MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động: Việt Nam đứng thứ 4 ở Châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc, 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn

22-11-2020 - 18:23 PM | Sống

Nghiên cứu cho thấy Việt Nam đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc tại châu Á - Thái Bình Dương và 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc mà không có hóa đơn.

Thông tin này được chia sẻ trong Hội thảo "Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc tại TP.HCM" diễn ra ngày 21/11.

Theo nghiên cứu từ năm 2008, tỉ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định về kê đơn kháng sinh và bán thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc Tây nhưng thuốc kháng sinh vẫn không được sử dụng theo đúng chỉ định.

Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, có đến hơn 50% thuốc sử dụng cho người là thuốc kháng sinh được bán tại các nhà thuốc.

1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý. Điều này xuất phát từ việc BV ở Việt Nam thiếu năng lực và thiếu nhân viên để phân lập và xác định nhạy cảm vi sinh.

Báo động: Việt Nam đứng thứ 4 ở Châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc, 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn - Ảnh 1.

Một nhà thuốc tại một BV ở TP.HCM.

Ngoài ra phần lớn người bệnh có tâm lý tự điều trị hoặc điều trị tại phòng mạch tư rẻ hơn điều trị tại hệ thống công. Đặc biệt, vấn đề nhức nhối bấy lâu nay là có đến 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM chia sẻ, tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội.

Kháng sinh dù có lợi ích to lớn trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhưng bị sử dụng rộng rãi, kéo dài và lạm dụng, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc.

"Ở Việt Nam, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.

Để làm chậm quá trình kháng thuốc ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung, chúng ta cần phải quản lý sử dụng kháng sinh trước khi không còn gì để quản lý" - TS.BS Châu cảnh báo.

Báo động: Việt Nam đứng thứ 4 ở Châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc, 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn - Ảnh 2.

BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi từng điều trị cho trường hợp phi công nhiễm COVID-19.

Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM dẫn chứng về trường hợp bệnh nhân số 91 nhiễm COVID-19 nặng nhất Việt Nam là phi công người Anh có những diễn biến phức tạp vì kháng thuốc.

Các thuốc kháng đông không đáp ứng với bệnh nhân, có lúc phổi chỉ còn 10%, bác sĩ phải sử dụng các loại kháng sinh đặc trị nhất nhưng vẫn không hiệu quả.

Cuối cùng phải sử dụng kháng sinh CR-Abaumannii (kháng sinh mạnh nhất) mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Theo dự đoán của các nhà khoa học, đến năm 2050 tỉ lệ tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể lên đến 10 triệu người/năm. Số lượng chủng kháng thuốc ngày càng tăng nhưng số lượng kháng sinh mới được nghiên cứu lại ngày càng giảm.

Tính đến năm 2010, từ 18 công ty sản xuất kháng sinh trước đây chỉ còn 4 công ty .

Trước tình hình đó, giới chuyên môn cho rằng phải đẩy mạnh các hoạt động phòng chống chống kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn và bán kháng sinh.

Báo động: Việt Nam đứng thứ 4 ở Châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc, 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn - Ảnh 3.

Người bán thuốc cần tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý....

Cụ thể đối với người bán thuốc sẽ tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý....

Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các nhà thuốc trên địa bàn để đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn. Ngoài ra, phải xây dựng và triển khai rộng rãi bộ câu hỏi phỏng vấn khách hàng và người bán thuốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định việc tăng cường sự hiểu biết để chung tay bảo toàn thuốc kháng sinh, sử dụng hợp lý là hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo Hoàng Lê - Ngọc Linh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên