Bão giá, món ăn truyền thống hơn 100 năm tuổi của Anh bị ‘thất sủng’, đến cửa hàng lâu đời nhất cũng khó trụ vững
Nếu không sớm đưa ra chiến lược dài hạn cho cuộc khủng hoảng lương thực, Anh khó có thể cứu 30% số cửa hàng Fish&Chips trên khắp cả nước.
- 03-11-2021Sự 'ám ảnh' của người Ấn Độ với những món ăn toát ra 'mùi tiền'
- 01-01-2018Năm mới trò chuyện cùng Phó TGĐ Samsung Việt Nam: Món ăn yêu thích của tôi là phở bò!
- 09-11-2016Ăn mừng ghế tổng thống, ông Trump vẫn thấp thỏm vì món nợ 20.000 tỷ USD của nước Mỹ
Tại cửa hàng Hooked Fish&Chips (tạm dịch: Cá và khoai tây chiên) phía tây London, anh Bally Singh đang chật vật xoay sở với đống hóa đơn. Bão giá trong loạt nguyên liệu đầu vào, từ cá, khoai, dầu ăn đến bột mì khiến người chủ này không kịp trở tay, chỉ biết ngán ngẩm nhìn doanh thu cửa hàng cứ thế sụt giảm.
"Giá cá tăng cao, giá dầu cũng phi mã. Mọi thứ mà chúng tôi bán đều tăng’’, anh Singh chia sẻ với tờ Reuters.
Được biết món Fish&Chips trong cửa hàng anh Singh hiện có giá 9,5 bảng, tăng gần 2 bảng so với 1 năm trước. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí lên đến 11 bảng Anh - điều quá sức với bất kỳ người dân lao động thu nhập thấp nào.
"Rất khó giữ giá cả hợp lý để cạnh tranh với các cửa tiệm khác. Doanh số đang sụt giảm lắm. Chúng tôi cứ thế nhìn khách hàng lướt qua thôi’’, anh Singh phàn nàn.
Để cứu vãn tình hình, Singh cho biết mình đang tìm cách cắt giảm chi phí, thay cá tuyết bằng loại cá minh thái rẻ hơn. "Nếu không có khách, chúng tôi ngồi yên cũng mất tiền vì bếp luôn phải giữ nóng để chiên cá và khoai’’, Singh nói.
Anh Bally Singh bên trong cửa hàng Hooked Fish&Chips của mình
Không chỉ riêng các cửa hàng Fish&Chips, người dân nước Anh cũng bị tác động sâu sắc bởi lạm phát. Món ăn từng được coi là “dành riêng cho người nghèo” nay trở nên thật đắt đỏ.
“11 bảng cho 1 suất ăn, ừ thì với tôi là không sao cả. Nhưng nếu bạn phải mua cùng một lúc 5,6 suất ăn, giá sẽ đắt ngang đi ăn nhà hàng mất’’, ông Paula Williams, 66 tuổi, một người dân đang sống tại Weymouth cho biết.
“Trước đây, nó được coi là món ăn nhanh dành riêng cho người nghèo. Giờ tăng giá thế này, gia đình nào có thể mua được chứ?’’, ông Malcolm Petherick, 73 tuổi, lo lắng nói.
CỬA HÀNG LÂU ĐỜI NHẤT CŨNG KHÓ TRỤ LẠI
Trước đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson, cầm món ăn truyền thống Fish&Chips trên tay, từng hứa sẽ bù đắp cho nền kinh tế hậu đại dịch. Tuy nhiên, lạm phát và bão giá hiện nay khiến Anh một lần nữa chệch hướng. Nếu không sớm đưa ra chiến lược dài hạn cho cuộc khủng hoảng lương thực, Anh khó có thể cứu ⅓ số cửa hàng Fish&Chips trên khắp cả nước.
Knights là một trong những cửa hàng Fish&Chips lâu đời nhất Vương quốc Anh
Knights là ví dụ điển hình. Đây là một trong những cửa hàng Fish&Chips lâu đời nhất Vương quốc Anh, bắt đầu buôn bán ở Somerset dưới thời trị vì của Nữ hoàng Victoria. Dù đã tồn tại qua 2 cuộc Thế chiến, suy thoái và đại dịch COVID-19, Knights lần này khó có thể trụ vững trong một nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và xung đột căng thẳng Nga-Ukraine.
Harry Niazi, chủ sở hữu một nhà hàng Fish&Chips tại Anh cũng cho biết mình phải sử dụng một lượng lớn dầu ăn mỗi ngày. Ông chia sẻ giá mỗi thùng 20 lít đã tăng gần gấp đôi, từ 22 bảng lên 42,5 bảng, tức từ hơn 600 nghìn đồng lên hơn 1 triệu 200 nghìn đồng.
"Thật sự rất đáng sợ. Tôi không biết những nhà sản xuất cá và khoai tây chiên sẽ phải ứng phó ra sao", ông Harry Niazi nói.
Giá cá tuyết và cá tuyết chấm đen, loại cá yêu thích của người Anh, cũng tăng 75% chỉ sau 1 năm
Ngoài ra, theo Reuters, chỉ trong vòng một năm, giá cá tuyết và cá tuyết chấm đen, loại cá yêu thích của người Anh, cũng tăng 75%. Dầu hướng dương tăng 60% và bột mì tăng 40%, trong bối cảnh lạm phát Anh chạm ngưỡng kỷ lục sau 40 năm trong tháng 4, thậm chí cao nhất trong nhóm G7.
Như vậy, với mức lạm phát 9%, Anh vượt qua cả con số 8,3% của Mỹ và 7,4% của Đức. Trong khi đó lạm phát Nhật Bản vẫn duy trì ở mức với 1,2%.
KHÓ CHỒNG KHÓ
Fish&Chips phổ biến tại Anh giống như khoai tây chiên phổ biến tại Mỹ. Món ăn nhanh này đã gắn bó với người Anh kể từ năm 1860, khi họ lần đầu tiên được thưởng thức sự kết hợp độc đáo giữa cá tuyết và khoai tây chiên giòn.
Theo Reuters, món ăn này vốn đã gặp khó khăn từ sau thời kỳ hậu Brexit, khi các công ty đánh bắt hải sản Anh bị hạn chế phạm vi hoạt động. Ước tính, số lượng cá tuyết Anh được phép đánh bắt vào năm 2022 sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 40% so với thời điểm Anh chưa rời khỏi Liên minh châu Âu EU.
Nguồn cung cá tuyết và cá tuyết chấm đen của Anh đang không ổn định
Nguồn cung này, sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu, điện và xung đột Nga-Ukraine, càng trở nên không ổn định, đặc biệt đối với cá tuyết và cá tuyết chấm đen có nguồn gốc từ Barents, phía bắc Na Uy và Nga.
Hồi tháng 3, chính phủ Anh đã liệt kê cá tuyết Nga vào danh sách các mặt hàng bị áp thuế 35% như một phần của các biện pháp trừng phạt. Dầu hướng dương, mặt hàng nông nghiệp chính mà Anh nhập khẩu từ Ukraine cũng sẽ sớm được thay thế bằng loại dầu khác, chẳng hạn như dầu hạt cải từ Australia. Tuy nhiên, điều này được cho là rất khó khăn do dầu hạt cải không có nhiều.
Tình trạng này khiến 4 thành phần chính tạo nên món Fish&Chips càng trở nên đắt đỏ. Các cửa hàng buộc phải thay đổi thực đơn, tăng giá, nếu không trong trường hợp xấu nhất, sẽ phải sớm đóng cửa, theo Liên đoàn Cá quốc gia (NFFF).
"Chúng tôi nhận được rất nhiều các cuộc điện thoại, gần như là mỗi ngày. Người dân đang vô cùng lo lắng’’, Chủ tịch NFFF ông Andrew Crook nói với tờ Reuters.
Ước tính 3.500 tiệm Fish&Chips trên khắp nước Anh có thể ngừng hoạt động
Reuters trích dữ liệu từ Springboard cho thấy số lượng người mua sắm trên các đường phố của Anh đã giảm 15% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Trong đó, các cửa hàng Fish&Chips bị ảnh hưởng nhiều hơn cả do thiếu sức mua trầm trọng.
Ước tính trong số khoảng 10.500 cửa hàng bán đồ ăn nhanh truyền thống của Anh, 3.500 tiệm Fish&Chips có thể ngừng hoạt động.
"Chúng tôi mong người tiêu dùng và các hộ gia đình có thể cân nhắc lại chi tiêu và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp’’,Yael Selfin, chuyên gia kinh tế tại KPMG nói.
Theo: Reuters, SkyNews
Nhịp sống kinh tế