Báo Đức: Kinh tế Đức dường như đã quá phụ thuộc vào TQ - "Chia tay" Bắc Kinh liệu có dễ dàng?
Hiện tại, các mối quan hệ với Trung Quốc đã trở thành vấn đề đối với chính phủ Đức, theo báo WELT.
- 22-05-2020Thái độ bất ngờ về Trung Quốc ở Đức: "Anh cả" Mỹ luôn được coi là điểm tựa, nay không cứu được chính mình
- 20-05-2020Covid-19 ở Đức: Sự chống phá của nhóm người 'bát nháo' và kết quả tất yếu của sự giãn cách
- 19-05-2020Việc Jeff Bezos có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD vấp phải chỉ trích dữ dội, bị Thượng nghị sĩ Mỹ gọi là "vô đạo đức"
Sự gắn bó về kinh tế giữa Đức và Trung Quốc ngày một mong manh hơn. Bản thân nền công nghiệp của Đức hiện nay cũng đòi hỏi cần phải tự tin hơn khi đối diện với Trung Quốc. Sau đây là bài phân tích (lược dịch) của báo WELT (Đức) về mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ Đức là chủ tịch Hội đồng EU thì theo kế hoạch sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh EU – Trung Quốc ở Leipzig vào trung tuần tháng 9, đây sẽ là một hoạt động quan trọng nhất. Xét cho cùng thì việc xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn Đức là chủ tịch Hội đồng là một nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên hôm thứ 5 tuần trước (4/6) cuộc gặp này đã bị hủy vì đại dịch COVID-19. Trong khi cuộc gặp này thực sự cần thiết.
Hiện tại, các mối quan hệ với Trung Quốc đã trở thành vấn đề đối với chính phủ Đức. Mỹ, quốc gia được coi là lãnh đạo của Liên minh phương Tây, được cho là đang ép các đối tác của mình giữ khoảng cách với Trung Quốc – nếu cần thiết thì họ chịu mọi phí tổn. Ngược lại, Trung Quốc cũng tung ra nhiều tiền để tăng cường ảnh hưởng ở Châu Âu, trong đó bao gồm ở Đức.
Và các tập đoàn của Đức đã đầu tư tiền tỷ vào Trung Quốc hiện đang lo lắng cho hoạt động kinh doanh của mình, nếu như chính phủ chấp nhận áp lực từ phía Mỹ. Họ đã cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp nếu Đức tách rời về kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
Volkswagen bán gần 50% số ô tô của mình vào thị trường Trung Quốc
Thực tế là: những con số về kinh tế dường như cho thấy các vị lãnh đạo tập đoàn có lý. Thí dụ tập đoàn Volkswagen cứ bán 2 chiếc xe ô tô thì gần như sẽ có một xe được bán vào thị trường Trung Quốc. Với khối lượng giao dịch hơn 200 tỷ Euro trong năm 2019 thì Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Một nghiên cứu của báo WELT AM SONNTAG (Thế giới Chủ nhật) mới đây cho thấy, người tiêu dùng Đức được hưởng lợi từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Với các doanh nghiệp Đức thì Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rất quan trọng. Gần đây Đức xuất khẩu sang Trung Quốc khối lượng hàng hóa trị giá 96 tỷ Euro. Theo ước đoán của Commerzbank thì các tập đoàn Dax 30 trong năm nay tạo ra 18 % doanh thu ở Trung Quốc. Với các doanh nghiệp niêm yết trong danh sách MDax thì con số này là 13 %.
Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Theo tính toán của Commerzbank, trong năm qua 4% giá trị gia tăng của Đức phụ thuộc hoàn toàn vào mức cầu của Trung Quốc. Cơ sở cho tính toán này là số hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc – đã khấu trừ số tiền sản phẩm mà bản thân Đức phải nhập khẩu.
Đồng thời, những hàng hóa và tiền sản phẩm tuy cung cấp cho các nước khác nhưng từ đó sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được tính đến. Tổ chức OECD đã có một công trình khảo sát lớn về mối quan hệ này. "4% nghe có vẻ ít, nhưng thật ra rất lớn", ông Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng của Viện Frankfurt nói. Con số này tương đương 123 tỷ Euro. "Do đó, giờ đây Trung Quốc cũng quan trọng như Mỹ - đối tác thương mại truyền thống của Đức".
Nước Đức không nhất thiết phải cam chịu tất cả
Một số người lo sợ thế giới này sẽ sụp đổ, nếu như người ta phải tách khỏi Trung Quốc – một số thì cho rằng, nên giữ khoảng cách lớn hơn, tuy đau đớn, nhưng đó là điều có thể làm được. "Đối với nước Đức, Trung Quốc quan trọng – nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải cam chịu tất cả", ông Jürgen Matthes thuộc Viện Kinh tế Đức ở Köln (IW) nói.
Cụ thể, các việc làm của Đức ít lệ thuộc vào Bắc Kinh hơn là những gì giới kinh tế thường nói. Tuy nhiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) lại phản đối nhận định này, và cho biết có hơn 800.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc.
Sự thật là: Trung Quốc – chứ không phải nước Đức – được hưởng lợi từ các hoạt động của các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc: "Khi một tập đoàn ở Trung Quốc sản xuất và bán sản phẩm, thì hầu như không có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của Đức", Gabriel Felbermayr, chủ tịch Viện Kinh tế thế giới ở Kiel đã nói. "Qua đó không tạo thêm việc làm ở Đức và khoản thu từ thuế cũng rất hạn chế".
Ngay cả các nguyên liệu sản xuất cũng hầu như không được làm tại Đức, mà được sản xuất ở Trung Quốc. Nếu như sản xuất của Đức rút ra khỏi Trung Quốc thì các tập đoàn lớn chịu thiệt hại nặng nề nhất, kinh tế gia này nói. Và cả Trung Quốc cũng chịu thiệt.
Phải chăng thời đại huy hoàng nhất đã qua từ lâu rồi? "Đành rằng các doanh nghiệp Đức thu được nhiều tiền ở Trung Quốc", nhà kinh tế học Felbermayr nói, "Tỷ suất lợi nhuận từ lâu không còn được như trước đây."
Các doanh nghiệp như hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas tuy vẫn tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc , tuy nhiên chi phí về lương, về tiếp thị tăng mạnh so với trước đây. Vì thế số tiền đổ vào Đức cũng giảm vì chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc phải tăng cường đầu tư vào khâu nghiên cứu.
Trong năm 2018, người Đức đã đầu tư vào các địa bàn mới ở Trung Quốc trên 90 tỷ Euro. Cách đây ít tuần hãng Volkswagen cho hay hãng này đã đầu tư hai tỷ Euro vào ô tô điện ở Trung Quốc. Hiện có 5.200 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức thì các doanh nghiệp này tạo ra 1,1 triệu việc làm ở Trung Quốc.
Người nước ngoài ở Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn lập doanh nghiệp ở Trung Quốc nếu không liên doanh với họ. Và khi có sự liên doanh thì luôn xảy ra chuyển giao công nghệ từ Tây sang Đông. Người Trung Quốc lấy tri thức mà họ cần từ liên doanh, đại diện giới kinh tế Đức thường xuyên đề cập đến vấn đề này.
Giờ đây ở một số công nghệ Trung Quốc đã đi trước một bước. Trong các lĩnh vực như công nghệ pin dành cho ô tô điện, lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo và tiêu chuẩn mạng 5G họ đã đứng đầu thế giới. Felbermayr coi đây là một nguy cơ ngày một lớn đối với Đức : "Sự thật là chúng ta bị phụ thuộc vào Trung Quốc", ông này nói. "Điều này khá rủi ro."
Đã nhiều lần đại diện Mỹ yêu cầu phía Đức không tiếp nhận tiêu chuẩn mạng 5G của tập đoàn Huawei. Ảnh minh họa
Tách khỏi Trung Quốc là điều không tưởng
Người Đức đang có những bước đi vững chắc trong mối quan hệ với Trung Quốc: "Trong việc hợp tác với Trung Quốc chúng ta không được phép ngây thơ. Chúng ta phải chủ động đấu tranh vì những lợi ích đối với bản thân mình.", ông Dieter Kempf, chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp đã nói với tờ WELT.
Vị này cũng đã nói về những rào chắn cao đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Ông cho hay, người Trung Quốc đầu tư nhiều nhưng hiếm khi vào lĩnh vực công nghệ cao.:"Hầu như không có nước nào thu được nhiều lợi từ quan hệ kinh tế quốc tế như nước Đức."
Mặt khác, đại dịch COVID-19 đã cho ta thấy sự phụ thuộc to lớn vào các chuỗi cung ứng quốc tế: "Để hạn chế sự phụ thuộc này, mà không để mất các lợi ích đối với toàn cầu hóa nền kinh tế, đó là nhiệm vụ của các doanh nghiệp", ông Kempf nói.
Tuy nhiên, về tổng thể, Đức không được phép để chệch hướng. "Trung Quốc có thể là một đối thủ cạnh tranh, nhưng họ vẫn là một đối tác quan trọng đối với EU và với nước Đức." Việc Đức bắt buộc phải tách rời hoàn toàn với Trung Quốc là điều không thể tưởng tượng nổi. Điều đó gây tổn thất to lớn đối với nền kinh tế, ông Kempf cảnh báo. "Về điều này chưa có ai suy nghĩ thật thấu đáo.", ông này nói.
Điều gì sẽ xảy ra khi các nước khác, ví dụ như Mỹ nhìn nhận vấn đề theo cách khác, thậm chí muốn tách khỏi Trung Quốc hoàn toàn? Khi nước đó ép các đối tác của mình cũng phải từ bỏ quan hệ làm ăn với Bắc kinh? Đây là điều không thể loại trừ: Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa có thể chấm dứt mọi quan hệ với Trung Quốc. Những gì mà Tổng thống Mỹ phát biểu, các nhà lãnh đạo các tập đoàn Đức lại cho rằng điều đó là quá cực đoan, trong khi tại nước Mỹ, điều này không gây nhiều tranh cãi.
Một bộ phận trong giới tinh hoa về chính trị ở Mỹ không còn coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh mà là kẻ đối địch chiến lược. Đã nhiều lần đại diện Mỹ yêu cầu phía Đức không tiếp nhận tiêu chuẩn mạng 5G của tập đoàn Huawei. Tuy nhiên từ lâu áp lực đã vượt ra khỏi một vụ việc cụ thể. Không loại trừ khả năng đến một ngày nào đó người Đức và Châu Âu buộc phải cân nhắc chọn giữa một trong hai siêu cường để làm ăn.
Tổ Quốc