Bangkok đang chìm dần vào lòng biển cả, và đây là dự án vô cùng sáng tạo của người Thái giúp cho thủ đô thoát khỏi nạn úng ngập
Một tuyệt tác của thiết kế kiến trúc: vừa xanh, vừa đẹp lại vừa giúp cho những con phố Bangkok không còn úng ngập mùa mưa.
Sự kiện đội bóng gồm 12 em nhỏ và 1 huấn luyện viên kẹt trong hang tối suốt 18 ngày – kể từ khi vào hang cho tới khi em nhỏ cuối cùng thoát nạn, ta có thể thấy mùa mưa tại Thái Lan dữ dội tới nhường nào. Đội cứu hộ đã phải liên tục bơm nước ra khỏi hang, đồng thời cử thợ lặn lão luyện vào tận nơi đưa từng em nhỏ ra qua ba đợt giải cứu, kéo dài 3 ngày.
Ngoài việc thiếu không khí, khả năng nhiễm trùng cao, mạng sống đội bóng còn lâm tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc do Thái Lan đang trong mùa mưa, một lượng nước khổng lồ có thể từ trên cao dội xuống bất kì lúc nào. Đội cứu hộ đã phải liên tục bơm nước ra khỏi hang, đề phòng trường hợp xấu.
Các em nhỏ đã được cứu thoát, tai nạn đã qua khỏi nhưng mùa mưa thì vẫn còn đó. Ta nhìn vào thủ đô Bangkok làm ví dụ: hệ thống cống ngầm nơi đây có thể tràn nước, những con phố lớn có thể biến thành bể bơi chỉ sau vài giờ ngắn ngủi, người dân sẽ phải mang chậu ra để làm thuyền đi lại.
Và sự tệ hại chưa dừng lại tại đó, khi mà bản thân Bangkok đang chìm dần, với tốc độ 1 centimet mỗi năm. Ước tính vị trí Bangkok sẽ thấp hơn mực nước biển vào năm 2030.
Để ngăn chặn những cơn lũ trong tương lai gần, và ngăn việc cả thành phố sẽ chìm trong tương lai xa, chính quyền địa phương đề ra một loạt dự án cải thiện cơ sở hạ tầng. Họ nghĩ tới một phương án điều tiết nước mưa cho toàn bộ thành phố.
Một trong những dự án chống ngập lụt lớn nhất là Công viên Trăm năm Đại học Chulalongkorn, một khu vực công viên cây xanh rộng 44.500 m2 có thể chứa được tới 3,7 triệu lít nước mưa. Công ty kiến trúc Landprocess dựng lên công viên này để giải quyết nạn ngập lụt sau mưa của những khu vực kế cận. Nhà sáng lập Landprocess là Kotchakorn Voraakhom, người đã lớn lên ngay tại Bangkok này, là cá nhân đứng đầu dự án thiết kế.
Công viên nằm ngay trên khuôn viên trường Đại học Chulalongkorn, tổng giá trị đất của khu vực gần trung tâm Bangkok này là 700 triệu USD.
Công viên có những đặc điểm riêng biệt, độc đáo cho phép nó giữ và điều hướng được nước mưa để đường phố các khu vực lân cận không bị ngập. Dễ nhận thấy nhất là con dốc đưa nước chảy xuống một khu vực chứa khổng lồ.
Trên con dốc, nước sẽ chảy qua một khu vực đầm lầy nhân tạo, vào một bể thấm lớn.
Trong trường hợp nước quá nhiều, hồ giữ nước có thể mở rộng ra 2 lần, vươn ra thảm cỏ chính của khu công viên.
Cung đường ngoài cùng có hai làn riêng cho người đi bộ và người đi xe đạp.
"Công viên Trăm năm Chulalongkorn được thiết kế để mặt đối mặt với những thảm họa không tên của việc biến đổi khí hậu", ban quản lý công viên tuyên bố mạnh mẽ.
Thành phố Bangkok với tổng dân số hơn 20 triệu người vẫn phải đối mặt với mùa mưa, với nguy cơ toàn thành phố sẽ chìm xuống thấp hơn mực nước biển. Công viên Trăm năm sẽ là bước chân vững chãi đầu tiên của họ để cứu lấy thành phố và con dân sống trong đó khỏi thảm họa tới từ nước mưa.
Voraakhom, nhà sáng lập Landprocess, đang thiết kế và xây dựng một công viên lớn hơn nữa, cũng có chức năng lưu giữ nước lũ như Công viên Trăm năm. Nó sẽ nằm tại khuôn viên Trường Đại học Thammasat cũng ở Bangkok. Dự kiến, công viên chưa-có-tên-chính-thức này sẽ mở cửa đón khách và mở bể chứa đón nước mưa vào năm 2019.
Tham khảo Business Insider
Trí thức trẻ