Báo động mất cân đối thu - chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/6 là 582.100 tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách là 586.000 tỷ đồng.
- 15-06-2018Quốc hội: Không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của doanh nghiệp
- 12-06-2018Bội chi ngân sách ảnh hưởng nợ công, UBTV Quốc hội nói gì?
Mất cân đối thu chi
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 582.100 tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 462.700 tỷ đồng, bằng 42,1%; thu từ dầu thô 27.000 tỷ đồng, bằng 75,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 92.000 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 586.000 tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 416.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 71% tổng chi; chi trả nợ lãi 55.900 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng chi; riêng chi đầu tư phát triển mới chỉ bằng 27,8% dự toán năm tương ứng với 111.100 tỷ đồng (chiếm 18,9% tổng chi). Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, chi thường xuyên và chi trả nợ chiếm tới 80,5% tổng chi ngân sách.
Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm: Báo động mất cân đối thu chi (Ảnh minh họa: KT)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh ngân sách 6 tháng đầu năm nay khá “tối” khi tổng thu ngân sách thấp hơn tổng chi. Mặt khác, chi thường xuyên và trả nợ lãi tăng trong khi chi đầu tư lại giảm đáng kể so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 71% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư. |
Trong khi đó, theo dự toán chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%.
Về vấn đề chi cao hơn dự toán, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng đây là “vấn đề muôn thuở”. Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi đầu tư phát triển thường chậm do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.
“Bất kỳ đâu, nhu cầu cũng cao hơn khả năng, đây là bài toán muôn thuở. Vì vậy, cần xem xét nhu cầu, ưu tiên những vấn đề quan trọng, nguồn còn lại dành cho các bộ, địa phương...”, ông Võ Thành Hưng cho hay.
Người đứng đầu Vụ NSNN của Bộ Tài chính cũng thừa nhận trên thực tế vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, chi sai. Mà ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công.
“Chủ trương giao quyền tự chủ về mặt tài chính cho các cơ quan, đơn vị, một mặt tạo thuận lợi, nhưng mặt khác thanh kiểm tra chưa sát nên vi phạm vẫn xảy ra”, ông Hưng thừa nhận.
Nguy cơ bất ổn vĩ mô
Theo TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn điều hành kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản theo quản lý cầu, tức là kiểm soát tổng mức cầu trong nền kinh tế bằng cách sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hoặc các chính sách khác để giảm bớt những dao động trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, TS Trinh cho rằng, đã đến lúc nền kinh tế phải chuyển sang thực hiện các chính sách trọng cung, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu công, giảm các loại thuế phí, giảm tỉ trọng của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong cơ cấu nền kinh tế… Những chính sách này sẽ mang lại lợi ích lớn hơn so với quản lý cầu, vì giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại mà không đi kèm với lạm phát.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế (Ảnh: KT)
“Nếu tiếp tục chi thường xuyên cao thế này thì quá nguy hiểm, chưa kể trả nợ gốc nằm ngoài bảng cân đối thu chi ngân sách. Nếu tính cả trả nợ gốc thì sẽ là con số rất lớn”, TS Bùi Trinh nói.
Theo TS Bùi Trinh, hiện tổng chi NSNN/GDP có xu hướng giảm đi là do chi trả nợ gốc được tách ra khỏi bảng cân đối thu chi NSNN chứ không phải do tổng chi giảm đi.
“Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi trong khi nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển lại đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu chi thường xuyên vẫn giữ ở mức cao như vậy thì sẽ gây ra bất ổn vĩ mô và không còn tiền để đầu tư phát triển”, TS Bùi Trinh cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong điều hành là thu thường xuyên NSNN nói chung phải lớn hơn chi thường xuyên của NSNN để dành một phần thu thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.
“Nhà nước đi vay nợ chỉ nhằm cho chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên và đó chính là công cụ trái phiếu Chính phủ hay công trái. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thu thường xuyên chỉ đủ cho chi thường xuyên, thậm chí, có nhiều năm không đủ. Nếu giảm trừ thu từ dầu thô, thuế tài nguyên hay thu hồi vốn của DNNN thì thu thường xuyên không đủ chi thường xuyên, tức là nhà nước phải đi vay cho chi thường xuyên”, TS Phan Hữu Nghị chỉ rõ.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, quyết liệt thực hiện thoái vốn khỏi các DNNN. Bởi nếu không kiểm soát tốt được nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam có khả năng lún sâu vào nợ nần trước khi nền kinh tế kịp cất cánh./.
VOV