MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động 'lỗ hổng' dự trữ xăng dầu

Báo động 'lỗ hổng' dự trữ xăng dầu

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc khảo sát và làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiểm tra kho xăng dầu Nhà Bè TPHCM để nắm bắt tình hình thực tế về công tác dự trữ xăng dầu, bảo đảm nguồn cung.

Nhiều vấn đề về quản lý cũng đã được làm rõ khi các doanh nghiệp đầu mối lộ nhiều thông tin không xuất, nhập khẩu xăng dầu như quy định.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, trong 9 tháng của năm 2022, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn tập đoàn đạt hơn 8,06 triệu m3, đạt 104% tổng nguồn tối thiểu được giao. Lượng nhập khẩu của tập đoàn chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước.

Trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TPHCM ngày 10/10 tăng 72% so với ngày trước đó. Ở các địa phương, lượng bán cũng tăng rất mạnh như: Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 60%...

“Dù sản lượng nội địa tăng 20% so với cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% với cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của tập đoàn ước âm 780 tỷ đồng” - ông Thanh cho hay.

Về dự trữ, Petrolimex đang bảo quản khoảng 70% lượng xăng dầu dự trữ quốc gia tại 9 điểm kho của các công ty xăng dầu thành viên trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng thương mại của đơn vị do hệ thống bồn bể còn hạn chế.

Tại cuộc khảo sát, làm việc, để đảm bảo việc các đầu mối xăng dầu thực hiện đúng các nghĩa vụ trong việc nhập khẩu và bán xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 95, Chủ tịch Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương rà soát và quy hoạch lại số lượng các đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối. Làm như vậy để tăng khả năng kiểm soát của nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối.

Lãnh đạo Petrolimex cũng kiến nghị đẩy mạnh quản lý kinh doanh xăng dầu thông qua ứng dụng công nghệ thông tin từ các kho xăng dầu đến các cột bơm tại các cửa hàng xăng dầu một cách đồng bộ với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về dự trữ

Theo thông tin của của PV Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp đầu mối cạn tiền, không nhập khẩu theo quy định. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đang ở mức khá thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.

Báo động lỗ hổng dự trữ xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng dài chờ mua xăng tại cây xăng Petrolimex 185 Nguyễn Lương Bằng-Hà Nội chiều 21/10. Ảnh: Như Ý


Bộ Công Thương đánh giá, dù là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia nhưng việc tuân thủ duy trì lượng hàng dự trữ lưu thông theo quy định 20 ngày theo Nghị định 83 và Nghị định 95 của các doanh nghiệp đầu mối có nhiều thời điểm không theo quy định. Chính vì vậy, khi nhu cầu trên thị trường tăng đột biến, nguồn cung bị hạn chế lập tức ảnh hưởng đến cung ứng cho thị trường.

“Hiện doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí để thực hiện dự trữ nên khi giá tăng cao, doanh nghiệp chịu sức ép “chôn” tiền rất lớn cho việc dự trữ xăng dầu. Dù phải dự trữ nhưng trong giá bán xăng dầu hiện không được các cơ quan quản lý Nhà nước tính phần chi phí dự trữ này. Vì vậy, khi có biến động, doanh nghiệp phải giảm tối đa hàng lưu kho”, một chuyên gia ngành xăng dầu phân tích.

Một bản báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước đó cũng cho thấy, việc quản lý thị trường xăng dầu của Vụ Thị trường trong nước đang rất có vấn đề khi bỏ lọt hàng loạt đánh giá về an ninh năng lượng quốc gia đang bất ổn.

Bản báo cáo cũng cho thấy tình trạng nhập khẩu không đủ hạn mức phân giao, thậm chí không nhập khẩu mà vẫn không bị xử lý của một loạt doanh nghiệp như: Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Anh Phát Petro; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường An; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…ở những năm trước.

Theo báo cáo, lượng dự trữ xăng dầu bắt buộc thực tế tại một số doanh nghiệp qua kiểm tra chỉ đạt được vài ngày, thế nhưng không ai bị xử lý, doanh nghiệp không bị rút giấy phép dù đây là lỗi khá nặng.

Khá nhiều doanh nghiệp đầu mối có vi phạm nhưng việc kiểm tra, giám sát của Vụ Thị trường trong nước và các đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương không hề nêu tên hay công bố công khai vi phạm của các đầu mối xăng dầu.

Chỉ đến giữa năm 2022, khi 7 doanh nghiệp đầu mối bị Tổng cục Quản lý Thị trường vào kiểm tra quyết liệt và thực hiện thu hồi giấy phép thì nhiều góc khuất mới lộ ra.

Các kết luận kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp tên tuổi trong ngành xăng dầu như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Xuyên Việt Oil...có rất nhiều vi phạm, trong đó có cả việc thực hiện dự trữ và nhập khẩu xăng dầu theo quy định.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, cách đây ít ngày, Cục Hải quan TPHCM đã có bản báo cáo gửi Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập, tồn kho tại các tổng kho lớn như Tổng kho xăng dầu của hai đầu mối Petrolimex và PVOil tại Nhà Bè và Tổng kho xăng dầu VK102 Nhà Bè - Thanh Lễ, Kho Nhà máy lọc dầu Cát Lái, Kho xăng dầu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Kho nhiên liệu bay Tân Sơn Nhất….

Dữ liệu nêu trong bản báo cáo cho thấy, trong thời gian giám sát, một số doanh nghiệp đầu mối không hề có hoạt động nhập xăng dầu, một số tổng kho cũng hầu như không xuất xăng RON95, E5 RON92, dầu diesel.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên