‘Bão giá biến thịt heo thành đặc sản, đắt hơn thịt bò’
“Đại gia chăn nuôi cũng không thể tích trữ heo để làm giá vì bản thân họ cũng phải bán tháo chạy dịch bệnh” - ông “vua nuôi heo” Phạm Đức Bình chia sẻ.
Chấp nhận sống chung với dịch tả heo châu Phi, khó có khả năng tái đàn như trước nên thịt heo sẽ có xu hướng tăng giá mạnh và trở thành đặc sản … Đây là những nhận định của ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Dịch bệnh quét sạch nhiều trang trại
. Phóng viên: Dường như các con số thống kê về số lượng thiếu hụt heo trên thị trường không đầy đủ và chênh lệch nhau rất lớn. Vậy dưới góc nhìn của ông, khả năng thiệt hại đàn heo cả nước nằm ở khoảng nào?
+ Ông Phạm Đức Bình: Tôi có thể nói các con số thống kê về thiệt hại đàn heo cả nước chỉ mang tính chất tương đối. Tại sao tôi nói điều này? Vì trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi, chỉ những ai kê khai và nằm trong diện được hỗ trợ thì cơ quan quản lý nhà nước mới nắm được số liệu.
Nhưng rất nhiều người dân nuôi 2-3 con heo mà chết vì dịch, họ tự mang đi chôn. Các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có heo chết vì dịch bệnh này có xu hướng không để ai biết do họ không được hưởng cơ chế đền bù. Con số thống kê không chính xác là vì vậy. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, ước lượng con số thiệt hại thấp nhất là 50% sản lượng heo trên toàn quốc.
. Tại sao chuyện tái đàn heo lại khó khăn đến như vậy?
+ Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa biết chính xác cơ chế lây lan. Nhiều trang trại nuôi heo có đến năm lớp bảo vệ, từ thay đồ, tắm cho đến cách ly 48 tiếng đồng hồ mới được vào trại chăn nuôi heo và ở trong đó cả tháng nhưng dịch bệnh vẫn quét sạch các trại này. Đó là dẫn chứng không ai có thể xác định chính xác đường truyền lây lan đến từ đâu.
Mặt khác, hiện cũng không có vaccine ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi. Kết hợp hai yếu tố này, tức khi không biết cơ chế lây lan dịch bệnh và không có thuốc chặn đứng dịch, thì chẳng ai dám nuôi. Nên việc tái đàn để có nguồn cung như trước sẽ rất khó.
Ông Phạm Đức Bình : “Nếu thịt heo giá quá đắt thì mọi người sẽ phải ăn ít thịt heo lại và chuyển sang các loại thực phẩm khác”. Ảnh: QUANG HUY
Thiếu thịt heo nghiêm trọng
. Giá thịt heo hơi đã tiệm cận mức 80.000 đồng/kg và thịt heo bán lẻ có loại nhảy lên 200.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Ông có cho rằng thị trường thịt heo hiện đang nguy cấp?
+ Đúng là hiện nay đang thiếu thịt heo nghiêm trọng. Nhưng tôi cũng nói thêm Việt Nam không thiếu thịt. Chúng ta định nghĩa thịt là đạm (protein). Vậy đâu có thiếu thịt, chỉ là thiếu thịt heo nhưng vẫn còn thịt gà, thịt vịt, thịt bò...
Chúng ta cứ tập trung vào thịt heo là do cơ cấu tiêu dùng thích ăn thịt heo, mặt khác cũng do ngày xưa đói nghèo nên xem miếng thịt heo là trên hết. Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng này vì thịt heo chiếm hơn 60% trên bàn ăn.
Nhân cơ hội này, có lẽ chúng ta nên nghĩ đến chuyển sang tiêu dùng nhiều hơn các loại thịt khác như gà chẳng hạn. Thực tế, sản xuất và kinh doanh con gà dễ hơn rất nhiều so với con heo. Vì việc nuôi, quản lý, sản xuất, chế biến con gà nhanh và rất ít phụ phẩm, chưa kể thịt gà tốt cho sức khỏe.
. Có ý kiến cho rằng có những doanh nghiệp FDI và thương lái đang thao túng thị trường thịt heo, đẩy giá lên cao chót vót?
+ Tôi dám khẳng định doanh nghiệp FDI hay thương lái không thể thao túng thị trường. Vì theo tôi được biết, chính các doanh nghiệp này cũng đang chịu dịch bệnh và thiệt hại nặng nề. Bạn cứ nhìn ra thị trường đi, vẫn có những con heo trọng lượng 30-40 kg bán đầy ở các chợ mà lẽ ra phải nuôi lớn hơn bán kiếm lợi. Đơn giản là những trại lớn bán để chạy dịch. Giờ cũng chỉ còn trại đầu tư bài bản còn heo, chứ các trang trại nhỏ, hộ gia đình heo đã chết sạch rồi.
Điều đó cho thấy đại gia không thể tích trữ làm giá vì bản thân họ cũng phải bán tháo chạy dịch bệnh. Với thương lái, một nguyên tắc là có thể kiếm lợi vào lúc giá rẻ nhưng nay thịt heo lên cơn sốt thì thương lái chỉ kinh doanh từ hòa vốn đến lỗ.
Nên học mô hình chăn nuôi Đan Mạch
. Liệu có tia sáng nào cho ngành heo trong lúc khó khăn như hiện nay?
+ Chúng ta đã nhìn thấy chuyện thiệt hại nhưng mặt tích cực ở đây chính là qua dịch bệnh này đã dẹp được phần nào chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Và các trang trại lớn chắc chắn phải đầu tư nghiêm túc cho việc chăn nuôi truy xuất nguồn gốc.
Chúng ta cũng cần phải khẳng định là phải sống chung với dịch và xem chăn nuôi heo là một ngành chăn nuôi đặc sản. Người nuôi chấp nhận nuôi năm ăn năm thua, nghĩa là nuôi thành công sẽ thắng lớn nhưng dính dịch bệnh phải chịu thiệt hại.
. Vậy theo ông, hiện nay nên nuôi heo thế nào để đảm bảo phòng tránh dịch bệnh?
+ Thật ra câu chuyện này tôi đã đề xuất trước đây, đó là có thể học theo mô hình Đan Mạch hình thành các trang trại công nghiệp nhưng mang tính hộ gia đình.
Các trang trại này bình quân nuôi 60 nái với tổng đàn là 1.200 con, tối đa là 120 nái với tổng đàn khoảng 2.000 con. Người nuôi là mối quan hệ gia đình nên họ có khuynh hướng đảm bảo không ăn uống hay làm gì đó mang mầm bệnh về trang trại của họ. Cách nuôi này giống như từng môđun, một dạng xé nhỏ, tránh rủi ro trước dịch bệnh.
Lạm dụng từ “sạch” Chúng ta đang lạm dụng từ “sạch” trong thịt heo. Để thực sự sạch và an toàn phải là một chuỗi khép kín. Có nghĩa là thức ăn chăn nuôi không có chất cấm, người nuôi heo không sử dụng kháng sinh; nhà máy giết mổ phải đúng quy trình, quy chuẩn, miếng thịt mang ra bán đến tay người tiêu dùng không được nhiễm vi sinh... Ông PHẠM ĐỨC BÌNH |
Trong khi đó, tại Việt Nam có những nơi nuôi trong một trang trại tập trung khổng lồ mà khi dịch bệnh là chết sạch. Tôi biết trong cơn dịch tả heo châu Phi, có trang trại chết một lúc 20.000 con.
Tôi nghĩ cơ quan quản lý cũng nên xem đây là cơ hội để điều chỉnh lại chính sách chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi dàn đều cho các loại khác (bò, gà, vịt…), chứ đừng cố gắng trấn an là thị trường không thiếu thịt heo hay giá đắt là do thương lái thổi giá.
. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo an toàn tại Công ty Thanh Bình?
+ Chúng tôi đang nỗ lực hướng đến nuôi heo an toàn. Có nghĩa là nuôi theo quy trình detox, nói nôm na là thanh lọc cơ thể. Con heo vẫn nuôi bình thường và trước khi mổ 15 ngày, tôi cho ăn một loại lúa mì ép đùn trộn với các loại thảo dược như tiêu, quế, tỏi… Từ đó giúp heo kháng bệnh, thịt không còn tồn dư kháng sinh, thịt chắc ráo, vị thơm.
. Xin cám ơn ông.
Ăn nhiều thịt heo ngày tết "xưa rồi Diễm"
. Liệu rằng đến tết, các TP lớn có thiếu thịt heo khi mới đây cơ quan quản lý nhà nước dự báo thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo cho tiêu dùng cuối năm?
+ Tôi đảm bảo tết không thiếu nhiều đâu. Vì người dân đã đổ về quê ăn tết, các bếp ăn tập thể, trường học tiêu thụ thịt heo nhiều nhất thì đóng cửa, mà bản thân các đơn vị này cũng đã chuyển sang sử dụng thịt heo đông lạnh nhiều rồi.
Do đó nguồn cung heo có thể giảm nhưng cầu không lớn đến mức gây khủng hoảng thị trường. Hơn nữa, xu hướng người dân ăn tết chọn các thực phẩm cao cấp, thịt heo chỉ là thêm phần phụ họa.
Nuôi heo theo hướng an toàn sẽ giảm được nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: PM
. Nhưng sau tết thì sự lạc quan này có lẽ không còn nữa vì người dân vẫn không dám nuôi heo?
+ Chúng ta phải tôn trọng cơ chế thị trường do cung-cầu quyết định thôi. Thịt heo sẽ đắt ngang thịt bò và có thể đắt hơn. Lúc này thì người tiêu dùng phải điều chỉnh, đắt quá thì giảm ăn thịt heo nóng (sử dụng ngay sau giết mổ) và chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh. Mà tôi nghĩ thiếu thịt heo hiện nay cũng là cứu những người chăn nuôi gà, vịt đang thua lỗ.
. Như vậy, có thể hiểu trong thời gian tới người dân phải ăn thịt đông lạnh?
+ Tôi nghĩ ăn thịt đông lạnh có nhiều cái lợi chứ không có gì hại. Người Việt Nam có thói quen ăn thịt nóng nhưng hành vi mua bán lại quá nhiều cái hại. Chẳng hạn, giết mổ lúc 12 giờ đêm và sau đó đưa ra các chợ bán, thời gian này thịt đã bắt đầu nhiễm vi sinh, chưa kể miếng thịt bị cả trăm cái tay ấn vào kiểm tra, mất vệ sinh.
Thêm nữa, có mấy người mua về ăn liền đâu, cũng bỏ vào tủ lạnh cấp đông, cũng khác gì ăn thịt đông lạnh.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh