Bao giờ huyện Đông Anh trở thành quận?
Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao tạo điều kiện tối đa cho huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm lên quận, riêng huyện Đông Anh phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm 2023, chậm nhất là năm 2024.
- 17-02-2022Tràn lan tách thửa, phân lô, chuyển đổi đất ở nhưng không ở
- 17-02-2022Giá đất tại Đà Nẵng chỉ ngang ngửa với giá đất quê
- 17-02-2022Bắc Giang điều chỉnh Quy hoạch Khu dân cư đường Nguyễn Thế Nho
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, huyện Đông Anh có vai trò, vị trí quan trọng trong quy hoạch phát triển tương lai của Thủ đô.
Cụ thể, thành phố dự kiến xây dựng một đô thị với trọng tâm là giao lưu kinh tế quốc tế, thương mại, dịch vụ, thể thao ở phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; song song với thành phố phía Tây với các trọng tâm phát triển về công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, văn hóa.
Nhưng trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao phải tạo điều kiện tối đa cho huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm lên thành quận trong nhiệm kỳ này; trong đó, Đông Anh phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm 2023, chậm nhất là năm 2024.
Ông cũng yêu cầu trong tổ chức triển khai các công trình, dự án về y tế, giáo dục, văn hóa, huyện phải tính toán lâu dài, đã làm phải bảo đảm đạt chuẩn quốc gia, không để sau này muốn làm mà không có quỹ đất như đang xảy ra ở một số quận hiện nay.
Bí thư Hà Nội lưu ý, huyện đốc thúc các chủ đầu tư đã được giao đất trên địa bàn nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, đúng quy định để khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho địa phương như: Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; dự án đầu tư Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy...
"Huyện phải tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư, nhưng cũng phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, không để chậm trễ gây lãng phí, tiêu cực", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Huyện Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, gồm 23 xã, một thị trấn trực thuộc. Còn huyện Gia Lâm diện tích gần 115 km2, dân số khoảng 280.000 người, 20 xã và 2 thị trấn.
Theo đề án lên quận của các huyện, có 27 tiêu chuẩn phải đạt, gồm 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Trong đó, 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và 4 nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị.