hội lúc này đang rất cần những tấm gương thật ở trên tất cả các lĩnh vực”, ông Vân bày tỏ.
Theo ông, tình trạng trên nói dưới không nghe, kéo bè kết cánh, tranh giành quyền lực, rồi tha hóa biến chất… đều xuất phát từ việc thiếu tấm gương của người đứng đầu. Tại phiên khai mạc Hội nghị T.Ư 8, Tổng Bí thư đã nói “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu”.
“Chính vì vậy, nếu không chỉnh đốn, làm gương thì sẽ nguy cho tính chính danh của đảng cầm quyền”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Theo ông Vân, tấm gương của cán bộ còn phải được thể hiện ở cả đạo đức, tác phong. Bởi nếu như tấm gương về năng lực trí tuệ, năng lực điều hành của người đứng đầu không nổi trội hơn cấp dưới thì sẽ không nhận được sự thán phục.
Còn tấm gương về đạo đức, thì trước tiên nói phải đi đôi với làm. “Anh nói trọng dụng nhân tài, nhưng cái tâm lại không thật, chỉ dùng người nịnh bợ, cánh hẩu, bổ nhiệm cất nhắc kiểu hậu duệ, đồ đệ, tiền tệ, còn trí tuệ thì làm ngơ… như vậy, làm sao có thể trở thành một tấm gương được?
Các cụ ta thường nói, 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã', một người trọng tiền, chiếm đoạt quyền lực để ban phát, đổi chác thì đương nhiên người kế tiếp cũng sẽ như vậy”, ông Vân nói.
Từ quan sát thực tế, theo đại biểu, không ít những cán bộ hiện nay còn thiếu tác phong chuẩn mực, đi muộn về sớm, mải mê giao lưu, bỏ bê công việc, hay giành công của cấp dưới, khi có sai phạm lại đổ hết lên đầu người khác, đó là một tấm gương rất xấu, rất tệ.
“Anh cứ rao giảng cho những người xung quanh, nhưng tạo ra những sân trước, sân sau. Năng lực không có gì, bằng cấp lởm khởm mà vẫn bổ nhiệm thần tốc, không đúng quy trình. Những người cán bộ như thế có thể gọi là tấm gương không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đặc biệt theo ông, vấn đề trách nhiệm nêu gương phải có tiêu chí, có định lượng cụ thể để khi nhìn vào đó người ta biết được anh có nêu gương thực sự hay không. Đồng thời, quy định về nêu gương cũng phải khơi dậy được lòng tự trọng của mỗi cán bộ.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức T.Ư), Quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên BCH T.Ư Đảng được chuẩn bị kỹ ngay từ đầu năm.
Các quy định này mang tính khuyến khích, răn đe và cảnh báo, còn các chế tài mang tính kỷ luật của Đảng và quy định pháp luật thì vẫn thực hiện như hiện hành. Cá nhân nào vi phạm thì đã có pháp luật điều chỉnh, còn chế tài của Quy định nêu gương là gắn với công tác kiểm điểm cá nhân hàng năm và bình xét thi đua.
“Quy định mới nhằm đề cao trách nhiệm nêu gương của uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban bí thư, uỷ viên T.Ư”, ông Sơn nhấn mạnh.
Quy định được soạn thảo ngắn gọn với 4 điều, trong đó nhấn mạnh tinh thần là đảng viên phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.
Tiền phong