Báo cáo sơ bộ tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini
Sau vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Hà Nội), lực lượng chức năng đã kiểm tra 631 chung cư, 29.733 nhà trọ, 710 nhà ở nhiều căn hộ và 9.807 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
- 05-11-2023Bộ Xây dựng thanh tra “chung cư mini” tại Bình Dương
- 04-11-2023Ban quản lý chung cư khóa xe, phạt tiền người dân... có đúng quy định của pháp luật?
- 04-11-2023Bảo vệ quyền lợi người mua nhà chung cư
Kết quả kiểm tra, xử lý
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, trình bày kết quả thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC năm 2023.
Một trong những nội dung được đề cập tại báo cáo, đó là vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội khiến 56 người tử vong.
Báo cáo cho biết, sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (còn được gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Mục đích của việc rà soát, kiểm tra là để đánh giá thực trạng và xác định giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự.
Theo báo cáo sơ bộ, tính đến ngày 15/10/2023, toàn quốc có 4.717 nhà chung cư, 145.578 nhà trọ, 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 102.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ.
Trước khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.565 chung cư, 63.446 nhà trọ, 746 nhà ở nhiều căn hộ và 55.666 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 631 chung cư, 29.733 nhà trọ, 710 nhà ở nhiều căn hộ và 9.807 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử lý vi phạm 77 lượt đối với nhà chung cư, 2.498 lượt đối với nhà trọ, 74 lượt đối với nhà ở nhiều căn hộ, 312 lượt đối với nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Sáu nhóm vi phạm phổ biến
Kết quả kiểm tra, xử lý cho thấy có 6 nhóm vi phạm phổ biến. Trong đó, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đinh, chủ hộ kinh doanh và người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về PCCC.
Các lỗi về PCCC trong đầu tư xây dựng như: công trình được xây dựng hoặc cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng nhưng không có phép hoặc xây dựng sai so với giấy phép xây dựng; tổ chức thi công, đưa công trình vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của hạng mục, khu vực trong cơ sở nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Tiếp theo là vi phạm quy định về giao thông, nguồn nước chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy: không có đường giao thông, nguồn nước chữa cháy (trụ cấp nước chữa cháy đô thị, nguồn nước tự nhiên...) hoặc có nhưng không bảo đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận đến công trình để triển khai hoạt động chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC giữa các nhà.
Ngoài ra còn có vi phạm quy định về thoát nạn trong PCCC: thiếu lối thoát nạn hoặc làm mất tác dụng của lối thoát nạn; đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn chưa được lắp đặt đủ về số lượng, không đúng quy cách và nhiều đèn bị hư hỏng.
Hoặc vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng hệ thống điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; lắp đặt, quản lý, sử dụng điện, chống sét…
Đại đoàn kết