MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động phát triển nóng nhiệt điện than: Tưởng rẻ hóa đắt

Việt Nam có đi ngược xu hướng đoạn tuyệt với nhiệt điện than đang ngày một phổ biến trên thế giới?

Trái ngược với xu hướng đoạn tuyệt với nhiệt điện than đang ngày một gia tăng trên thế giới, Việt Nam tiếp tục mở rộng với kế hoạch đến năm 2030, tăng gấp hơn 3 lần con số 22 nhà máy như hiện nay. Vì sao lại như vậy và cái giá phải trả là gì?

Bất kể thế giới quay lưng, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiệt điện than vì lý do giá rẻ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ giá than, đầu tư cảng biển, đường giao thông, chi phí môi trường, sức khỏe người dân…, nhiệt điện than có thể là nguồn năng lượng đắt nhất.

Thế giới giảm, Việt Nam tăng

Trước áp lực ô nhiễm môi trường, giữa tháng 3 vừa qua, nhà máy nhiệt điện than cuối cùng tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã bị bấm nút dừng hoạt động. Trên thế giới, xu hướng đoạn tuyệt với năng lượng điện từ than đá cũng ngày một mạnh mẽ, đặc biệt tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada... Theo số liệu mới công bố, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện trên toàn cầu đã giảm gần một nửa trong năm 2016. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã giảm tới 40%. Thậm chí, nhiều nhận định cho rằng: Nhiệt điện than đã hết thời!

Tuy nhiên, tại Việt Nam, ông Phương Hoàng Kim, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương nhận định: Áp lực tăng trưởng điện trong giai đoạn 2016-2030, vẫn còn rất lớn. Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%/năm tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030 lần lượt là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Việt Nam hiện có 22 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm; lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự báo khi đó, lượng chất thải rắn tương ứng sẽ khoảng 30 triệu tấn tro than/năm. Để xử lý, Việt Nam sẽ cần tới 28.000ha đất cho bãi thải, tương ứng khoảng 39% diện tích của Singapore.

Trong khi đó, nói về tiềm năng các nguồn sản xuất điện, ông Kim nhận định: Nguồn thủy điện cơ bản đã được khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Về nguồn khí: Sau năm 2023 dự kiến sẽ nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) để bổ sung khí cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch khi khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh. Nguồn năng lượng tái tạo (gồm: Thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt khoảng 27.200 MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030...

Riêng về nguồn than, theo quy hoạch, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45-50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW với sản lượng điện trên dưới 88 tỷ kWh. Trên cơ sở cân đối nhu cầu điện và tiềm năng năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2016-2030, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, dự báo nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh.

“Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiếm 53,2% điện sản xuất”, ông Kim dẫn giải.


Nhà máy Nhiệt điện than Cẩm Phả đang hoạt động - Ảnh: Thu Hà

Nhà máy Nhiệt điện than Cẩm Phả đang hoạt động - Ảnh: Thu Hà

Rẻ vì chưa tính đủ chi phí

Theo chuyên gia kinh tế, sở dĩ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, bởi nguồn năng lượng này có giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Cụ thể, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, nhận định: Sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp, khoảng 7cent/kWh); vốn đầu tư không quá cao, khoảng 1.500 USD/kWh, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân. Ngoài ra, khả năng huy động công suất thủy điện than lớn có thể tới hơn 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt; không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, hay thời tiết như điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận nhiệt điện than có nhiều nhược điểm như: Dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất điện). Đây cũng là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí; chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; Chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ; nhu cầu nước làm mát rất lớn (khoảng 80m3/sec cho nhà máy công suất khoảng 1.200MW)… “Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, phân tích: Giá bán điện than ở Việt Nam rẻ là do nhiều yếu tố bao cấp. Giá than không theo giá thị trường mà chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Việc tính giá sản xuất từ nhiệt điện than cũng bỏ qua chi phí môi trường, sức khỏe người dân và tác động tiêu cực gián tiếp lên xã hội.

Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trợ giá cho các nhiên liệu hóa thạch đã chiếm 2,93 tỷ USD năm 2012, tương đương 2,8% GDP Việt Nam. “Không thể nói nhiệt điện than rẻ bởi nguồn điện này mới chỉ tính đầu vào. Đã đến lúc cần tính đúng, tính đủ cho giá điện than, bao gồm các chi phí về môi trường, sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng... Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than như cảng biển, đường giao thông… Nếu cộng tất cả các khoản trên, giá điện than chắc chắn sẽ là nguồn năng lượng đắt nhất”, ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, nếu đem so với suất đầu tư năng lượng tái tạo hiện nay, suất đầu tư nhiệt điện than tính đầy đủ sẽ cao gấp 2-3 lần, chưa kể rủi ro khác trong điều hành và an ninh hoạt động. “Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đều nhập thiết bị từ Trung Quốc bởi khá rẻ. Thậm chí có những nhà máy thuê người Trung Quốc sang để lắp đặt, vận hành, hình thành những làng công nhân Trung Quốc tại đây”, ông Tuấn dẫn giải.

Theo Hoàng Ngân

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên