Bão giá phân bón, thức ăn chăn nuôi: Ai hưởng lợi?
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân thua lỗ nặng, thậm chí phá sản, không dám tái đàn thì nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành này đang lãi đậm. Nghịch lý này cũng lộ diện việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và DN nước ngoài đang vỗ béo các trung gian của ngành chăn nuôi Việt.
- 23-06-2021Giải pháp nào kìm đà tăng giá phân bón?
- 22-06-2021Giá phân bón tăng, sao không dừng xuất khẩu?
- 20-06-2021Giá phân bón bước vào chu kỳ tăng
DN FDI nắm gần hết thị phần
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD (tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng. Nhập khẩu đậu tương 5 tháng đầu năm khoảng 998 nghìn tấn với giá trị 553 triệu USD (tăng 21%); ngô 4,4 triệu tấn, khoảng 1,2 tỷ USD (tăng 71%)…
Thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được đánh giá thuộc hàng “béo bở” bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, miếng bánh này đang phụ thuộc phần lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tổng số 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay, có 85 nhà máy thuộc DN FDI, song sản phẩm của họ chiếm tới 65% thị phần; trong khi 180 nhà máy thuộc DN trong nước chỉ chiếm 35% thị phần. Riêng Công ty CP Việt Nam chiếm hơn 20% thị phần, Cty TNHH Cargill Việt Nam chiếm khoảng 9%, các DN như CJ (Hàn Quốc), De Heus, Japfa (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia); Greebfeed...cũng lần lượt chiếm tỷ trọng đáng kể.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tại tỉnh này, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi của Việt Nam, các DN FDI đang chi phối phần lớn thị trường thức ăn chăn nuôi. Toàn tỉnh có khoảng 40 DN lớn sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì có hơn một nửa là DN FDI, cung cấp gần 90% lượng thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Điều đáng nói là, trong khi các DN FDI không ngừng lớn mạnh và mở rộng về quy mô, thị phần, những DN nội địa ngày càng lép vế, ước tính giảm 2-3% thị phần/năm.
Theo ông Đoán, so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cao hơn (riêng thức ăn cho thủy sản cao hơn 1-2 USD/kg). “Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70 - 75% chi phí đầu vào. Khi giá thức ăn không ngừng tăng cao, giá bán sản phẩm giảm, người nông dân hiện nay hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ”, ông Đoán cho hay.
Nguy cơ DN thao túng, làm giá
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian qua chủ yếu chịu sự ảnh hưởng trước biến động của thị trường thế giới.
Trong bối cảnh container khan hiếm, chi phí vận chuyển đắt đỏ, Trung Quốc lại ồ ạt tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…, nguồn cung bị ảnh hưởng tác động đến giá cả trên toàn thị trường.
Theo ông Thiếu, hiện tại, khoảng 80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam (khoảng 20 triệu tấn) phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này khiến ngành chăn nuôi vốn đã bấp bênh nay càng gặp nhiều rủi ro hơn khi giá thị trường thế giới biến động.
Đáng lo ngại, việc các DN FDI chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, dẫn tới khó điều chỉnh, kiểm soát giá, thậm chí các DN này thao túng giá là điều có thể xảy ra. Các DN cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn.
“Điều này giúp các DN FDI dễ dàng tăng giá thức ăn chăn nuôi hơn. Có hiện tượng các công ty nhỏ liên kết định giá thức ăn chăn nuôi theo các công ty lớn. Hậu quả, người nông dân gánh chịu cả. Còn mọi lợi nhuận đều rơi vào tay các DN FDI”, ông Thiếu nói.
Ông Thiếu cho rằng, đối với mảng thức ăn chăn nuôi, DN Việt Nam không gặp khó khăn trong tự chủ sản xuất, bởi yếu tố công nghệ đối với lĩnh vực này không có gì phức tạp, quan trọng là“DN nào tiềm lực mạnh, DN đó thắng”, do vậy cần có cơ chế hỗ trợ các DN nội địa có tiềm lực tham gia vào thị trường này.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong thời gian kinh doanh tại Việt Nam, các DN FDI không ngừng gặt hái lợi nhuận lớn. Năm 2020, Công ty CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt doanh thu gần 900 triệu USD (khoảng 21 nghìn tỷ đồng). Công ty CJ (Hàn Quốc) cũng đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng…
"Các DN cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Điều này giúp DN FDI dễ dàng tăng giá thức ăn chăn nuôi hơn. Có hiện tượng các công ty nhỏ liên kết định giá thức ăn chăn nuôi theo các công ty lớn. Hậu quả, người nông dân gánh chịu cả. Còn mọi lợi nhuận đều rơi vào tay các DN FDI".
Ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện chăn nuôi
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Bởi hầu hết các nguyên liệu như ngô, đậu tương…không phải là những cây trồng thế mạnh của Việt Nam, mà phần lớn tập trung ở các nước như Mỹ, Argentina, Brazil, châu Âu, Nga....Song, thời gian qua, những khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistics gần như tê liệt.
Theo ông Thắng, giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ cuối năm ngoái đến nay đã qua 7 lần tăng, với mức tăng khoảng 20-30% và chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý 2/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021.Trước tình hình trên, vừa qua Bộ NN&PTNT đã mời các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trao đổi một số giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bộ đang đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như ngô, đậu tương, lúa mì…cũng như đề nghị các DN tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nhập khẩu, giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Tiền phong