MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động: Một loại tài nguyên tưởng như vô tận có thể cạn kiệt vào năm 2050 - Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng

14-11-2023 - 10:35 AM | Thị trường

Nhu cầu quá cao về loại vật liệu này đã dẫn đến tình trạng khai thác trái phép, thậm chí thành lập băng đảng để tranh giành nhau khai thác tại Ấn Độ.

Báo động: Một loại tài nguyên tưởng như vô tận có thể cạn kiệt vào năm 2050 - Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng - Ảnh 1.

Nghe có vẻ không hợp lý khi nói rằng thế giới sẽ hết cát. Một năm, thế giới tiêu thụ khoảng 50 tỷ tấn cát. Nếu tính toán lượng cát tồn tại trên Trái Đất, chúng ta sẽ cần 360 triệu năm mới tiêu thụ hết.

Tuy nhiên, không phải tất cả cát được tạo ra như nhau. Phần lớn trong số đó không phù hợp cho mục đích công nghiệp như sản xuất bê tông hoặc các chất chống thấm trong các mỏ dầu khí bị nứt.

Hình dạng và tính đồng nhất của các hạt cát rất quan trọng trong một số ứng dụng nhất định. Chẳng hạn, việc dùng các khuôn đúc cát – để tạo ra các đồ vật bằng kim loại – cần hỗn hợp 3 loại cát khác nhau, mỗi loại có công thức hóa học khác nhau. Cát có độ tinh khiết đặc biệt cao thì được sử dụng trong sản xuất thủy tinh, tấm pin mặt trời và chip máy tính.

Cát sa mạc quá mịn và có hình dạng sai với hầu hết các mục đích sử dụng trong công nghiệp và tiêu dùng. Nó cũng không bao giờ được dùng để làm bê tông – vốn là công dụng chính của cất. Phần lớn loại cát tốt nhất đến từ các lòng sông nhưng việc khai thác cát lại tạo ra nhiều tác động phụ đến môi trường.

Từ năm 2019, BBC đã cảnh báo về tình trạng này. “Nhu cầu về vật liệu cát quá lớn đến nỗi trên khắp thế giới, lòng sông và bãi biển đang bị trọc trụi, đồng thời đất nông nghiệp và rừng bị phá bỏ để lấy những loại ngũ cốc quý giá”.

Trên thực tế, nhu cầu cát quá cao hiện nay là nguyên nhân gây ra nạn khai thác trái phép và bạo lực ở Ấn Độ - thứ người ta chỉ thường liên tưởng đến kim cương hay dầu mỏ, theo trang Nautilus.

Hiện tại, khoảng 60% lượng cát sử dụng trên toàn thế giới là ở Trung Quốc. Ước tính trong 3 năm, quốc gia này tiêu thụ nhiều cát hơn toàn bộ người Mỹ tiêu thụ trong cả thế kỷ XX.

Thậm chí, Nautilus đã đưa ra cảnh báo thế giới có thể sẽ hết cát phù hợp cho mục đích phát triển kinh tế vào năm 2050 . Dự báo này chưa được kiểm chứng nhưng nó cũng cho thấy một thực trạng khó tin về một nguồn tài nguyên mà đại đa số người dân đều cho là vô tận.

Tại Việt Nam, tình trạng thiếu cát xây dựng diễn ra phổ biến trong năm 2023, đặc biệt là các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 hay sân bay Long Thành ở khu vực miền Nam.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng trữ lượng các mỏ cát sông ttrong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 215,58 triệu m3, trong khi nhu cầu cát đáp nền cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là 17,07 triệu m3 và tổng nhu cầu cho các dự án đường cao tốc khu vực này cần triển khai đến năm 2025 là 53,69 triệu m3 – tương ứng 35% trữ lượng các mỏ quy hoạch.

Về lâu dài, để chủ động nguồn vật liệu thay thế cát sông, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng Cửu Long”.

Bộ Giao thông vận tải chủ động triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực này.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên