Bank of America: Bất chấp sự khởi sắc trong nhiều phiên, "biểu đồ quan trọng nhất thế giới" đang cho thấy những dấu hiệu đáng báo động đối với thị trường chứng khoán
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện đang gần như đứng vững trên mốc an toàn, nhưng bài kiểm tra tiếp theo có thể cho thấy những rủi ro đối với thị trường chứng khoán.
- 11-09-2019Trong bối cảnh lãi suất thấp, đây sẽ là nhóm cổ phiếu tuyệt vời giúp thu về lợi suất cao
- 07-09-2019Trung Quốc đã hưởng lợi lớn từ thập kỷ lãi suất siêu thấp và đây mới là cách khôn ngoan để ông Trump có thể chiến thắng
- 15-08-2019Đây là diễn biến bất ngờ của thị trường sau khi đường cong lợi suất đảo ngược từ năm 1978 đến nay
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã kiểm nghiệm lại mức 1,5% vào cuối tháng 8 vừa qua và vượt qua mức đó vào đầu tháng 9, giao dịch quanh mức 1,8%.
Đó là lần thứ 3 cột mốc bị phá vỡ kể từ khi nước Mỹ trải qua quá trình phục hồi sau khủng hoảng tài chính từ giữa năm 2009, với lợi suất trái phiếu tăng mạnh mỗi năm. Điều này báo hiệu cho chuỗi tăng điểm dài nhất của thị trường trong lịch sử của Phố Wall.
Tuy nhiên, một thách thức khác xảy đến cũng có nghĩa là rủi ro đang dần xuất hiện, theo một phân tích của Michael Hartnett - chiến lược gia đầu tư trưởng tại Bank of America Merrill Lynch. Trong bài phân tích phát hành mỗi tuần về dòng chảy thị trường, Hartnett đã gọi diễn biến của lợi suất trái phiếu 10 năm trong thập kỷ qua, và đặc biệt là việc nó vẫn ổn định trên mức lợi suất 1,5%, là "biểu đồ quan trọng nhất trên thế giới."
Diễn biến của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong các năm qua.
Hartnett giải thích rằng thị trường chứng khoán đã và đang duy trì "mối quan hệ mật thiết" với lợi suất trái phiếu. Mối quan hệ đó có thể trở nên đáng ngại nếu trái phiếu chứng kiến một đợt tăng mạnh khác, ông dự kiến sự kiện này sẽ diễn ra vào năm 2020 và là thách thức đối với cổ phiếu cùng những loại tài sản rủi ro khác.
Ông nói: "Trong 10 năm qua, 'câu thần chú' đối với một thị trường có diễn biến ổn định vẫn là lợi suất giảm có nghĩa là chênh lệch tín dụng thấp và giá cổ phiếu tăng, lợi suất thấp đồng nghĩa khả năng suy thoái cũng thấp. Tuy nhiên, mốc 1,5% đối với lợi suất trái phiếu 10 năm không bị vượt qua vào năm 2012 và 2016 khi nỗi lo về suy thoái kinh tế tăng cao, tình trạng 'phá vỡ' mức đáy vào năm 2019 sẽ gây lo ngại về một cuộc suy thoái. 'Điểm bùng phát' sẽ gây ra sự ảnh hưởng có tính lan toả và thị trường chứng khoán sẽ lao dốc."
Thật vậy, nỗi lo về suy thoái đã tăng cao trong suốt mùa hè năm nay và đạt đỉnh khi lợi suất trái phiếu 2 năm vượt lợi suất 10 năm, gây ra tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược. Đây chính là chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái trong 50 năm qua.
Dẫu vậy, một loạt số liệu kinh tế tích cực đã được công bố, hy vọng về thoả thuận thương mại Mỹ - Trung được "thắp sáng" cùng động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giúp xu hướng của lợi suất trái phiếu thay đổi, cải thiện tình trạng đường cong lợi suất chênh lệch giữa trái phiếu 2 năm và 10 năm đảo ngược và cho thấy rằng mọi thứ có thể không tồi tệ như thị trường đã lo sợ.
Theo số liệu của BofAML, nhà đầu tư đã "chạy trốn" khỏi các quỹ trái phiếu kể từ khi lợi suất chạm đáy hồi đầu tháng này, với 6,1 tỷ USD "bốc hơi" chỉ trong tuần vừa rồi. Tình trạng này diễn ra khi mốc 1,5% được duy trì, cũng trùng khớp với thời điểm tâm lý thị trường đi lên.
Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư trưởng của Leuthold Group, cho hay: "Về mặt tâm lý, vấn đề đó thực sự lớn bởi thực tế là lợi suất trên toàn cầu đang ở mức âm. Nếu chúng ta phá vỡ mức thấp nhất của trái phiếu 10 năm, thì có thể mốc 1% cũng sẽ bị vượt qua. Điều đó có thể mang đến rủi ro rất cao trong bối cảnh tâm lý thị trường khá 'mong manh', khi hầu hết mọi người đều lo ngại về suy thoái."
Tuy nhiên, Robert Tipp, chiến lược gia đầu tư trưởng tại PGIM Fixed Income, lại có quan điểm lạc quan hơn: "Tình trạng bán tháo trái phiếu lại là một dấu hiệu khá tốt, bởi lợi suất của chúng ta đang cao so với phần còn lại của thế giới."