MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo Đề án cao tốc Bắc - Nam tại kì họp Quốc hội sắp tới

Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành Đề án cao tốc Bắc - Nam, báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2017 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV.

Quan tâm đến quá trình đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương ngày 29/12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo quy hoạch các cảng hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cả nước có 28 cảng hàng không, với lưu lượng đến năm 2020 đạt khoảng 70 triệu khách.

Nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện nay vận tải hành khách bằng đường hàng không đã quá tải với khoảng 87 triệu khách năm 2016, dự kiến sẽ tăng 10-15% trong năm 2017. Đặc biệt, sân bay Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch thiết kế là 25 triệu khách/năm nhưng đến nay đã đạt 32 triệu khách.


Sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt quy hoạch thiết kế 7 triệu khách.(Ảnh minh họa: KT)

Sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt quy hoạch thiết kế 7 triệu khách.(Ảnh minh họa: KT)

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM sớm hoàn hành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo với Thủ tướng, từ đó có lộ trình thực hiện các dự án cụ thể, nhằm nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 40-50 triệu khách/năm.

"Muốn tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất phải tăng chỗ đỗ, tăng đường dẫn, đường lăn và tăng thêm 2 ga hành khách, tăng cường quản lý không lưu. Thực hiện những việc này cần dùng vốn ngoài nhà nước, không dùng vốn ngân sách”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ.

Đối với dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT sớm hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành cùng các dự án thành phần để báo cáo Quốc hội vào năm 2019.

Đối với lĩnh vực đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát kỹ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để nâng tốc độ chạy tàu lên như Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ướng và chiến lược phát triển của đường sắt Việt Nam.

“Việc này phải làm từ nay đến năm 2030, cùng với đường sắt tốc độ cao, chúng ta vẫn cần tuyến đường sắt hiện có để vận chuyển hàng hoá và hành khách. Vốn đầu tư cho việc này cần khoảng 1,7 tỷ USD khiến việc cân đối rất khó khăn nên kiến nghị Thủ tướng cho rà soát lại, đề nghị giai đoạn tới có thể giảm bớt vốn đầu tư của các công trình trọng điểm khác, vì nếu đầu tư lặt vặt rất tốn kém mà lại không hiệu quả”, Phó thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành đề án cao tốc Bắc - Nam, báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2017 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV. Bộ GTVT luôn chủ động các dự án, để khi Quốc hội thông qua sẽ thực hiện được ngay, nếu không đến năm 2020 sẽ không đạt được mục tiêu kết nối các tuyến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.


 Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc kết nối các tuyến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc kết nối các tuyến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Với đề nghị chủ đề của năm 2017 phải nhấn mạnh tinh thần "phát triển nhanh và bền vững", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch điện 7; tái cấu trúc lại các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp; lựa chọn các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển như ô tô, may mặc, da giày, đồ gia dụng, điện tử, xây dựng; đổi mới quan điểm về công nghiệp hỗ trợ đáp ứng thị trường trong nước, thị trường toàn cầu.

Bộ Công Thương cần mở rộng thị trường sản phẩm có lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là gạo, nông, thủy sản; rà soát lại các dự án đầu tư để điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, thua lỗ như vừa qua.

Tiến độ giải ngân vốn ODA rất chậm

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam với triển vọng tăng trưởng cao, xếp hạng tín nhiệm Moody’s tăng lên B+ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trong khi đầu tư toàn cầu giảm 10-15%. Thực tế trong năm 2016, việc huy động vốn ODA và vay ưu đãi của Việt Nam vẫn tăng 1,4 lần so với 2015.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh không hài lòng khi việc sử dụng và giải ngân nguồn vốn chưa thực sự hiệu quả. Tiến độ giải ngân vốn rất chậm, chỉ bằng 80% của năm 2015, với 9 bộ ngành, 26 tỉnh thành nhưng khối lượng giải ngân chỉ đạt dưới 50%.

“Điều này sẽ làm phí của các dự án tăng lên rất nhanh. Nguyên nhân chính do khó khăn giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng. Thời gian tới, nếu không sử dụng nhanh nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, Việt Nam sẽ mất đi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên