Báo Anh phân tích lợi thế của Việt Nam trong làn sóng đầu tư từ các công ty lớn
Các nhà cung cấp lớn của Apple, sản xuất các thiết bị như Apple Watches, MacBook… đang xây dựng các nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam và sẽ hút một lượng lớn lực lượng lao động.
- 29-09-2022'Câu lạc bộ thu ngân sách 50.000 tỷ' và những 'đại gia mới' sắp góp mặt
- 28-09-2022Địa phương sắp có thêm dự án cảng biển 2.100 tỷ đồng có tiềm năng gì?
- 27-09-2022Những tỉnh, thành liên tiếp thuộc top địa phương “đắt đỏ” nhất cả nước có thu nhập bao nhiêu?
Biểu tượng cho sự thành công khi mở cửa nền kinh tế
Tại nhà máy của công ty Hanpo Vina ở Bắc Ninh, ông Tô, chủ công ty, đứng giữa những hàng dài máy cỡ lớn làm việc hết công suất để cho ra những sản phẩm gia công nhựa theo đơn đặt hàng của Samsung và nhiều doanh nghiệp điện tử khác lân cận.
Ông tự hào cầm một ổ sạc điện thoại, dự kiến sẽ được xuất khẩu tới Brazil lên khoe với mọi người, và ở phía sau là dòng chữ in laser đại diện cho xu hướng toàn cầu hoá hiện nay: Fabricado no Vietname.
Dòng chữ mang ý nghĩa "Sản xuất tại Việt Nam" (Made in Vietnam) đã trở thành biểu tượng cho sự thành công của Việt Nam kể từ khi nền kinh tế mở cửa và tạo đà phát triển cho doanh nghiệp (DN) tư nhân vào những năm cuối 80.
Kể từ 2000, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn bất kì quốc gia châu Á nào, chỉ sau Trung Quốc, với mức 6,2% mỗi năm, qua đó thu hút nhiều DN nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với sự khởi đầu là các hãng sản xuất đồ may mặc như Nike và Adidas, sau đó là sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực sản xuất đồ điện tử với giá trị gia tăng cao, đòi hòi người lao động với tay nghề cao, và cùng với đó là mức lương tương xứng.
Năm 2020, các sản phẩm điện tử đã đóng góp tới 38% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng từ 14% vào 2010.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bắt đầu từ 2018, dẫn đến việc một số công ty nước ngoài chuyển dịch sản xuất là một trong những nguyên nhân. Năm 2019, Việt Nam sản xuất gần một nửa trong số 31 tỷ USD giá trị hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ do các công ty chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc tới các nước châu Á khác.
Các nhà cung cấp lớn của Apple, bao gồm Foxconn và Pegatron, sản xuất các thiết bị như Apple Watches, MacBook… đang xây dựng các nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam và dự kiến sẽ thu hút một lượng lớn lực lượng lao động. Nhiều cái tên lớn khác cũng đang chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, bao gồm Dell, HP, Google, hay Microsoft.
Tất cả những điều này sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam, và giúp hàng triệu người cải thiện cuộc sống. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập GDP đầu người sẽ sớm vượt 18.000 USD vào 2045, tăng đáng kể so với con số 2.800 USD hiện nay, và kì vọng việc chuyển dịch sản xuất từ hàng may mặc với giá trị gia tăng thấp lên sản phẩm công nghệ phức tạp sẽ giúp hiện thực hoá điều này.
Lợi thế của Việt Nam
Việt Nam hiện có nhiều lợi thế, bao gồm lực lượng nhân công trẻ với tay nghề cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, giúp tiếp cận nhiều thị trường lớn trên toàn cầu. Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng trong chính sách chống Covid-19 theo hướng linh hoạt hơn, và mở cửa biên giới hoàn toàn kể từ tháng 3.
Ngoài ra, quốc gia với gần 100 triệu dân cũng có lợi thế với 3.000 km đường bờ biển. Nhờ vào những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, các trung tâm sản xuất điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, 12 tiếng lái xe. "Bạn không phải chuyển dịch chuỗi cung ứng khi đầu tư vào Việt Nam", đại diện một đơn vị quản lý khu công nghiệp nói.
Những gì mà nhà máy Hanpo Vina của ông Tô đang làm cho thấy sự thành công của Việt Nam và cũng là những hạn chế còn tồn tại, khi đây chỉ là một trong số ít các công ty cung ứng sản phẩm cho các công ty đa quốc gia quy mô lớn.
Những sản phẩm nhựa mà công ty đang làm là một trong những cấu phần đơn giản nhất trong các mẫu điện thoại Samsung Galaxy. Ngoài ra, các hệ thống máy sản xuất đều được nhập từ Hàn Quốc. Đây mới chỉ là những công đoạn sản xuất nằm ở giá trị thấp trong chuỗi cung ứng, đồng nghĩa với nguồn lợi nhuận khiêm tốn.
Chính phủ đang thúc đẩy vai trò
Chính phủ đang thúc đẩy vai trò của mình. Tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với lãnh đạo nhiều nước Đông Nam Á tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden tại Washington. Thủ tướng sau đó cũng đã đến thăm trụ sở của Apple, Google và Intel tại Thung lũng Silicon.
Năm sau, Samsung sẽ mở một trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, đồng thời cũng cân nhắc khả năng thiết lập các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn tại đây.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực giáo dục tại cấp đại học, hay các chương trình dạy nghề. Michael Nguyen, Giám đốc Boeing tại Việt Nam, cho rằng các công ty đa quốc gia có thể làm việc chặt chẽ với các trường đại học nhằm điều chỉnh chương trình giảng dạy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.
Các khoản đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực, nhưng điều này sẽ mất thời gian. Nếu Việt Nam có thể tiếp bước thịnh vượng của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các khoản đầu tư lớn sẽ không chỉ tập trung trong lĩnh vực hạ tầng, mà còn cả con người, tờ báo Anh The Economist nhận định.
Tổ quốc