Băng nhóm Đường "Nhuệ": Thu tiền hỏa táng và hứa làm từ thiện để không mang tiếng "ăn của người chết"
Quá trình hoạt động, nhiều cơ sở dịch vụ tang lễ xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Đường "Nhuệ" thấy mối làm ăn tốt liền đứng ra "bảo kê".
- 20-04-2020Vụ Đường 'Nhuệ' đánh người tại trụ sở công an: Phải làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan
- 18-04-2020Mở rộng điều tra án liên quan Đường 'Nhuệ': Không vùng cấm!
- 17-04-2020Ai bảo kê Đường 'Nhuệ'?
- 17-04-2020Nóng: Khởi tố, tạm giam 4 cán bộ cấp Sở ở Thái Bình tiếp tay cho Đường "Nhuệ", mở ra nhiều tình tình tiết mới
Xe đi hỏa táng ở Nam Định bị ép quay đầu sang Hải Phòng
Những năm gần đây, nhiều cơ sở làm dịch vụ tang lễ tự phát ở Thái Bình được thành lập mới, hoạt động tự do. Khi số lượng cơ sở phục vụ đông dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, đã có những va chạm, xô xát không đáng có.
Anh N. V. H. (một người dân sống tại thành phố Thái Bình) cho biết, khoảng năm 2017 có hai cơ sở làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn xảy ra mâu thuẫn tranh chấp. Một trong hai cơ sở đã nhờ Đường "Nhuệ" đứng ra can thiệp.
Từ vụ việc đó, thấy lĩnh vực hoạt động tang lễ trên địa bàn có sự cạnh tranh nên Đường đứng ra cho đàn em đàn áp các cơ sở dịch vụ, tìm mối liên hệ với đại diện doanh nghiệp sở hữu Đài hóa thân tỉnh Nam Định đề nghị hợp tác, cho hắn độc quyền đưa ca sang hỏa táng.
"Đã có trường hợp gia đình ở Thái Bình thuê một cơ sở làm dịch vụ tang lễ đưa người chết đi hỏa táng, khi xe di chuyển nửa đường sang đến đất Nam Định hoặc đến Đài hóa thân nhưng bị Đường "Nhuệ" cho đàn em chặn đầu xe ép quay lại, buộc phải đưa sang Hải Phòng", anh H. kể.
Ông Bùi Xuân Cao (56 tuổi, trú huyện Vũ Thư - chủ một cơ sở làm dịch vụ tang lễ) cho biết, cách đây 6 năm, ông sang Nam Định ký hợp đồng với công ty sở hữu Đài hóa thân hoàn vũ mà không thông qua đơn vị nào.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn bắt đầu cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến việc mâu thuẫn với nhau.
Phía Đài hóa thân hoàn vũ Nam Định có thời gian ủy quền cho Công ty Thành Phát sang tỉnh Thái Bình đặt một văn phòng để tuyên truyền, điều hành các cơ sở dịch vụ. Văn phòng này hoạt động trên địa bàn hơn một năm thì Đường "Nhuệ" đến chèn ép, buộc phải chuyển đi nơi khác để hắn làm chủ, độc quyền việc đưa người chết đi hỏa táng.
Đài hóa thân hoàn vũ Nam Định. Ảnh: Hoàng An.
Đường "Nhuệ" nói rằng thu 500.000/ca hỏa táng để trích ra... làm từ thiện
Sau khi đánh bật doanh nghiệp cũ đi, Đường cho thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình và gom tất cả các cơ sở dịch vụ tang lễ trong tỉnh này vào để quản lý.
Trong hội này, người của hắn sẽ quản lý số máy báo ca cần hỏa táng nhận từ các chủ cơ sở dịch vụ, rồi chuyển thông tin sang bên Đài hóa thân hoàn vũ.
Sau khi Đường "Nhuệ" bị bắt, ông Cao bị cơ quan công an mời lên đề nghị hợp tác khai báo về hoạt động thu chi tiền bạc trong suốt thời gian hắn làm "bảo kê".
Ông Cao thừa nhận việc Đường "Nhuệ" có thu số tiền 500.000 đồng/ca đưa người đi hỏa táng từ các cơ sở dịch vụ. Số tiền này tính vào chi phí do gia đình có người chết phải chịu bằng cách cơ sở dịch vụ tang lễ tăng giá các khoản khác để bù vào.
"Số tiền Đường thu được hàng tháng sẽ trích một phần nhỏ chi cho việc anh em họp hành, cafe, ăn uống. Số dư còn lại anh ấy bảo sẽ làm công tác từ thiện, bản thân anh Đường cũng từng nói với chúng tôi không muốn mang tiếng là ‘ăn của người chết’. Nhưng việc anh ấy đem tiền làm từ thiện hay không chúng tôi không bao giờ biết được đã làm như thế nào? ở đâu?", ông Cao thắc mắc.
Khi những chủ cơ sở dịch vụ như ông Cao đến nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng cho Hiệp hội tang lễ do Đường quản lý cũng chỉ thông báo qua miệng, chứ không có giấy tờ, biên lai. Trong khi đó, ông thống kê trung bình mỗi tháng tỉnh Thái Bình có khoảng 300 -350 ca người chết cần hỏa táng.
Nhịp sống việt