MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Anh: Việt Nam cùng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dần 'quay lưng' lại với than

Báo Anh: Việt Nam cùng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dần 'quay lưng' lại với than

Financial Times nhận định, chính sách tập trung vào năng lượng tái tạo của Việt Nam là một trong những công cuộc thay đổi chính sách rất quan trọng trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất khu vực châu Á.

Theo Financial Times (Anh), các khoản đầu tư mới vào điện than tại một số nền kinh tế đang phát triển của châu Á giảm đi đáng kể khi các chính phủ áp dụng các chính sách năng lượng sạch. Cụ thể, theo những thay đổi chính sách do các bộ năng lượng và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Indonesia, Philippines và Bangladesh, chỉ 25GW của các dự án điện than mới sẽ được phê duyệt giai đoạn lập kế hoạch trước khi xây dựng vào năm 2021.

Theo số liệu của Global Energy Monitor, đây là mức giảm 80% so với kế hoạch cách đây 5 năm (125GW). Xu hướng này cũng phù hợp với chính sách tại Ấn Độ, với kế hoạch các dự án than tại quốc gia này sẽ giảm từ 238GW vào năm 2015 xuống còn 30 GW vào năm 2021.

Tổ chức GEM (Global Empowerment Mission) cho hay: "Nhìn chung, việc cắt giảm là một đòn giáng mạnh vào ngành than châu Á".

Financial Times nhận định, một trong những thay đổi chính sách quan trọng nhất đó là chính sách tập trung năng lượng mới của Việt Nam, dự kiến triển khai vào đầu năm tới, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Á. Kế hoạch này nhằm hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam từ việc tập trung vào các nhà sản xuất điện than do nước ngoài tài trợ sang việc tập trung hướng tới khí đốt tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, tại Bangladesh, Thủ tướng đã phê duyệt chính sách loại bỏ tất cả các nhà máy than trong tương lai.

Báo Anh: Việt Nam cùng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dần quay lưng lại với than - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trong khi các động thái này đang thúc đẩy xu hướng chuyển đổi lâu dài từ nhiên liệu hóa thạch trong khu vực, thì trên thực tế, nhu cầu về sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực ngày càng tăng cao.

Trong những tháng gần đây, giá than nhiệt đã tăng đáng kể do nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cơ quan Năng lượng Quốc tế vừa qua cũng dự báo nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng lên vào năm 2021, khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng ở các khu vực của châu Á, giảm ở các khu vực khác trên thế giới.

Song, các nhà phân tích của GEM nhấn mạnh,các dự án than sắp tới sẽ phải đối mặt với tình trạng thu hút đầu tư "ngày càng thu hẹp".

Thực tế, các nguồn tài chính cho nhiệt điện than ở Việt Nam đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã đạt gần một nửa trong tổng các nguồn tài chính tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và Bangladesh kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp của 3 quốc gia này đang dần cắt giảm hợp tác với các dự án khai thác và điện sử dụng nhiều carbon.

Trong đó, tại Nhật Bản, hơn 16 ngân hàng đã có chính sách hạn chế hỗ trợ tài chính các dự án về than điện. 3 ngân hàng lớn nhất của Singapore cũng công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ các dự án điện than mới. Hai trong số những công ty lớn nhất của Hàn Quốc, tập đoàn bảo hiểm Samsung Life và Samsung Fire & Marine, cũng đưa ra cam kết tương tự.

Hà Trần/ Theo Financial Times

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên