Bảng chi tiêu của anh chàng 30 tuổi khiến ai xem cũng nể phục: Lương 40-50 triệu mà chỉ xài 8 triệu/tháng - Tiêu sao khéo vậy?
Anh chàng này có cách quản lý tài chính cực đáng nể!
Nhiều người lương cao nhưng không tiết kiệm nổi vì "lạm phát lối sống", thu nhập càng tăng thì nhu cầu về mức sống và chi tiêu cũng được nâng cao. Điều này khiến nhiều người rơi vào tình trạng lương luôn không đủ tiêu, xa hơn nữa là ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính lâu dài, thiếu hụt các khoản dự phòng rủi ro và không có tích luỹ cho tương lai.
Trái ngược với trường hợp trên, có những bạn trẻ có mức lương ổn nhưng luôn để ý đến tiết kiệm, khiến nhiều người nể phục. Anh chàng làm công việc Assistant Manager, 30 tuổi sau chính là ví dụ.
Cụ thể, mới đây, trong một hội nhóm về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, anh chàng chia sẻ kế hoạch chi tiêu hàng tháng với mức lương trung bình khoảng 40-50 triệu. Đáng nói, trung bình hàng tháng anh tiết kiệm được 30-40 triệu nhờ chỉ tiêu khoảng 8 triệu. Mọi ghi chép về thu - chi, biến động số dư của mức lương hàng tháng đều được anh chàng viết lại cụ thể theo từng ngày.
Dưới đây anh chàng đã lấy ví dụ về cách anh phân bổ mức lương và các khoản chi tiêu trong 1 tháng.
Chàng trai chia sẻ, khoản chi phí sinh hoạt dự tính của anh chàng là khoảng 8 triệu/tháng. Khoản chi này được phân thành 6 mục nhỏ như sau:
- Tiền ăn uống: 1,2 triệu
Tiền ăn sáng là khoản chi cố định. Về bữa trưa, có hôm anh mang cơm mẹ nấu nhưng cũng có hôm thì gọi đồ ăn bên ngoài.
- Tiền hẹn hò: 2 triệu
Khoản tiền bao gồm tiền đi chơi cùng bạn gái, tiền uống trà chiều cùng mọi người trong công ty. "Mình khá bận nên thi thoảng buổi tối đi uống nước, xem phim cùng nhau thôi ạ", anh chàng chia sẻ.
- Tiền mỹ phẩm và quần áo: 2 triệu
Anh chàng chia sẻ tiền này chủ yếu dùng để chi cho bạn gái.
- Tiền xăng xe, điện thoại: 700 ngàn.
- Tiền mua đồ lặt vặt, linh tinh: 2 triệu
Về tiền biếu bố mẹ thì anh dùng các khoản thưởng lễ và thưởng Tết để gửi phụ huynh. Mức lương ổn mà chỉ tiêu trung bình 8 triệu/tháng, anh chàng này quả thật "vén khéo" và sống có kỷ luật.
Đáng nể hơn, không chỉ biết cach quản lý tài chính tốt mà chàng trai còn quan tâm đến tài chính và sự nghiệp của bạn gái. Hiện bạn gái anh đang làm công việc hành chính nhân sự, nhận lương 8 triệu/tháng nên chàng trai dự tính chi tiền đầu tư để đối phương phát triển bản thân và có cơ hội tốt hơn. Anh chàng đang có 2 phương án là cho bạn gái vốn làm ăn, hoặc đầu tư cho bạn học tiếng Trung để gia tăng mức lương công sở.
Học được gì từ anh chàng này?
Nhìn vào cách quản lý tài chính của chàng trai, nhiều người nhận xét anh không chỉ chi tiêu tiết kiệm mà đáng nể hơn là chăm chỉ ghi chép từng khoản từ thu chi theo ngày, từ đó kiểm soát tốt dòng tiền ra - vào trong ví.
"Bạn có thể cho mình xin file chi tiêu để tham khảo không?", "Anh ơi cho em xin mẫu bảng chi với ạ", "Eo ơi. Nhìn bảng chi tiêu và cách viết thì thấy bạn là người rất có quy củ và kế hoạch rõ ràng", "Nhìn bảng này em thấy bác rất là chắc đấy",... l à những lời khen dành cho cách quản lý tài chính của chàng trai và bảng chi tiêu khéo léo của anh.
Với những ai đang muốn kiểm soát tài chính thì bảng chi tiêu là công cụ cần thiết để bạn nắm rõ các chi tiêu hàng tháng, biến động của tổng thu nhập. Dưới đây là một vài lợi ích của bảng chi tiêu cho những ai đang cân nhắc tìm hiểu chúng:
- Thứ nhất, bạn kiểm soát tài chính từ những đồng tiền nhỏ nhất
Việc ghi chép lại các khoản tiêu dùng sẽ giúp bạn nhận ra mình đang tiêu tiền cho món đồ nào. Thói quen này cũng giúp bạn phát hiện những khoản chi tiêu bốc đồng, từ đó lên kế hoạch loại bỏ chúng.
- Thứ hai, bạn bắt đầu đặt câu hỏi kỹ hơn trước khi mua hàng
Khi mua sắm món đồ mới, bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn nếu phải “chịu trách nhiệm" ghi lại khoản chi đó vào bảng chi tiêu. Bạn sẽ đặt câu hỏi: “Tôi mua món đồ đó có thật sự cần thiết?” Thực tế, có nhiều người cho hay họ tiết kiệm được nhiều tiền vì không muốn ghi chép quá nhiều khoản lãng phí trong bảng chi tiêu.
- Thứ ba, đánh giá tình trạng tài chính mỗi tháng
Vào cuối tháng, chỉ cần nhìn vào bảng chi tiêu là bạn đánh giá được bức tranh tài chính của mình. Bạn đã tiêu bao nhiêu tiền cho chi phí sinh hoạt trong tháng trước? Bạn có khoản tiêu xài nào bốc đồng không? Bạn còn bao nhiêu tiền tiết kiệm trong tài khoản?... Tất cả sẽ được giải đáp nếu bạn quan sát lại bảng chi tiêu.
Nhìn chung, bảng chi tiêu giúp bạn tiêu xài bớt hoang phí hơn, gia tăng tiết kiệm, trả hết nợ nhanh và tuân thủ kế hoạch tài chính đặt ra ban đầu.
Phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra mọi thứ một cách vật lý - như một cách thiền để xử lý và quan sát thói quen chi tiêu của bạn. Cũng dùng giống như thanh toán bằng tiền mặt sẽ tiết kiệm hơn hình thức chuyển khoản, bảng chi tiêu có thể giúp bạn kiểm soát tài chính tốt hơn nhật ký điện tử. Bởi lẽ chúng giúp bạn có nhận thức rõ ràng về mỗi lần tiền rời đi khỏi ví và cân nhắc xem khoản chi này có thực sự xứng đáng hay không.
Nhịp sống thị trường